Quyền của nhân dân với người đầy tớ trung thành của mình

 

Chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến quyền của quần chúng nhân dân với những người lãnh đạo của mình.

Theo quan điểm của Lênin, nhân dân có quyền cử ra cũng như có quyền thay đổi và kiểm tra, hiểu rõ về các hoạt động của những người lãnh đạo. Lênin từng chỉ rõ: “Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm. Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Đảng là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Tư tưởng ấy xuyên suốt quá trình ra đời, trưởng thành, phát triển, lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng cũng như hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”. Ngày 24 – 1 – 1947, trong Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ai cũng biết rằng; trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: để Đảng, Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với nhân dân thì các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước phải thật sự vì nhân dân phục vụ. Nói chuyện với anh em công chức Thủ đô vào ngày 30 – 11 – 1954, Người nhấn mạnh: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Tháng 3 – 1947, khi viết về Đời sống mới, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước phải luôn trung thực với nhân dân, không được giấu giếm nhân dân, phải để nhân dân hưởng quyền được biết về công việc của Đảng, của Chính phủ, quyền kiểm tra giám sát, thụ hưởng theo đúng quy định của Đảng, của Nhà nước, của pháp luật. Đây phải thật sự là việc cần thiết, sự cầu thị của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ngày 10 – 10 – 1954, trong Lời kêu gọi nhân dân Thủ đô giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nguyện vọng của Chính phủ là rất mong được nhân dân giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình, là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến quyền của công dân trong việc tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập và trong bối cảnh kháng chiến toàn quốc cam go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thẳng thắn nêu rõ vấn đề người dân có quyền giám sát cán bộ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ngày 10 – 1 – 1946, phát biểu trước nông dân và điền chủ tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước ta thời Pháp thuộc, thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”. Khi bàn về vấn đề Cần kiệm liêm chính, vào khoảng tháng 6 – 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên yêu cầu, động viên nhân dân  cần phải thực hiện tốt quyền của mình đối với Đảng, Nhà nước. Người nhắc nhở nhân dân phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa quyền và nghĩa vụ, quyền phải đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Trong bài báo Đạo đức công dân đăng trên Báo Nhân Dân ngày 15 – 1 – 1954, Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”. Người chỉ rõ: công dân phải tuân theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung; phải đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. Đồng thời công dân phải hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng và bảo vệ Tổ quốc.

Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống chính trị quán triệt, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trên thực tế lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Qua đó, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên đã ngày càng phấn đấu rèn luyện để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong khi đó thì thật là vô lý khi các thế lực thù địch, thế lực xấu trắng trợn chống phá mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và nhân dân với Đảng của mình. Chúng xuyên tạc rằng Đảng độc tài, bóp nghẹt mọi quyền lợi của người dân; Đảng chỉ lo lợi ích của Đảng, bỏ mặc nhân dân đói khổ; nhân dân bất bình, mất hết niềm tin vào Đảng. Tháng 3 – 2023 vừa qua, một đối tượng xấu lu loa rằng sở dĩ ở Việt Nam chưa đoàn kết được là: “vì những quyết định tự tung tự hứng” của Đảng “mà tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết giữa dân và Đảng mở rộng…” và “càng sống lâu, Đảng càng chia rẽ dân tộc và gây ra đổ vỡ, tụt hậu cho đất nước”…

Sự chống phá trên của các thế lực thù địch, thế lực xấu không đánh lừa được ai và chỉ làm cho dư luận hiểu rõ thêm bản chất xấu độc của những thông tin chúng đưa ra, đồng thời củng cố, tăng cường quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng mà thôi.

Trong tình hình mới của cách mạng nước ta hiện nay, quyền của nhân dân càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Nghị quyết Trung ương năm, khóa XIII, đề ra nội dung rất cụ thể: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”.

Thực tế cách mạng Việt Nam thời gian qua cho thấy: những nội dung quan trọng liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân đã luôn được tiến hành tích cực, có hiệu quả từ hai phía, nhân dân tự nguyện, tự giác và Đảng, Nhà nước tạo thuận lợi để nhân dân thực hành tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tin tưởng, chờ đợi và tích cực cùng “Người đầy tớ trung thành của nhân dân” thực hiện tốt nhất phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Công Minh - Nguồn: Hương Sen Việt
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.