70 năm trước đây, từ ngày 13-4 đến 18-5-1953, lần đầu tiên bộ đội chủ lực Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị Pathet mở chiến dịch Thượng Lào, giành thắng lợi to lớn; đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân viễn chinh Pháp, giải phóng và mở rộng căn cứ kháng chiến của Lào tại hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào), xây đắp nên biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết chiến đấu vĩ đại Việt Nam - Lào, “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Đây là minh chứng sinh động để bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, đã xuyên tạc mối quan hệ thân thiết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội Việt Nam - Lào.
Hoàng thân Xuvanuvông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953.
Sau chiến dịch Tây Bắc - Thu đông 1952, Tổng Quân ủy đã nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta… vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào - Việt”. Tổng Quân ủy đã đề nghị với Đảng, Bác Hồ cho phép Quân đội ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch này. Trước đề nghị hợp lý, hợp tình của ta, Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào Ítxala đã tán thành chủ trương và mong muốn sau chiến dịch, Sầm Nưa sẽ là thủ đô kháng chiến của Lào và Thượng Lào sẽ là căn cứ địa của kháng chiến của cách mạng Lào.
Thượng Lào là địa bàn rộng lớn, phần lớn là rừng núi hiểm trở, nhiều sông, suối, đèo cao, vực sâu chia cắt; dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển... nên việc hành quân, bảo đảm vật chất hậu cần - kỹ thuật cho Chiến dịch gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, địch lại tổ chức đánh phá quyết liệt.
Thực hiện chủ trương của Đảng, lời căn dặn của Bác Hồ và quyết tâm Chiến dịch, các cánh quân của ta đã tranh thủ thời gian, tổ chức các bộ phận gọn nhẹ, hành quân bí mật và nhanh chóng tiến vào bao vây, cô lập, tiêu diệt địch. Ngày 3-2-1953, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Đây là lần đầu tiên Liên quân cách mạng Lào - Việt Nam phối hợp với nhau tác chiến theo một kế hoạch, cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tác chiến trên đất bạn.
Trước khi xuất quân, ngày 3-4-1953, Bác Hồ đã viết thư căn dặn các đơn vị bộ đội có nhiệm vụ chiến đấu ở Thượng Lào: “Lần này là lần đầu tiên các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” và giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Về phía bạn, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng tham gia chỉ đạo Chiến dịch.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tiến công địch trên 3 hướng Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Nậm U; trong đó, hướng chủ yếu là Sầm Nưa. Trên các hướng đã định, ngày 8-4-1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam tiến quân sang Lào; bắt đầu uy hiếp địch ở Luông Prabang, Xiêng Khoảng và Sầm Nưa.
Trước sự tiến quân mạnh mẽ của ta, quân Pháp ở Đông Dương nhận thấy không thể “lấy trứng chọi đá” nên vội rút quân khỏi Sầm Nưa, quân ta hạ quyết tâm “truy kích địch đến cùng” nhằm tiêu diệt sinh lực địch để đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên của quân chủ lực Việt Nam sang Thượng Lào, không cho địch chạy thoát về Cánh đồng Chum.
10 giờ ngày 13-4-1953, các đơn vị đi đầu của ta đã nổ súng đánh chặn đường rút lui của địch. Quân ta kiên quyết đã bám đuổi, truy kích, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, buộc số còn lại phải rút chạy về Cánh đồng Chum cố thủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Sầm Nưa và vùng lân cận được giải phóng. Sau hơn một tuần truy kích trên chặng đường dài 270 km từ Sầm Nưa về Cánh đồng Chum, các đơn vị chiến đấu của ta và bạn đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã hơn 1.500 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm, tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến Lào phát triển.
Phối hợp với quân ta, nhân dân các bộ tộc Lào đã huy động hàng nghìn dân công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm; làm công tác dẫn đường, giữ bí mật, tiếp tế và cùng bộ đội ta lùng bắt tàn binh địch. Đến ngày 18-5-1953, Bộ Chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch, phân tán một bộ phận lực lượng, kết hợp cùng với bộ đội Lào truy quét tàn binh, xây dựng cơ sở, còn đại bộ phận rút quân về nước.
Sau nhiều ngày truy kích liên tục, các đơn vị tham gia chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên, chiếm 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng trên 35.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Luông Prabang với 1/5 diện tích Bắc Lào và hơn 40.000 dân; trong đó có lưu vực sông Nậm U là vùng có tầm chiến lược quan trọng, vùng giàu có nhất ở Tây Bắc nước Lào.
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào. Kể từ đây, cách mạng Lào có một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam. Quân đội giải phóng Lào có hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng. Cách mạng Lào đã nối thông với cách mạng Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam - Lào ngày càng vững chắc.
Chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, gắn bó keo sơn giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng Lào, giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Từ đây, sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước đã phát triển lên tầm cao mới ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thắng lợi to lớn hơn, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của hai nước vững bước tiến lên giành thắng lợi mới.
Trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng, ngày 19-5-1953, Hoàng thân Xuphanuvông nhận định: “Sầm Nưa giải phóng là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra lúc đầu. Mùa xuân năm 1953 mở ra triển vọng lớn cho hai dân tộc Việt - Lào trong chiến tranh, với thế phối hợp chiến lược mới giữa cách mạng hai nước. Đó là dấu son tươi thắm trong lịch sử đoàn kết chiến đấu Việt - Lào; đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch trên địa bàn rừng núi của quân dân hai nước.
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 tác động trực tiếp đến kết cục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta; để lại nhiều bài học quý báu đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay và mai sau. Trong đó, nổi bật là bài học về chuẩn bị và thực hành chiến dịch; đặc biệt là nghệ thuật truy kích địch và chỉ có giành thắng lợi mới bác bỏ được mọi quan điểm tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch. Đây là những kinh nghiệm quý báu vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo; được chắt lọc; đưa vào giảng dạy và và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay./.
DƯƠNG PHƯƠNG DUY - Nguồn: Fp Nhân Văn Hà Nội