Nên nhìn cuộc đảo chính ở Venezuela bằng thái độ nào?

Chào các bạn. Đây là chương trình Điểm tin Lề trái số 35. Như thông lệ, chúng tôi sẽ điểm lại những sóng truyền thông lề trái trong tuần này, và chỉ ra những sự thật thú vị mà các bạn chưa chú ý trong mỗi sóng.


Nên nhìn cuộc đảo chính ở Venezuela bằng thái độ nào?

Mới đây, ông Juan Guido – thủ lĩnh phe đối lập kiêm Chủ tịch Quốc hội mới đắc cử của Venezuela – đã phát động biểu tình để lật đổ chính phủ hiện tại của nước này. Dù tình hình hình chưa ngã ngũ, Mỹ đã công nhận Guido là tổng thống mới của Venezuela, đồng thời mô tả những diễn biến ở Venezuela như một cuộc cách mạng để thiết lập dân chủ. Vì chính phủ hiện tại của Venezuela cũng theo đuổi đường lối xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, giới chống đối đang lợi dụng sự kiện để công kích đường lối này, đồng thời động viên nhau rằng “cách mạng đường phố” ở Việt Nam cũng sẽ thành công nhờ “quy luật tất yếu”, sự tham gia của giới trẻ và sự ủng hộ của Mỹ.

Hiện nay, phong trào “dân chửi” ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng èo uột do Luật An ninh Mạng được ban hành, trong lúc nhiều đợt biểu tình, tổ chức và tụ điểm của họ lần lượt bị triệt phá. Vì vậy, cuộc biểu tình, đảo chính ở Venezuela, cùng các động thái của Mỹ trong vụ việc đã đem đến cho họ một nguồn động viên lớn lao. Tuy nhiên, có ít nhất 3 lý do khiến họ không nên hy vọng quá nhiều vào biến cố này.

Thứ nhất, diễn biến ở Venezuela không phải là bằng chứng chống chủ nghĩa xã hội như họ tuyên truyền. Bởi đảng Ý chí Nhân dân của ông Guaido vốn là một thành viên của Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International), một hiệp hội của 145 đảng dân chủ xã hội, xã hội chủ nghĩa và lao động trên thế giới.

Thứ hai, mô hình chính trị, kinh tế ở Venezuela có nhiều điểm khác Việt Nam. Họ tiến hành kiểm soát giá cả, trong khi Nhà nước Việt Nam chỉ điều tiết giá cả. Họ áp dụng mô hình tổng thống và đa đảng, trong khi Việt Nam chỉ có một đảng và không bầu tổng thống. Họ đặt quân đội vào trung tâm của nền chính trị, trong khi hiện tượng này không có ở Việt Nam ngày nay. Kinh tế Venezuela đã sụp đổ vì lệ thuộc vào dầu mỏ, trong khi kinh tế Việt Nam không lệ thuộc ở mức như vậy, và đang tăng trưởng tốt.

Thứ ba, chưa có dấu hiệu gì cho thấy một nền dân chủ đa đảng sẽ được thiết lập ở Venezuela. Một mặt, ông Guaido đang lên bằng một cuộc đảo chính có sự hỗ trợ từ nước ngoài, chứ không phải bằng một cuộc bỏ phiếu dân chủ. Mặt khác, vì Mỹ đã công nhận ông Guaido là tổng thống, trong khi ông Maduro vẫn giữ lực lượng vũ trang, Venezuela có thể rơi vào tình trạng chiến tranh, bạo loạn, bị Mỹ và Nga xâu xé như ở Syria, chứ chưa chắc đã có một kết thúc có hậu.

Trong khi giới “dân chửi” hoàn toàn lệ thuộc vào phương Tây cả về tinh thần lẫn tài chính, hầu hết người Việt Nam đang muốn xây dựng một quốc gia có thực lực và tự làm chủ vận mệnh của mình. Vì vậy, chúng ta có mọi lý do để bình thản quan sát các cuộc đảo chính ở Venezuela, thay vì lên đồng trước các diễn biến này như giới “dân chửi”.

Người dân Việt Nam nên “tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế” như thế nào?

Ngày 22/01/2019, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) của Việt Nam đã diễn ra ở Geneve, Thụy Sĩ. Trong buổi kiểm điểm, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 121 quốc gia – những con số được cho là lớn.

Các nước tham gia phát biểu đã khen ngợi Việt Nam về một số thành tựu – như việc tham gia Công ước chống tra tấn, Công ước về quyền của người khuyết tật; việc cải cách luật pháp và thể chế để tôn trọng và bảo vệ nhân quyền; việc cải thiện bình đẳng giới, quyền tự do tôn giáo, quyền của các nhóm yếu thế và LGBT; việc giảm án tử hình; và việc gia tăng thúc lợi, thúc đẩy phát triển bền vững…

Tuy nhiên, các nước phương Tây cũng tiếp tục chất vấn Việt Nam trong một số vấn đề quen thuộc – như quyền tự do bầu cử và ứng cử; quyền tự do ngôn luận và báo chí; quyền tự do lập hội và biểu tình; quyền của các tổ chức, cá nhân chống đối và các nhóm thiểu số trong xã hội; quyền sở hữu đất; độ độc lập của nền tư pháp; và số lượng án tử hình được tuyên.

Các hội đoàn chống Nhà nước đang tuyên truyền về sự kiện theo hai hướng.

Thứ nhất, giới chống đối đang mượn dịp này để công kích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Họ chủ yếu nhắm vào 2 vấn đề, là Luật An ninh Mạng, và án tù cùng những biện pháp khác để xử lý, khắc chế các cá nhân có hoạt động chống Nhà nước. Bên cạnh đó, họ cũng công kích câu trả lời của đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam, rằng “số liệu án tử hình là một nội dung liên quan đến các quy định về pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của Việt Nam”. Về điểm này, Luật khoa Tạp chí lưu ý rằng “trên thực tế, thông tin về việc thi hành án tử hình không được nhắc đến trong các nhóm thông tin thuộc diện “bí mật nhà nước” được quy định trong Pháp lệnh về Bảo vệ Bí mật Nhà nước hay mới đây là Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước”.

Thứ hai, họ kêu gọi người dân tham gia nhiều hơn vào các cơ chế nhân quyền quốc tế. Chẳng hạn, HRS và một thành viên Luật khoa Tạp chí là Lê Nguyễn Duy Hậu viết rằng người dân nên thúc đẩy chính phủ chấp nhận các khuyến nghị trong kỳ UPR và thực hiện các khuyến nghị đã được chấp nhận. Ngoài ra, HRS cũng nhắc độc giả rằng Việt Nam sẽ báo cáo việc thực thi Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị vào tháng 03/2019.

Các cơ chế nhân quyền quốc tế đúng là cơ hội để Việt Nam cải thiện hệ thống pháp luật, nhằm nâng cao lợi ích của người dân. Nhưng chúng cũng là cơ hội để nước ngoài thay đổi cấu trúc của nền chính trị Việt Nam, nhằm phục vụ cho các mục đích vị kỷ của họ. Điều này thể hiện rõ qua số khuyến nghị mà các nước phương Tây gửi đến Việt Nam. Vì vậy, độc giả Việt Nam cần tỉnh táo, để hiểu rằng các cơ chế nhân quyền quốc tế cũng giống như những phiên chợ buôn bán quyền lực, nơi chẳng lái buôn nước ngoài nào giúp đỡ nông dân bản địa một cách vô vụ lợi.

HRS và giới chống đối muốn tận dụng phiên chợ này, điều đó tốt cho họ. Dù vậy, sự hiện diện của giới chống đối trong các cơ chế nhân quyền quốc tế sẽ mang lại rất ít lợi ích cho người dân Việt Nam. Nhìn cách màn khoe công, tranh khách của Việt Tân và Trần Kiều Ngọc trong phiên UPR vừa qua, có thể thấy họ đang đem thói gian thương, chợ búa vào diễn đàn này. Còn Luật khoa Tạp chí thì đã bình luận sai, vì Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước chỉ đưa ra khung quy định chung, chứ không ban hành các danh mục bí mật nhà nước cụ thể. Một số văn bản chi tiết, như Quyết định 01/2004/QĐ-TTg, đã quy định rằng “thống kê án tử hình” thuộc “danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành Tòa án Nhân dân”.

Dù nhân quyền có bị nước ngoài coi như mặt hàng, thì người đi chợ nhân quyền cũng cần có đạo đức và kiến thức.

Hầu hết cư dân Lộc Hưng đã đăng ký nhận tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống

Trong tuần qua, hầu hết các hộ dân ở “vườn rau Lộc Hưng” đã đăng ký kê khai để nhận tiền hỗ trợ của thành phố, nhằm trở lại với cuộc sống ổn định. Trong khi đó, các hộ cực đoan hơn vẫn tiếp tục theo đuổi việc khiếu kiện; và giới chống đối vẫn tiếp tục làm truyền thông rằng cư dân “vườn rau” đang rơi vào cảnh khổ cực, “không lối thoát”.

Những tiến triển trong vụ việc này đến từ chính sách hợp lý của chính quyền địa phương. UBND quân Tân Bình cho biết tính đến ngày 21/01/2019, đã có 65/73 hộ dân “vườn rau” đồng ý kê khai để nhận kinh phí hỗ trợ. Ủy ban đã cấp hỗ trợ cho 18 hộ trong số đó, với tổng số tiền tương đương 17 tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo Công an TP.HCM, mỗi hộ vừa nêu cũng nhận được phần quà Tết trị giá 6 triệu đồng, do đồng thuận với chủ trương của chính quyền, kê khai trước Tết Nguyên đán.

Khi trả lời phỏng vấn đài RFA tiếng Việt, ông Hà Cao Chánh – người cầm đầu nhóm cư dân khiếu kiện – đã không phủ nhận thông tin vừa nêu . Tuy nhiên, ông Chánh cho biết trong 170 người từng ký tên vào đơn khiếu nại, đa số vẫn từ chối nhận tiền hỗ trợ, chỉ có 1, 2 người bỏ cuộc. Thông tin ông Chánh đưa ra có phần không chính xác, vì UBND quận Tân Bình cho biết “đơn khiếu kiện đề ngày 17/01 của 166 người nhưng số chữ ký thực tế là 114, chỉ có 38 hộ liên quan 61 thửa tại khu vườn rau. Có người ký 8 lần, có 2 người không liên quan nhưng vẫn ký”.

Song song với việc đền bù, quận Tân Bình cũng công bố danh sách 5 người “cầm đầu, kích động, xúi giục người dân khu vực Vườn rau Lộc Hưng chống đối” – là Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, Trần Quốc Tiến, Vũ Văn Bảo, Trần Minh Thoa.

Cùng ngày 21/01, cơ quan chức năng đã cắm cột mốc từng thửa trong khu đất “vườn rau”, nhằm khôi phục hiện trạng thửa đất như trước khi xây dựng nhà trái phép. UBND quận Tân Bình cho biết nếu có trên 80% số hộ dân đồng thuận, quận sẽ triển khai ngay các gói thầu thi công dự án cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.

Trước những diễn biến trên, nhóm cư dân khiếu kiện và 17 luật sư đại diện cho họ đã đưa ra 2 lập luận phản bác.

Thứ nhất, họ nói rằng chính quyền địa phương không chỉ tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép từ ngày 01/01/2018 như thông báo, mà còn “thu hồi sai quy định” đất đai của các hộ dân ở đây, bao gồm cả các hộ chỉ trồng rau chứ không xây công trình.

Thứ hai, dựa trên thông tin mà báo Công an TP.HCM vừa đưa ra – rằng Bưu điện TP.HCM chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng hữu 4,08 ha đất trong khu “vườn rau Lộc Hưng” rộng 6,8 ha – họ nói rằng cư dân Lộc Hưng xứng đáng được cấp quyền sử dụng 2,7 ha “đất vô chủ” còn lại, do đã có nhiều năm canh tác trên phần đất đó.

Dù hai lập luận phản bác trên có giá trị tham khảo nhất định, cũng cần lưu ý rằng từ tháng 11/2001, UBND TP.HCM đã ký quyết định giao toàn bộ khu đất “vườn rau”, gồm cả phần đất vô chủ, cho Bưu điện Thành phố. Từ đó đến cuối năm 2018, nhóm cư dân đã dựng hàng rào, cản trở người thi hành công vụ để chống đối quyết định của Thành phố, đồng thời thu lợi nhuận phi nông nghiệp từ khu đất “vườn rau”.

Bất chấp những diễn biến tích cực vừa nêu, đa phần giới chống đối vẫn làm truyền thông rằng cư dân “vườn rau” đang rơi vào cảnh khổ cực, “không lối thoát”. Trong khuynh hướng này, họa sĩ Nguyễn Thịnh quay lại cảnh Phạm Đoan Trang và Phạm Thanh Nghiên hát bài “Giọt nước mắt cho quê hương” bên đống đồ đạc thường dùng ở “vườn rau”, để cho khán giả thấy “sự hy sinh”, “quyết tâm” và “yêu thương” của những người này, khi họ sống “trong hoàn cảnh bi quan, khủng khiếp”.

Như vậy, các diễn biến mới của vụ việc đã phủ nhận thông điệp tuyên truyền của giới chống đối, rằng cư dân Lộc Hưng đang “bị dồn vào thế đường cùng”. Chúng cũng cho thấy những gương mặt chống đối như Phạm Đoan Trang, Phạm Thanh Nghiên đang không có chung lợi ích với đa số cư dân Lộc Hưng. Họ tiếp tục tận dụng vụ việc này để đánh bóng cho bản thân và kích động độc giả chống chế độ, trong khi hầu hết cư dân Lộc Hưng đã tiếp nhận gói hỗ trợ mà chính quyền địa phương đưa ra.

Vì sao Châu Văn Khảm và Nguyễn Văn Viễn “mất tích”?

Trong tuần qua, giới chống đối đưa tin rằng Nhà nước Việt Nam đã bắt một đảng viên Việt Tân là Châu Văn Khảm, cũng một thành viên Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) là Nguyễn Văn Viễn. Họ cũng tiến hành các hoạt động truyền thông để biện hộ cho 2 nhân vật vừa nêu, và công kích rằng Nhà nước Việt Nam đã “bắt người vô cớ và lén lút”.

Trong các cuộc phỏng vấn, Việt Tân cho biết ông Châu Văn Khảm, cựu doanh nhân 69 tuổi, là một thành viên tại Australia của đảng này. Gần đây, ông Khảm đã về Việt Nam “qua ngả Campuchia” để “thu thập dữ kiện và lượng định thực trạng nhân quyền” ở trong nước. Ngày 12/01/2019, ông Khảm bí mật gặp một thành viên HAEDC ở TP.HCM là Nguyễn Văn Viễn, và 2 người này “mất tích” kể từ đó cho đến nay. Ngày 14/01, công an khám nhà ông Viễn, với cáo buộc rằng Viễn đã có hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, nhưng không đọc lệnh bắt.

Từ ngày 25/01, đảng Việt Tân và HAEDC biện hộ cho Viễn và Khảm, rằng việc 2 ông này gặp nhau và thu thập thông tin là hoàn toàn hợp pháp. Họ cũng viết rằng Việt Tân là “một tổ chức đấu tranh đã đăng ký hoạt động ở Hoa Kỳ”, còn ông Viễn “đã tích cực hoạt động để bảo vệ môi trường biển trong vụ Formosa”. Mặt khác, họ công kích rằng Nhà nước Việt Nam đang “đàn áp những người hoạt động”.

Tuy nhiên, những lời biện hộ vừa nêu không hợp lý. Theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015, thì người tham gia các tổ chức có hoạt động lật đổ hoàn toàn có thể bị truy tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Và trong khi đảng Việt Tân đã công khai mục đích lật đổ của mình từ lâu, người đứng đầu HAEDC là ông Nguyễn Văn Đài cũng không giấu mục đích này. Thậm chí Đài còn nhiều lần kêu gọi bạo động:

Ngoài ra, cần lưu ý rằng khi Châu Văn Khảm “về nước qua ngả Campuchia”, ông có thể đã nhập cảnh trái phép.

Khi các thành viên Việt Tân và HAEDC vi phạm luật pháp Việt Nam, họ nên sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chẳng có thứ nhân quyền nào cho phép công dân nước này xâm nhập vào nước khác để thu thập thông tin, nhằm phục vụ mục đích lật đổ chế độ.

Diễn đàn dân chủ
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.