Thông điệp “Việt Nam: đối tác cho một nền hoà bình bền vững” với hình ảnh chú bồ câu ngậm cành ô liu tràn ngập phố phường Hà Nội những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tháng 2-2019 cũng chính là nội dung thông điệp cho lần tranh cử vào ghế Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) lần này của nước ta.
Việt Nam hôm nay (7-6) là đại diện duy nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện mình là một nhân tố tích cực trong thúc đẩy thế giới đa phương, hợp tác; đồng thời có những đóng góp cụ thể, được thế giới ghi nhận, trong việc tạo dựng và duy trì nền hoà bình khu vực và thế giới.
Từ APEC đến Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tháng 11-2017, thành phố biển Đà Nẵng thu hút chú ý của toàn thế giới, khi chỉ trong vòng vài ngày, đây là nơi Việt Nam đón tiếp hơn 20 nguyên thủ, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và khách mời đặc biệt tới tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC lần 25. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lực lượng an ninh cùng các cơ quan, bộ, ngành có những ngày làm việc căng thẳng, vất vả nhưng tự hào.
Thông điệp về tầm quan trọng của sự kiện được mỗi người dân Việt Nam ủng hộ và thể hiện bằng hành động cụ thể. Thành phố Đà Nẵng chưa bao giờ đẹp đẽ và ngăn nắp như vậy để chào đón những vị khách quý quốc tế…
Kết thúc ba năm chuẩn bị tích cực, một năm vất vả với hàng trăm sự kiện và một tuần cao điểm tại Đà Nẵng, những nỗ lực của Việt Nam được đền đáp xứng đáng: Tuần lễ cấp cao APEC ở Việt Nam là lần thứ 2 trong vòng 10 năm APEC có được sự tham dự đông đủ của các nền kinh tế thành viên. Các cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC diễn ra thành công nhân dịp này.
Tại hội nghị cấp cao, 8 văn kiện được thông qua, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” – được đánh giá là đã mang lại xung lực mới cho liên kết kinh tế quốc tế và vun đắp niềm tin ở khu vực vào các lợi ích của hợp tác đa phương.
Gần hai năm sau, cuối tháng 2 vừa qua, Việt Nam thêm lần nữa trở thành “tâm điểm địa chính trị”, theo lời nhà báo nổi tiếng Ben Gittleson của hãng ABC News, khi thủ đô Hà Nội - “Thành phố vì hoà bình” của UNESCO được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai.
Sau khoảng 10 ngày chuẩn bị, Việt Nam đã đáp ứng mọi điều kiện cần thiết để đăng cai sự kiện có tầm quan trọng, thu hút bậc nhất thế giới này. Mong muốn “sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình” của Chính phủ được truyền đi, lan tỏa bằng nhiều hành động.
Hà Nội đẹp lộng lẫy trong những ngày lịch sử với điểm nhấn dễ nhận thấy trên phố phường là những lá cờ của Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên cùng biểu tượng bắt tay thể hiện thông điệp hoà bình.
Người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đều tự hào và góp sức gửi đi thông điệp của một nhà kiến tạo hòa bình thực sự. Các tuyến đường, nơi lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên đi qua không chỉ được đảm bảo an toàn, mà hình ảnh người dân cầm cờ, tươi cười chào đón cũng để lại ấn tượng tốt đẹp.
Sau các cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam, nhấn mạnh Hội nghị tại Hà Nội giúp họ hiểu nhau hơn, theo đó xác định được lối đi cho các cuộc đàm phán tương lại.
Ngoài hai sự kiện đáng chú ý nêu trên, tính riêng trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã đăng cai hàng chục hội nghị quốc tế lớn nhỏ, có sự tham dự của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước trên thế giới, trong đó phải kể tới Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội tháng 9-2018, được đánh giá là thành công nhất lịch sử 27 năm của WEF; hay Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) tháng 1-2018, nơi dưới sự chủ trì của Việt Nam, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố Hà Nội trong đó khẳng định cam kết của nghị viện các nước trong hợp tác kinh tế, văn hóa và vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, cũng như phát triển bền vững và bao trùm.
Đóng góp trách nhiệm cho hoà bình thế giới
Là quốc gia trải qua nhiều đau thương mất mát qua nhiều cuộc chiến tranh, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngăn ngừa xung đột, tìm kiếm các giải pháp hoà bình.
Song song với nỗ lực chữa lành vết thương chiến tranh cho chính mình, từ đầu thập niên cuối thế kỉ 20, Việt Nam đã bắt đầu đóng góp cho các hoạt động bảo vệ, gìn giữ hòa bình trên thế giới theo khuôn khổ hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ.
Năm 2014, Việt Nam cử những sĩ quan đầu tiên tham gia các hoạt động của phái bộ LHQ ở Nam Sudan và Trung Phi, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị để triển khai đội hình cấp đơn vị.
Tháng 10-2018, đoàn 63 sĩ quan quân y của Việt Nam chính thức lên đường đến Nam Sudan thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Trong 3 tháng đầu hoạt động, Bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 400 lượt bệnh nhân, tiến hành 12 ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca phải mổ cấp cứu.
Tiếp nối hoạt động này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cũng đã được thành lập. Tất cả sẵn sàng cho ngày xuất quân theo kế hoạch vào tháng 10 tới. Ngoài quân y, đội công binh với quân số gần 300 người cũng đang trong quá trình huấn luyện. Đơn vị này sẽ hành quân sang châu Phi khi LHQ có yêu cầu.
Với sự chia sẻ kinh nghiệm từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam cũng đang tích cực học tập kinh nghiệm từ các quốc gia đã cử lực lượng Cảnh sát tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; đồng thời nắm tình hình về nhu cầu, tiêu chuẩn của LHQ về lực lượng Cảnh sát tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ để sớm cử sỹ quan tham gia lực lượng này.
Có thể nói, Gìn giữ hòa bình LHQ là một sứ mệnh cao cả, giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột để tạo ra các điều kiện cho hòa bình. Việc Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực cho nhiệm vụ này phần nào khẳng định uy tín và vị thế của mình khi tham gia vào giải quyết các vấn đề của thế giới.