Vừa qua, phái đoàn Quốc hội châu Âu đã mở cuộc họp báo tại Hà Nội để nói lên “Sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ” tại Việt Nam. Họ nêu ra và chỉ trích những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội và chính trị, đặc biệt là “không gian tự do” của “xã hội dân sự” bị thu hẹp, các điều luật mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân sự bị sách nhiễu, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế. Thông tin trên được đăng tải trên trang facebook Đài Á Châu Tự Do (RFA), ngày 07/4. Đây vẫn là những thông tin phiến diện, không chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cần đấu tranh, bác bỏ. Bởi vì:
Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia ký kết, thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về nhân quyền; nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm các quyền của công dân. Do vậy, các quyền, lợi ích của công dân, như: quyền tự do, dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng,… đều được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật, như: Luật Cư trú, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, v.v. Đồng thời, các quyền công dân đều được bảo vệ, thực thi nghiêm túc; nghiêm cấm các hành vi cản trở việc thực hiện các quyền của công dân.
Trên thực tế, Việt Nam đã bảo đảm thực thi tốt nhất các quyền của con người, quyền của công dân. Bằng chứng là: mọi công dân đều được tự do đi lại, tự do cư trú; tự do bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình; mọi ý kiến của người dân đều được lắng nghe, chuyển đến các cấp chính quyền để giải quyết, được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của hơn 800 cơ quan báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội,… là diễn đàn để mọi người dân được tự do thể hiện tiếng nói, quan điểm, nguyện vọng của mình trên cơ sở tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật. Điều này, đã tạo cơ sở, điều kiện để mọi người dân Việt Nam được phát triển toàn diện, cống hiến, tham gia xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Có một thực tế không thể phủ nhận đó là: đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín như hiện nay và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với sự nỗ lực, cố gắng đó, Việt Nam đã hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và đã có những đóng góp tích cực, thực chất, trách nhiệm, thúc đẩy các sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.
Đáng tiếc rằng, phái đoàn Quốc hội châu Âu khi sang Việt Nam đã không tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam tìm hiểu để có thông tin chính thức, đầy đủ, nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác tình hình nhân quyền Việt Nam. Đằng này, họ lại chỉ tiếp xúc, nghe ý kiến của một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, có tư tưởng tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước. Vì thế, có thể khẳng định rằng những thông tin mà họ đưa ra là phiến diện, hoàn toàn không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu./.
Tre Việt