Cảnh giác với những chiêu trò lợi dụng “Xã hội dân sự” để chống phá Đảng và Nhà nước ta

 

Chúng ta đã biết, Điều 1, Công ước của Liên hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị (1966) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã ghi rõ: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Xét thấy nội dung của Công ước phù hợp với lợi ích chung của nhân loại nên Việt Nam đã sớm phê chuẩn và tham gia Công ước này.

Thực tế, xã hội dân sự luôn được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vừa qua, trên trang “Vietnamthoibao”, kẻ tự xưng Lynn Huỳnh đã phát tán tài liệu: “Xã hội dân sự vẫn là cụm từ nhạy cảm?” để xuyên tạc Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Y cho rằng: “Theo quy định tại khoản 2, điều 14, Hiến pháp năm 2013 thì bất cứ quyền nào cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể”. Trong khi, khoản 2, điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hơn nữa, Lynn Huỳnh còn lợi dụng tự do, dân chủ để kích động: “Có những quyền con người không thể bị hạn chế thực hiện vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những trường hợp cần thiết như quy định của Hiến pháp năm 2013”. Thực chất, Lynn Huỳnh đã lợi dụng các tổ chức thành lập và hoạt động bất hợp pháp để cổ súy cho kiểu tự do, dân chủ vô hạn độ, tự do dân chủ bất chấp tất cả, nhằm hướng lái dư luận, kích động những người kém hiểu biết, những phần tử bất mãn, quá khích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không mắc phải mưu đồ đen tối của kẻ xấu.

Thực tiễn cho thấy, giá trị đáng ghi nhận của xã hội dân sự là những phát kiến, kiến nghị, đề xuất có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với quan điểm, đường lối của đảng cầm quyền. C. Mác cho rằng: Chủ quyền của nhân dân phải trở thành vấn đề trung tâm trong một xã hội dân sự đích thực, làm cơ sở cho một chế độ dân chủ và một nhà nước dân chủ chân chính. Đây là tư tưởng cách mạng sâu sắc, có tính định hướng cho việc nhìn nhận, đánh giá và xác định tính đúng đắn của một tổ chức được coi là xã hội dân sự đích thực hay giả danh để chống phá chính quyền nhân dân.

Tại Đông Âu, Liên Xô, Bắc Phi, Trung Đông…đã từng diễn ra các trường hợp, một tổ chức xã hội dân sự bằng các chiêu trò dân túy và sự hà hơi, tiếp sức từ bên ngoài đã cổ súy và thực hiện “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là thành quả cách mạng được thể chế hóa và phát huy trên thực tế. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là sự kế thừa, phát triển những giá trị quyền con người, quyền công dân của nhân loại trong thời đại mới. Trong các bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) đều thể hiện rõ sự tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; là chế độ dân chủ, do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự xuất hiện một số tổ chức tự xưng “độc lập”, “dân chủ”, “nhân quyền”, như: Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ…cũng như việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là những tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối như Lynn Huỳnh muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức cảnh giác, nhận diện chính xác bộ mặt thật của chúng và kiên quyết đấu tranh làm thất bại những chiêu trò lợi dụng xã hội dân sự để chống phá cách mạng Việt Nam./.

Nhân văn Việt
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.