Trong những năm gần đây, an ninh nông thôn ở một số nơi không ổn định đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, xóa điểm phức tạp, bảo đảm an ninh, giữ gìn ninh trật tự ở các làng quê, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của từng cán bộ ở cơ sở và mỗi người dân.
1. Những nguyên nhân dẫn đến tình hình an ninh nông thôn có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, một số chính sách pháp luật thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong áp dụng, tạo sơ hở để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật còn có những nguyên nhân chủ quan. Đó là, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, công khai, dân chủ với người dân để tạo đồng thuận trong bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất triển khai các dự án ngay từ đầu ở địa phương, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện kéo dài.
Quá trình đô thị hóa ở các địa phương diễn ra với tốc độ cao trong những năm gần đây. Phát triển kinh tế – xã hội đòi hỏi phải quy hoạch lại đất đai, nhiều dự án được triển khai, đất nông nghiệp bị thu hẹp, một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh niên gặp khó khăn về việc làm, sinh ra chơi bời sa đà vào thói hư, tật xấu, có lối sống ích kỷ, quen hưởng thụ, lười lao động dẫn đến mắc tệ nạn xã hội, nghiện ma túy và kéo theo nhiều hành vi tiêu cực khác như: Trộm cắp, cướp tài sản, cờ bạc… Bên cạnh đó, việc giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong gia đình chưa được quan tâm thường xuyên. Thực tế đã có nhiều vụ án xảy ra, thậm chí cả án mạng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, bạn bè… để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, đối tượng đã hoàn thành chấp hành án ở nhiều địa phương hiệu quả chưa cao. Vai trò của lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở còn hạn chế. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi còn hình thức. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi tài chính, thực hiện chính sách an sinh xã hội còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ còn quan liêu, xa dân, chưa thực sự “chí công vô tư”, không xem xét, giải quyết vụ việc tích cực, dứt điểm từ cơ sở gây bức xúc, phản ứng trong nhân dân. Quá trình tiếp nhận đơn thư gửi cho các cơ quan chức năng cho thấy có những vi phạm như: quyết định không đúng đã có kết luận cụ thể, người dân đề nghị giải quyết nhiều lần, thậm chí theo đuổi vụ việc nhiều năm, nhưng cán bộ có thẩm quyền, cơ quan liên quan chưa quan tâm giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Lợi dụng điều này, một số đối tượng bất mãn đã tiếp cận lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Giải quyết dứt điểm các vụ việc từ gốc. Để giữ vững an ninh trật tự ở khu vực nông thôn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các vụ tranh chấp, khiếu kiện từ khi mới phát sinh bảo đảm thấu tình đạt lý. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban ngành liên quan thường xuyên quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp, phương án đồng bộ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội. Lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm bắt, phân tích và dự báo chính xác tình hình để chủ động các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện những giải pháp loại trừ các yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội địa bàn. Khi giải quyết các mâu thuẫn, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục. Các thức giải quyết hết sức thận trọng và xử lý kịp thời những nguyên nhân phát sinh các mâu thuẫn, gây bất ổn. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, chống đối, không để hình thành thành điểm “nóng” về an ninh trật tự, tụ điểm khiếu kiện phức tạp.
Các cấp, ngành chức năng tiếp tục tham mưu sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan mật thiết đời sống người dân. Có cơ chế kiểm tra, rà soát, thống kê hiệu quả của từng mô hình, tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình. Đồng thời, giải thể các mô hình, tổ đội không phù hợp, kém hiệu quả. Quan tâm củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Đối với tập thể, cá nhân có biểu hiện nhũng nhiễu, xa dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, trực tiếp hay gián tiếp để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự cần đưa ra xử lý nghiêm để răn đe, làm gương.
Tích cực làm tốt công tác dân vận, nắm chắc nguyên nhân các điểm mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền biện pháp giải quyết tận gốc, kiên quyết không để hình thành điểm “nóng”, nhức nhối trên địa bàn. Chủ động xây dựng, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình nông dân hạnh phúc, khu dân cư văn hóa./.
x