Lợi dụng việc tổ chức Freedom House đưa ra thông báo về cái gọi là “tình hình tự do trên toàn thế giới”, cáo buộc vô căn cứ về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, khi chấm điểm Việt Nam chỉ đạt 19/100 điểm, thuộc nhóm các quốc gia theo đánh giá của Freedom House là “không có nhân quyền, không có tự do”; một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, cơ hội chính trị hùa vào vu cáo rằng “Việt Nam không có tự do”. Trong bài “Việt Nam “tự do” hơn Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Lào”, với giọng điệu của kẻ đồng lõa, theo đóm, ăn tàn, Phạm Phú Khải chỉ dựa trên những thông tin sai sự thật của Freedom House rồi “phán xét”: “người Việt Nam không có quyền hay tự do gì cả”, “khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn độc quyền thì sẽ không thể nào có tự do hay dân chủ, hay nhân quyền”… Đây là những luận điệu sai trái, thù địch phủ nhận thành quả tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, hòng làm nhiễu loạn thông tin, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thứ nhất, những báo cáo của Freedom House về tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là thiếu khách quan, vô căn cứ, sai sự thật.
Freedom House (FH) là tổ chức phi chính phủ, thành lập tháng 10-1941, trụ sở đặt ở Hoa Kỳ. Từ khi mới ra đời, FH đã là cỗ máy tuyên truyền do cố Tổng thống Roosevelt lập ra để chuẩn bị tâm lý cho công chúng Mỹ đối với việc nước Mỹ tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, FH không bị giải thể mà tiếp tục được sử dụng để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền, vận động cho Kế hoạch Marshall và tổ chức NATO, đồng thời tuyên truyền chống Chủ nghĩa cộng sản. Hầu hết kinh phí hoạt động của FH do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nên nó trở thành một công cụ của những người đã chi tiền để hoạt động dưới vỏ bọc nghiên cứu, theo dõi, cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây.
Mặc dù, tuyên bố mục đích hoạt động là ủng hộ sự tiến bộ và thúc đẩy mở rộng tự do, dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới. Nhưng, nhiều năm qua, những thông tin mà FH nêu ra liên quan đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam lại thiếu khách quan, vô căn cứ, sai lệch thực tế, mang động cơ tiêu cực về chính trị. Chính vì vậy, các bản báo cáo của tổ chức này đã bị lên án và phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia. Trước những đánh giá vô căn cứ của FH, Vladimir Kolotov – Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Saint-Peterburg – LB Nga) cho rằng: “Năm nào họ cũng công bố bảng danh sách mang tính chủ quan, không có gì thay đổi, không phản ánh tình hình thực tiễn về các khía cạnh nhân quyền của các nước trên thế giới. Họ không dựa trên cơ sở thực tế. Họ tự cho mình cái quyền cáo buộc nước khác vi phạm nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng,… và dựa vào đó để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Ðại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, ông Yerlan Baizhanov bình luận: “Có những tổ chức nhân quyền có tư tưởng rất cứng nhắc, phiến diện. Họ bị chi phối bởi tham vọng chính trị. Họ không chú ý đến sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa. Khi lập báo cáo, họ thường bị yếu tố chính trị và định kiến chi phối. Chúng ta sống và làm việc không phải để làm hài lòng những tổ chức như FH, mà Nhà nước của chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Ðó mới là điều quan trọng nhất”…
Do đó, báo cáo của FH là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm. Nên, khi đưa ra câu hỏi vô nghĩa “đến khi nào Việt Nam sẽ được FH đánh giá tự do”, Phạm Phú Khải đã lộ rõ nguyên hình là kẻ cơ hội, phản động, phụ họa theo những luận điệu sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền tự do công dân. Quyền tự do của người dân được thể hiện rõ ở: quyền bầu cử và ứng cử; quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Các quyền này được hiến định trong Hiến pháp, quy định của pháp luật và được thực hiện trên thực tế.
Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Nhà nước đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước đã triển khai thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đã hai lần được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp, Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng.
Phụ nữ và trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Các chính sách đổi mới đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm…
Đó là kết quả khách quan không thể phủ nhận, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đa số người dân hài lòng với những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chứ không phải là bức tranh u ám mà Phạm Phú Khải xuyên tạc, vẽ ra.
Thiết nghĩ, muốn đánh giá về tự do, dân chủ, nhân quyền của một quốc gia nào đó, cần phải dựa vào đại đa số ý kiến của người dân đất nước đó. Những đánh giá, phán xét về Việt Nam với gam màu xám một cách tùy tiện, vô căn cứ đều là sự xuyên tạc, quy chụp, định kiến, vì thế không đáng tin cậy./.
Nhân văn Việt