Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử nước nhà. Hiển thị tất cả bài đăng

 Đất nước ta đang trong dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2023). Gần đến dịp kỷ niệm, thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ suy thoái tư tưởng chính trị đã tung ra những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc phủ nhận giá trị, bản chất của Chiến thắng 30-4-1975 trong lịch sử dân tộc Việt Nam.



Họ cho rằng, ngày 30-4-1975 là “ngày kết thúc của một cuộc nội chiến tương tàn”, “ngày ghi dấu ấn trong lịch sử khi dân tộc Việt Nam chia làm hai nửa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”... Vậy sự thật, bản chất của Chiến thắng 30-4-1975 là như thế nào?

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không phải là nội chiến

Đầu tiên cần khẳng định ngày 30-4-1975 là ngày vui thống nhất, ngày vui giải phóng của cả dân tộc Việt Nam! 

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo nội dung Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Ranh giới ấy lẽ ra đã được xóa bỏ, hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau hai năm bằng một cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu (Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva ghi rõ, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956). Nhưng chính âm mưu của đế quốc Mỹ muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam đã phá hỏng cơ hội thống nhất hai miền Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm-tay sai của đế quốc Mỹ biết không thể có cơ hội chiến thắng một cách đàng hoàng, hợp pháp qua cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước trước Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất được lòng dân. Nên, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã phớt lờ Tổng tuyển cử, giành quyền thống trị miền Nam bằng vũ lực, súng đạn, máy chém, sát hại dã man hàng vạn đồng bào, đảng viên Đảng Cộng sản và những người bị nghi ngờ ủng hộ Đảng Cộng sản, tạo ra những cuộc bắt bớ, giết hại tín đồ Phật giáo, gây mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo. Với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã thi hành ở Việt Nam chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Khi nhận thấy Ngô Đình Diệm không còn phù hợp với chính sách của mình, Mỹ lập tức dàn xếp một cuộc đảo chính, tiêu diệt cả hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, dựng lên tại miền Nam Việt Nam một chính thể khác phục vụ trung thành hơn cho lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.

Như thế cần khẳng định rằng, chính quyền Việt Nam cộng hòa hoàn toàn là tay sai của Mỹ, thực hiện mưu đồ của Mỹ là biến Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cùng với quân Mỹ, quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện nhiều chiến dịch thảm sát đồng bào miền Nam. Kể cả khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến, hay sau khi quân Mỹ phải rút phần lớn lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris vào năm 1973 thì bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không thay đổi. Tại Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, thực chất chỉ có một nhà nước chính danh của dân tộc Việt Nam tồn tại, đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được khai sinh ngày 2-9-1945 từ sau cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể thế giới. Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu nên sau cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946 (một số tỉnh tại miền Nam bầu vào ngày 23-12-1945 do không nhận được lệnh hoãn). Còn chính quyền Việt Nam cộng hòa tại miền Nam do Mỹ dựng lên, không do nhân dân Việt Nam bầu nên, chà đạp lên quyền lợi của dân tộc Việt Nam, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì thế, đây không phải là một chính quyền hợp pháp, hợp đạo lý, hợp lòng dân. Thực tế là trong suốt thời gian chính quyền tay sai của Mỹ tồn tại thì nhân dân miền Nam luôn đứng dậy để đấu tranh nhằm lật đổ chính quyền phi nghĩa này. Để phủ nhận chính quyền tay sai của Mỹ, để lật đổ nó, quân dân miền Nam đã lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để lãnh đạo nhân dân toàn miền.

Đến năm 1973, sau khi thua trên chiến trường, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế bởi đang thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi nước ta. Nhưng Mỹ vẫn để lại một đội ngũ cố vấn hùng hậu, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền Sài Gòn thành con rối trong tay Mỹ.

Như thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không phải là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc của Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mà đây là cuộc kháng chiến của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh đổ bè lũ tay sai của Mỹ, kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng 30-4-1975. 

Bên nào thắng cuộc?

Như vậy, bên nào đã thắng cuộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước? Dĩ nhiên, đó là dân tộc Việt Nam đã thắng trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, nhân dân Việt Nam đã thắng trong thực hiện khát vọng thống nhất đất nước, giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc. Để giành được thắng lợi vĩ đại đó, cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, bền bỉ trong suốt 30 năm.

Những ý nghĩ cho rằng, Việt Nam "có thể thực hiện thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình" là hết sức thiển cận, hồ đồ, thiếu hiểu biết về thực tế lịch sử. Đảng ta, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo kế nhiệm đã nhất quán, thể hiện từ rất sớm mong muốn giành độc lập, thống nhất nước nhà bằng biện pháp hòa bình, đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ngoại giao, tránh chiến tranh. Thế nhưng đáp lại thiện ý đó, thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ và tay sai luôn khước từ, tìm cách phá hoại, vì muốn thống trị nước ta bằng sức mạnh quân sự, đã chà đạp lên mong ước hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Trong hai năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 bức thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman. Nội dung của các bức thư, bức điện này thể hiện rõ mong muốn được độc lập, hòa bình của Việt Nam và thiện chí của Việt Nam muốn được “hợp tác đầy đủ” với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng!

Hội nghị Fontainebleau diễn ra suốt hơn hai tháng (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam còn sang Pháp trước đó hàng tháng trời để tìm mọi cơ hội đàm phán với Chính phủ Pháp, thuyết phục chính giới Pháp nhằm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam bằng hòa bình. Nhưng mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Việt Nam, của phái đoàn Việt Nam đều bị xem nhẹ vì nước Pháp vẫn mang tư tưởng thực dân, vẫn muốn chiếm đoạt nước ta. Giải pháp tổ chức một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Nam Bộ để thống nhất Việt Nam đã bị phía Pháp phớt lờ. 

Trong Hiệp định Paris năm 1973 có điều khoản về bầu cử, hiệp thương để thống nhất Việt Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ-ngụy lại tiếp tục trắng trợn phá hoại hiệp định, xua quân nống lấn ra vùng tự do, đàn áp nhân dân ta chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. 

Có thể thấy, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, muốn giành độc lập, thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình, tránh đổ máu, muốn tổ chức hiệp thương, Tổng tuyển cử để bầu ra chính phủ thống nhất hai miền, nhưng chính đế quốc Mỹ và tay sai đã hai lần phá hoại hiệp thương, Tổng tuyển cử, phá hoại cả hai hiệp định hòa bình là Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris. Do đó, hòa bình, độc lập, thống nhất, hạnh phúc như ngày hôm nay là thành quả vĩ đại của cả dân tộc ta. Bất cứ ai xúc phạm thành quả ấy, muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc đều là những kẻ thiếu tử tế, mất nhân cách.  

Hòa hợp dân tộc không phải là trộn lẫn, đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa

Hiện nay, thực hiện chủ trương lớn hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, đồng bào Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài ra sức đoàn kết, đóng góp để xây dựng đất nước. Nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cả về vật chất, trí tuệ, công sức đều hết sức quý giá, luôn được trân trọng. Trong số những người Việt Nam ở nước ngoài, đại bộ phận đều hướng về quê hương với tình yêu và sự nhiệt thành muốn đóng góp cho quê hương. Ngay cả những lãnh đạo của chính quyền Việt Nam cộng hòa năm xưa như ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đã nhận ra sai lầm, thể hiện tấm lòng hướng về quê cha đất tổ, muốn đóng góp công sức để xây dựng đất nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, đoàn kết của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, đất nước Việt Nam đã có những thành tựu đột phá về phát triển trong thời kỳ đổi mới, kinh tế đất nước, đời sống của nhân dân và vị thế quốc gia ngày càng đi lên.

Thế nhưng cũng có một bộ phận thiểu số, hầu hết đều là những người đã từng làm tay sai cho đế quốc Mỹ, thì chỉ luôn tìm cách hòng phá hoại đất nước Việt Nam. Họ coi ngày 30-4 là ngày “quốc hận”, là ngày giỗ của một chính thể phi pháp, phi nghĩa. Họ luôn đưa ra điều kiện hết sức phi lý là để “hòa hợp dân tộc” thì phải bỏ việc kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4-1975.

Những người ấy đã nhầm! Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng thống nhất, hòa hợp, đã chiến đấu kiên cường vì khát vọng ấy. Và thực tế, đất nước Việt Nam đã thống nhất, hòa hợp dân tộc từ ngay sau Chiến thắng 30-4-1975, Nam-Bắc một nhà ra sức xây dựng đất nước. Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay yêu thương, luôn coi họ là một phần ruột thịt của Tổ quốc.    

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” là bài học quý báu được đúc rút từ lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm căn dặn mỗi người chúng ta. Hòa hợp dân tộc luôn là điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nỗ lực thực hiện. Thế nhưng, hòa hợp dân tộc dứt khoát không phải là sự chối bỏ lịch sử! Hòa hợp dân tộc không phải là sự đổi trắng thay đen, không phải là sự trộn lẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa, dứt khoát không phải là sự đánh đồng giữa những người có công với những kẻ có tội với dân tộc Việt Nam! "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy" lại là đạo lý của người Việt Nam. Vì thế những ai thực sự thành tâm hối cải, muốn quay về thì Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn dành cho họ cơ hội. Còn những kẻ luôn rắp tâm phá hoại đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nếu không sớm tỉnh ngộ “quay đầu là bờ” thì nhân dân Việt Nam cũng khó dung tha. 

Dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của việc dạy và học lịch sử đối với người Việt Nam. Đối với các quốc gia trên thế giới, việc giáo dục lịch sử luôn là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công dân. Đối với một quốc gia, dân tộc có một quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước nhiều khúc quanh co, phức tạp như dân tộc Việt Nam thì dạy và học lịch sử có ý nghĩa sống còn, sinh tồn của dân tộc. Bởi vì những người Việt Nam thế hệ sau phải hiểu rõ, hiểu sâu về lịch sử dân tộc, hiểu về cha ông mình, hiểu về mảnh đất nơi mình sinh ra, từ đó sẽ hiểu về chính bản thân mình, rút ra cho mình những bài học quý báu. Hiểu về lịch sử, nắm vững kiến thức lịch sử là một yếu tố đánh giá nhân cách, đạo đức và trí tuệ của một con người Việt Nam. Có hiểu về lịch sử, mới hiểu về hiện tại và hình dung ra con đường đúng đắn tới tương lai; có trân trọng, biết ơn cha ông mới trân quý, nâng niu những gì mình đang có, để nỗ lực đóng góp công sức không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho các thế hệ tương lai trên đất nước Việt Nam./.

Nguồn: Quan họ áo xanh

70 năm trước đây, từ ngày 13-4 đến 18-5-1953, lần đầu tiên bộ đội chủ lực Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị Pathet mở chiến dịch Thượng Lào, giành thắng lợi to lớn; đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân viễn chinh Pháp, giải phóng và mở rộng căn cứ kháng chiến của Lào tại hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào), xây đắp nên biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết chiến đấu vĩ đại Việt Nam - Lào, “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Đây là minh chứng sinh động để bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, đã xuyên tạc mối quan hệ thân thiết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội Việt Nam - Lào.



Hoàng thân Xuvanuvông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953.

Sau chiến dịch Tây Bắc - Thu đông 1952, Tổng Quân ủy đã nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta… vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào - Việt”. Tổng Quân ủy đã đề nghị với Đảng, Bác Hồ cho phép Quân đội ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch này. Trước đề nghị hợp lý, hợp tình của ta, Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào Ítxala đã tán thành chủ trương và mong muốn sau chiến dịch, Sầm Nưa sẽ là thủ đô kháng chiến của Lào và Thượng Lào sẽ là căn cứ địa của kháng chiến của cách mạng Lào.

Thượng Lào là địa bàn rộng lớn, phần lớn là rừng núi hiểm trở, nhiều sông, suối, đèo cao, vực sâu chia cắt; dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển... nên việc hành quân, bảo đảm vật chất hậu cần - kỹ thuật cho Chiến dịch gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, địch lại tổ chức đánh phá quyết liệt. 

Thực hiện chủ trương của Đảng, lời căn dặn của Bác Hồ và quyết tâm Chiến dịch, các cánh quân của ta đã tranh thủ thời gian, tổ chức các bộ phận gọn nhẹ, hành quân bí mật và nhanh chóng tiến vào bao vây, cô lập, tiêu diệt địch. Ngày 3-2-1953, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Đây là lần đầu tiên Liên quân cách mạng Lào - Việt Nam phối hợp với nhau tác chiến theo một kế hoạch, cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tác chiến trên đất bạn.


Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953.

Trước khi xuất quân, ngày 3-4-1953, Bác Hồ đã viết thư căn dặn các đơn vị bộ đội có nhiệm vụ chiến đấu ở Thượng Lào: “Lần này là lần đầu tiên các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” và giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Về phía bạn, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng tham gia chỉ đạo Chiến dịch.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tiến công địch trên 3 hướng Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Nậm U; trong đó, hướng chủ yếu là Sầm Nưa. Trên các hướng đã định, ngày 8-4-1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam tiến quân sang Lào; bắt đầu uy hiếp địch ở Luông Prabang, Xiêng Khoảng và Sầm Nưa.

Trước sự tiến quân mạnh mẽ của ta, quân Pháp ở Đông Dương nhận thấy không thể “lấy trứng chọi đá” nên vội rút quân khỏi Sầm Nưa, quân ta hạ quyết tâm “truy kích địch đến cùng” nhằm tiêu diệt sinh lực địch để đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên của quân chủ lực Việt Nam sang Thượng Lào, không cho địch chạy thoát về Cánh đồng Chum.

10 giờ ngày 13-4-1953, các đơn vị đi đầu của ta đã nổ súng đánh chặn đường rút lui của địch. Quân ta kiên quyết đã bám đuổi, truy kích, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, buộc số còn lại phải rút chạy về Cánh đồng Chum cố thủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Sầm Nưa và vùng lân cận được giải phóng. Sau hơn một tuần truy kích trên chặng đường dài 270 km từ Sầm Nưa về Cánh đồng Chum, các đơn vị chiến đấu của ta và bạn đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã hơn 1.500 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm, tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến Lào phát triển.

Phối hợp với quân ta, nhân dân các bộ tộc Lào đã huy động hàng nghìn dân công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm; làm công tác dẫn đường, giữ bí mật, tiếp tế và cùng bộ đội ta lùng bắt tàn binh địch. Đến ngày 18-5-1953, Bộ Chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch, phân tán một bộ phận lực lượng, kết hợp cùng với bộ đội Lào truy quét tàn binh, xây dựng cơ sở, còn đại bộ phận rút quân về nước.

Sau nhiều ngày truy kích liên tục, các đơn vị tham gia chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên, chiếm 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng trên 35.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Luông Prabang với 1/5 diện tích Bắc Lào và hơn 40.000 dân; trong đó có lưu vực sông Nậm U là vùng có tầm chiến lược quan trọng, vùng giàu có nhất ở Tây Bắc nước Lào.

Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào. Kể từ đây, cách mạng Lào có một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam. Quân đội giải phóng Lào có hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng. Cách mạng Lào đã nối thông với cách mạng Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam - Lào ngày càng vững chắc.

Chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, gắn bó keo sơn giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng Lào, giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Từ đây, sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước đã phát triển lên tầm cao mới ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thắng lợi to lớn hơn, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của hai nước vững bước tiến lên giành thắng lợi mới.

Trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng, ngày 19-5-1953, Hoàng thân Xuphanuvông nhận định: “Sầm Nưa giải phóng là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra lúc đầu. Mùa xuân năm 1953 mở ra triển vọng lớn cho hai dân tộc Việt - Lào trong chiến tranh, với thế phối hợp chiến lược mới giữa cách mạng hai nước. Đó là dấu son tươi thắm trong lịch sử đoàn kết chiến đấu Việt - Lào; đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch trên địa bàn rừng núi của quân dân hai nước.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 tác động trực tiếp đến kết cục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta; để lại nhiều bài học quý báu đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay và mai sau. Trong đó, nổi bật là bài học về chuẩn bị và thực hành chiến dịch; đặc biệt là nghệ thuật truy kích địch và chỉ có giành thắng lợi mới bác bỏ được mọi quan điểm tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch. Đây là những kinh nghiệm quý báu vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo; được chắt lọc; đưa vào giảng dạy và và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay./.

DƯƠNG PHƯƠNG DUY - Nguồn: Fp Nhân Văn Hà Nội

 

Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, có hàng chục tuyến đường ngang dọc đi đến các mặt trận, những chuyến xe trở hàng ra tiền tuyến chạy suốt ngày đêm, ở những cung đường từ đông sang tây Trường Sơn quanh năm có mưa, những chiếc xe tải phải chạy trên những cung đường sâu hơn 20cm, gầm xe luôn chạm đất do vậy nhíp luôn là bộ phận nhanh hỏng nhất của chiếc xe. Không có phụ tùng thay thế, những người thợ phải hàn lại chiếc những chiếc nhíp để dùng, dù tốn kém nhưng vẫn phải làm vì một chuyến xe là bằng cả một tháng làm của một trung đoàn.

Nhiều trạm sửa chữa xe đặt sâu trong rừng, xa hậu phương tức là xe nguồn tiếp tế, mỗi người chỉ được cấp 2 lạng gạo một ngày, đến nấu cháo cũng không đủ. Riêng lá sắn, cây sắn những người lính Trường Sơn có thể làm được 7 món một ngày, kèm theo đó là củ mài và tất cả những gì có thể ăn được trong rừng nhưng họ vẫn đói. Từ vấn đề ấy mà những người lính Trường Sơn lập ra những tổ để khắc phục cái đói như tổ tăng gia trồng rau, có tổ thì đi 3, 4 cây số đi vào bản để vay gạo, họ huy động chăn màn quần áo của bộ đội để đổi lấy gạo.

Nhu cầu tiếp tế của chiến trường lúc nào cũng căng thẳng, bộ đội lúc nào cũng cần từng viên đạn, từng cân gạo, từng viên thuốc. Trong khi đó nhiều lúc do thiếu xăng hàng chục chiếc xe phải nằm không, việc vận chuyển hàng bị ứ đọng, thế là ý tưởng những chiếc xe chạy bằng than củi ra đời. Rừng thỉ không thiếu củi, những chiếc xe lại lên đường với những phụ tùng chắp vá và hư hỏng, những chiếc xe cứ lăn bánh, rồi không bao lâu lại quay lại chạm sửa chữa, lại được mổ xẻ và thay thế bằng vài bộ phận tự chế, cứ như vậy chúng hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.

Dù có khó khăn, vất vả thiếu thốn nhưng không có gì có thể ngăn nổi đoàn xe tiến về phía trước.

"Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim"./.

Cre: QĐND; Nguồn: H.H-ĐSNG

 Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Nguyễn Thị Định: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.



Đây dường như là một lời tiên tri, khi đến năm 1974, chị Ba Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng. Và đến mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng.

Vai trò lịch sử đặc biệt của Nguyễn Thị Định một lần nữa được Giáo sư sử học Christine Whate (trường đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) nhấn mạnh trong bức thư gửi vị nữ tướng Việt Nam.

Trong thư có đoạn viết: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam”.

Fanpage: Quả Đấm Thép Miền Đông Nam Bộ

TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ!
(Hướng tới KN 72 năm ngày TBLS 27/7/1947-27/7/2019)

Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê “cò bay thẳng cánh” đều có những nghĩa trang liệt sỹ ken dày mộ. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế của những anh hùng, họ biết đặt cái khát khao giành độc lập, tự do lên trên sinh mạng của chính mình. Nhờ thế, đất nước Việt Nam được định hình trên bản đồ thế giới cũng từ tinh thần hy sinh cao cả ấy.


Chính vì vậy việc tri ân đối với những người, những gia đình có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta, những con người đang được sống trong một đất nước hòa bình nhờ công sức, xương máu cha, anh đổ xuống, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Đất nước đã hòa bình, nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, hàng ngày, hàng giờ các thế lực thù địch, phản động lưu vong, các phần tử cơ hội chính trị vẫn nhăm nhe chia cắt đất nước, những loại tội phạm nguy hiểm vẫn chực chờ cơ hội, thiên tai hạn hán, lũ lụt vẫn hoành hành.


Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".


Hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), mỗi một con người Việt Nam chúng ta chắc hẳn đều bộc lộ cảm xúc của mình khác nhau song tất cả đều cùng một mục đích đó là biết ơn những người con đã cống hiến, chiến đấu để cho chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay. Chúng ta tin tưởng và quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập ấy.


Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, chúng ta phải kiên định đường lối Cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; chúng ta hãy luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam, quyết tâm cao nhất trong nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, đóng góp trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cha anh đi trước.

Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi tr­ước. Chúng ta hãy noi g­ương các anh hùng liệt sỹ-những ng­ười đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình cho tổ quốc, xây dựng đất n­ước ta "ngày càng to đẹp hơn" sánh vai với các c­ường quốc trên thế giới như­ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

(Thanh tra) - Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo (KN, TC) từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng.


                                        Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: TN

Sáng ngày 14/11, Quốc hội thảo luận hội trường về công tác giải quyết KN, TC của công dân năm 2018.

Số lượng đơn thư, vụ việc tăng

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, năm 2018, tình hình KN, TC của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017.

Tổng số đơn KN, TC tăng 11,8%; tổng số vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước tăng 4,7%. “Nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017”, ông Lê Minh Khái thông tin, các vụ việc KN, TC phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai.

Theo Tổng Thanh tra, nhìn chung tình hình KN, TC từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng.

“Đáng chú ý, là một số thế lực đã lợi dụng tình hình KN, TC để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân”, Tổng Thanh tra nói.

Về nguyên nhân, theo Tổng Thanh tra, là do công tác quản lý Nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm.

Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.

“Còn có tình trạng lạm dụng quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng…”, Tổng Thanh tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết KN, TC.

Ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người KN, TC còn hạn chế, nhiều trường hợp có những yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật, có vụ việc mặc dù đã được giải quyết có lý, có tình nhưng người KN vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài…

Chuyển điều tra 9 vụ, xử lý kỷ luật 14 cá nhân

Theo báo cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7% (KN 20.894 vụ việc, đạt 83,4%; tố cáo 6.689 vụ việc, đạt 84,9%).

Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành 1.326 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.201 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức, 901 cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân.

”Kết quả công tác giải quyết KN, TC đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.

“Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết KN, TC nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp”, Tổng Thanh tra cho biết.

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra (trên 85%). Một số địa phương chưa quyết liệt trong giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bộ trưởng, Chủ tịch các cấp phải tiếp dân đúng quy định

“Thời gian tới, tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn biến phức tạp”, Chính phủ dự báo.

Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật KN, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KN.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp phải nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan.

Chính phủ yêu cầu, năm 2019, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc KN, TC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%....

Để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả, Chính phủ cũng đề nghị, Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ giữa các lĩnh vực, hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các quy định dễ phát sinh tranh chấp, KN, TC đông người, vượt cấp.

Các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc giải quyết KN, TC kiến nghị của công dân, nhất là các địa phương xảy ra nhiều vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.