Ngày 20/5/2019, trên Blog Danlambao đưa bài viết của, Đào Tăng Dực với tiêu đề: “Mừng ngày Đức Phật Đản Sinh, đứng lên lật đổ chế độ độc tài”. Đây là lời kêu gọi hết sức phản động và vô căn cứ, bởi:
Từ xưa đến nay, đồng bào các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng luôn chung sống hoà hợp, gắn bó cùng dân tộc. Đồng bào ta và các tín đồ tôn giáo đã kề vai, đoàn kết bên nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ngoại nhập hay nội sinh, các tôn giáo ở Việt Nam đã hình thành một truyền thống tốt đẹp, đó là xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, kính chúa, yêu nước…. Trong mỗi tôn giáo có luật lệ, lễ nghi khác nhau đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Phê phán khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là một minh chứng rõ ràng nhất, khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những quy định cụ thể trong Luật, một mặt tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho mọi công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin của mình; được thực hiện các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn giáo, trường lớp tôn giáo; kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tế, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật mà được thể hiện sống động trong thực tiễn hoạt động tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 32 tổ chức tôn giáo. Với khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người tham gia hoạt động trong các tổ chức tôn giáo. Việc đào tạo chức sắc của các tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật giáo; 30 Trường Trung cấp Phật học và 4 Trường Cao đẳng Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện và 2 cơ sở. Viện thánh kinh thần học của Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam. ..để đào tạo chức sắc phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Các tôn giáo hiện có hàng ngàn người đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và các nước trên thế giới. Cả nước hiện có hơn 24.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng mới, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ. Đó là bằng chứng hùng hồn về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo là những công dân của Việt Nam. Và sự thật, các tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ đã thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, yên tâm sinh hoạt tôn giáo và cùng nhau hưởng cuộc sống thanh bình, trên một đất nước ổn định về chính trị; cùng nhau đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thiết nghĩ không cần nói gì thêm, mà chỉ có thể khẳng định rằng: Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tư tưởng cơ bản của Đảng và Nhà nước ta thể hiện quan điểm trước sau như một. Tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của mỗi người. Thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề tự do tôn giáo luôn luôn rõ ràng và đúng đắn. Đảng, Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo; hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của công dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục. Vì vậy nội dung bài viết: “Mừng ngày Đức Phật Đản Sinh, đứng lên lật đổ chế độ độc tài” của Đào Tăng Dực chỉ toàn lời lẽ phản động, xuyên tạc sự thật, cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Nhân văn Việt