Bên trên là biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đang trong quá trình trùng tu. Hình ảnh được các trang mạng đưa lên và phần đông cư dân mạng chỉ trích kịch liệt vì máu sơn có phần quá rực rỡ, không cổ kính rêu phong và chi phí 14 tỷ là quá cao.
Trường hợp này làm mình nhớ lại cách đây đúng một năm, khi hình ảnh Nhà thờ lớn Hà Nội đang trong quá trình trùng tu ở giai đoạn thử nghiệm sơn và chống thấm, được đăng lên các trang mạng và cũng bị chửi với các lý do như mất đi vẻ cổ kính, màu sơn xấu… Luồng dư luận lên án mạnh mẽ đến mức phụ trách Nhà thờ Lớn là Chính xứ Nguyễn Văn Thắng phải lên tiếng rằng công trình chưa hoàn tất, còn nhiều giai đoạn, chưa vẽ giả cổ, chưa nghiệm thu nên mọi đánh giá là chưa chính xác và khách quan. Rồi sau đó, khi quá trình trùng tu kết thúc thì cư dân mạng lại há hốc mồm khen đẹp đẽ.
Tương tự, biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài chưa hoàn tất mà đang ở trong quá trình quét thử sơn, thử nghiệm màu sắc để tìm ra màu sơn gốc nhằm đảm bảo tính chính xác tuyệt đối so với lúc mới xây dựng. Các chuyên gia Pháp, đứng đầu là ông Emmanuel Cerise cũng khá ngạc nhiên khi phần đông dư luận Việt Nam lại chỉ quan tâm đến màu sơn mà không quan tâm đến chất lượng công trình, vật liệt gốc, giá trị lịch sử… Trong khi những chi tiết như màu sơn lại chưa được hoàn tất. Vậy nên, đánh giá rồi chê bai chỉ qua một vài bức ảnh liệu có đúng không?
Thời buổi hiện nay, ai cũng có thể chỉnh sửa ảnh, thêm filter, hiệu ứng này kia quá dễ dàng. Mỗi một chiếc điện thoại, máy tính cũng có thể hiển thị màu sắc khác nhau. Và chỉ khác góc chụp hay ánh sáng thôi là đã cho ra màu sắc khác nhau rồi. Có dám chắc rằng những bức ảnh chụp phản ánh chính xác hoàn toàn công trình hay không? Rồi vội vã chê bai? Chẳng lẽ đội ngũ chuyên gia Pháp không bằng mấy dân cư mạng Việt Nam?
Về số tiền 14 tỷ, nhìn thì nhiều thật đấy. Nhưng các bạn đừng quên rằng chúng ta phải thuê đội ngũ chuyên gia Pháp làm việc chứ không phải các thợ hồ Việt Nam. Các bạn định trả lương cho mỗi chuyên gia Pháp bao nhiêu tiền? 10 triệu/1 tháng hay 30 triệu/1 tháng? Muốn thuê chuyên gia nước ngoài thì phải trả mức lương mà họ thực nhận ở nước của họ và thậm chí là hơn thì mới thu hút họ về việc cho chúng ta được. Chứ trả lương theo kiểu Việt Nam thì có ma mới làm. Ghi chú thêm rằng, mức thu nhập trung bình của người Pháp là 1,1 tỷ đồng/1 năm, còn riêng với giới chuyên gia thì mức lương phải hơn thế nữa.
Hồi năm 2021, rộ lên vấn đề lương của chuyên gia Nhật ở dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên lên tới 500 triệu/1 tháng liệu có quá cao? Cao so với chúng ta nhưng so với thu nhập của họ ở Nhật Bản thì quá là bình thường.
Ngoài ra, việc trùng tu công trình đảm bảo tính nguyên vẹn như gốc dựa vào các tài liệu lưu giữ lại từ năm 1915. Tức là các vật liệu như sơn, gạch, gỗ ốp… đều phải mang từ Pháp về, chịu chi phí trong quá trình vận chuyển, độ hao hụt và rủi ro. Nhìn con số 14 tỷ thì lớn, nhưng đừng quên rằng việc trùng tu tốn hơn cả tiền xây mới. Một số ví dụ chi nhiều để trùng tu như chùa Giác Viễn tốn 51 tỷ, Huế từng chi 26 tỷ đồng trùng tu cho 4 mái đình. Nhà thờ Đức Bà tốn 140 tỷ, Khám lớn Cần Thơ tốn 28 tỷ đồng hay như một mái đình nhỏ Đông Hải - Hà Tĩnh đã tốn 6 tỷ đồng. Dĩ nhiên, quy mô và đặc thù của mỗi di tích là khác nhau, nhưng có điểm chung là đều rất tốn kém hơn xây mới hoàn toàn rất nhiều.
Trên không gian mạng thường rất dễ để chê một thứ gì đó. Dĩ nhiên, việc khen chê là bình thường và đáng hoan nghênh nếu như dựa trên sự đánh giá khách quan, tìm hiểu rõ ràng và hiểu biết cặn kẽ. Nhưng thường thì phần đông dân cư mạng lại không như vậy.
Người ta thường kết luận một thứ gì đó quá vội vã, đánh giá khen - chê một cách rất nhanh chóng, thậm chí thấy người ta chê thì mình cũng chê theo chứ chẳng hề có chính kiến và không mang tính xây dựng.
Nấp sau màn hình, mỗi người đều có thể trở thành chuyên gia?
Nguồn: Fb Tifosi