Tuần qua, trong khi cả thế giới hướng về Hà Nội, hướng về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều với những mong muốn, kỳ vọng tốt đẹp thì không ít kẻ vẫn cố tình đi “ngược dòng”, tìm mọi cách chống phá với các thủ đoạn trơ trẽn.
Trước khi hội nghị diễn ra, trên mạng Internet xuất hiện những bài viết đặt câu hỏi ngây ngô như tại sao lại chọn Việt Nam, tại sao chọn Hà Nội để tổ chức hội nghị mà không phải một địa điểm nào khác, tại sao lại coi Việt Nam là “điểm hẹn hoà bình”, từ đó có lời lẽ bôi nhọ, miệt thị đất nước và con người Việt Nam, chỉ trích Mỹ “sai lầm” khi lựa chọn Việt Nam.
Những bài viết này điểm lại những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia mấy năm qua mà những kẻ phạm tội đã bị bắt, xét xử và thụ án, song vẫn bằng chiêu bài vu cáo về nhân quyền, tôn giáo, tự do dân chủ để quy kết rằng, Việt Nam bắt bớ “người bất đồng chính kiến”, “cai trị, độc tài”, từ đó kêu gọi tẩy chay hội nghị…
Thực tế, việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị đặc biệt quan trọng này cho thấy Việt Nam ngày càng có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đồng thời có những đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới.
Việc Mỹ, Triều Tiên lựa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị khẳng định sự tin tưởng rất cao và coi đây là điểm đến thích hợp trong tiến trình tìm tiếng nói chung, hoá giải các mâu thuẫn, xung đột giữa hai quốc gia này.
Nhưng cũng như trước đây, khi có Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, đây là dịp để những kẻ tự xưng “nhà dân chủ” tìm cách quấy rối dưới các chiêu trò như gửi “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” người đứng đầu Nhà Trắng.
Lần này cũng lại là một “kiến nghị thư” mà nhóm này tung ra gửi cho Tổng thống Donald Trump (nói là thư gửi Tổng thống Donal Trump cho dư luận chú ý, còn thực tế chỉ là kiểu tung bừa lên mạng).
Và để “tăng trọng”, kiến nghị này được tung hô ký bởi 100 người tự xưng “nhân sĩ trí thức” (thực chất là mấy kẻ chống phá tự gán cho mình mác này, danh nọ), thậm chí còn chụp mũ thành “thư thể hiện ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài”!
Khi hội nghị diễn ra, Hà Nội là tâm điểm của thế giới. Hơn 3.000 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế tham dự sự kiện trọng đại này đã thông tin nhanh chóng nội dung và diễn biến liên quan, cùng với đó là các hình ảnh sống động, chân thực nhất từ Hà Nội.
Phóng viên báo chí quốc tế tham dự sự kiện cũng đã bày tỏ tình cảm, ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam, về cung cách tổ chức, đón tiếp của nước chủ nhà, họ thể hiện trên các bài báo, phóng sự truyền hình cũng như trên trang cá nhân.
Thế nhưng, những kẻ chống phá dù không có mặt trực tiếp tại sự kiện, thậm chí ở tận đẩu đâu nhưng lại lên mặt, tỏ ra “am tường” vấn đề, tìm cách đả kích, chế giễu.
Chẳng hạn, khi báo chí quốc tế viết “Hà Nội – điểm đến hoà giải xung đột quốc tế” thì một số kẻ lại chọc ngoáy rất thiếu văn hoá và vốn sống.
Ngay việc tình cảm của người dân, các cháu học sinh ra đón chào Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong khi báo chí quốc tế có mặt tại sự kiện đã đưa tin, hình ảnh chân thực, ghi nhận tình cảm của người dân Việt Nam thì trang “Vietnamthoibao” lại soi xỉa kiểu thiểu năng như “sao lại bắt các cháu nghỉ học, chịu rét”, “sao lại phải cầm cờ”!?
Còn khi Tổng thống Trump đến sân bay Nội Bài, được ban tổ chức và mọi người vẫy chào, vỗ tay thì những “nhà dân chủ” mạng lại bình phán theo ý suy diễn vu vơ, tiêu cực… Có người còn luẩn quẩn với câu hỏi “tốn bao nhiêu tiền”, “tiền ở đâu, có phải thuế của dân” để chỉ trích việc đăng cai hội nghị.
Một lẽ hiển nhiên: Khách tới nhà, chủ nhà phải đón tiếp, tổ chức sao cho lịch sự, để vừa bằng mặt, vừa bằng lòng, tạo dấu ấn, niềm tin cho quan khách.
Việc tổ chức sự kiện lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mà mấy kẻ chọc ngoáy với những câu hỏi kiểu như vậy cho thấy sự ti tiện, cái bụng dạ của họ nông cạn đến vậy thì lo ăn cho tự thân còn chưa được, nói gì đến những viển vọng cao siêu “cải cách, dân trí, chấn hưng” như chúng tung hô trên các bài viết!
Cũng trong dịp này, đã xuất hiện hành vi lợi dụng sự kiện để rải truyền đơn chống phá. Vào ngày 28-2, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Công Em, sinh năm 1971, ngụ ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.
Qua khám xét nơi ở và khai thác dữ liệu điện tử trên các tài khoản mạng xã hội (facebook…) của đối tượng Nguyễn Văn Công Em, cơ quan An ninh điều tra thu được nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước”.
Đối tượng Nguyễn Văn Công Em khai nhận đã sử dụng 4 tài khoản facebook khác nhau để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp (live stream) những video có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, kêu gọi, kích động biểu tình trong thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, ngày 27 và 28-2.
Hiện, cơ quan An ninh điều tra Công an Bến Tre đang điều tra, làm rõ hành vi, động cơ, những đối tượng có liên quan.
Thời gian qua, những câu hỏi dạng như “chúng ta thu được gì khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2” được nhiều người nêu ra. Song khi tổ chức hội nghị, cái đạt được lớn hơn nhiều những đong đếm kiểu “thu được gì”!
Thứ nhất, chúng ta rất tự hào hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đều chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2, cho thấy vị thế, vai trò của Việt Nam rất quan trọng trong đóng góp vào hoà bình, ổn định của khu vực. Điều này càng được khẳng định khi chúng ta tổ chức sự kiện với vai trò của nước đăng cai hết sức chu đáo, bảo đảm những gì tốt nhất có thể.
Không chỉ hai nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao mà những phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện đều cảm nhận được sự an toàn, an ninh, hoà bình, trật tự xã hội cũng như môi trường chính trị, kinh tế ổn định của chúng ta.
Hình ảnh con người Việt Nam đến được mọi nơi trên thế giới. Thứ hai là sự tin cậy rất lớn của lãnh đạo các nước, trong đó có Mỹ và Triều Tiên đối với Việt Nam về sự hiếu khách, trọng thị, trách nhiệm, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đơn cử đối với lịch trình sự kiện, nếu sắp xếp không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều hài lòng. Mọi vấn đề hậu cần phục vụ hội nghị, các phóng viên tác nghiệp từ thông tin, ăn uống đến hạ tầng viễn thông, đường truyền Internet đều được bảo đảm rất tốt.
Các phóng viên tác nghiệp trên đường phố thoải mái, tự do nhưng vẫn an toàn tuyệt đối. Không khí trang hoàng cờ hoa rực rỡ đúng với hình ảnh của Hà Nội, thủ đô của hoà bình, thành phố vì hoà bình.
Dù Hội nghị chưa đạt được như kỳ vọng song sự kiện này là dấu ấn quan trọng trong tiến trình hoà giải, tìm đến những điểm chung và cả Tổng thống Mỹ, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều ghi nhận, đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam. Sự thực hiển nhiên như vậy, thật là trơ trẽn cho những kẻ cố tình “chọc gậy bánh xe”, xuyên tạc, vu cáo.
NGUYỄN THÀNH - CAND