Dừng xe, gây ách tắc giao thông tại trạm BOT có trái luật không?

Chào các bạn. Đây là chương trình Điểm tin Lề trái. Như thông lệ, chúng tôi sẽ điểm lại những sóng truyền thông lề trái trong tuần này, và chỉ ra những sự thật thú vị mà các bạn chưa chú ý trong mỗi sóng.


Cư dân Lộc Hưng đang tự đẩy mình vào thế đường cùng

Trong hai ngày 04/01 và 09/01/2019, UBND quận Tân Bình đã cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên khu đất “vườn rau Lộc Hưng”. Vì các công trình này được xây bởi một nhóm di dân Công giáo đã chiếm dụng trái phép khu đất từ nhiều năm nay, và phối hợp, chia sẻ lợi ích với các tổ chức, cá nhân chống đối trong quá trình chiếm dụng, từ ngày mùng 4 đến nay, đợt cưỡng chế đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận chống đối. 4 chủ thể liên quan đến vụ việc – gồm chính quyền địa phương, nhóm cư dân “vườn rau”, 17 luật sư đại diện cho họ, và các tổ chức, cá nhân chống đối trên địa bàn TP.HCM – đã có một loạt động thái mới liên quan đến vụ việc.

Cụ thể, chính quyền địa phương đã đưa ra một số tuyên bố để ổn định dư luận. Một mặt, họ khẳng định mỗi hộ dân đang canh tác nông nghiệp trên khu đất này sẽ được hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 theo đơn giá đất nông nghiệp; được hỗ trợ khoản tiền tương đương doanh thu từ việc trồng rau trong 3 tháng; được hỗ trợ dạy nghề mới theo nguyện vọng cá nhân; và riêng những hộ nghèo, neo đơn sẽ được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội. Mặt khác, họ khẳng định rằng cả 134 hộ dân sống trong “vườn rau Lộc Hưng” đều có ngôi nhà khác ở bên ngoài; và rằng khi tháo dỡ các công trình trái phép trong “vườn rau”, họ “đã phát hiện có phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông có nội dung tuyên truyền xấu”. Thông tin này phù hợp với hoạt động của nhóm bà Đoan Trang đang lấy khu Vườn rau làm căn cứ tổ chức các khóa huấn luyện bí mật mà dư luận lên án lâu nay.

Sau khi chính quyền địa phương phát đi những thông điệp trên, nhóm cư dân “vườn rau” tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác. 20 hộ dân ở đây đã thuê 17 luật sư đại diện, rồi cùng nhóm luật sư tiến hành nhiều hoạt động như tụ tập nộp đơn ở các cơ quan công quyền, viết thư “kêu cứu” gửi các lãnh đạo Nhà nước, chuẩn bị khởi kiện những người liên quan đến vụ cưỡng chế giải tỏa… Trong các hoạt động này, họ nhắc lại yêu sách cũ của mình – rằng Nhà nước phải công nhận quyền sử dụng đất của họ trước, còn đền bù với mức giá nào thì tính sau. Với quan điểm đó, họ từ chối nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước và dự định khởi kiện, cung cấp thông tin sai lệch về nguồn gốc của khu đất khi trả lời phỏng vấn đài BBC tiếng Việt. Khi nói rằng mình đã “bị dồn vào thế đường cùng”, không còn nơi ở hoặc kế sinh nhai nào ngoài “vườn rau”, họ bỏ qua một thực tế rằng nhiều người trong số họ có nhà ở ngoài, rằng họ có 16 năm để chuyển sang nghề khác nhưng đã không làm, và rằng chính quyền địa phương đang đề nghị dạy nghề, hỗ trợ tài chính để chuyển nghề cho họ. Chính quyền địa phương cũng đã chuyển các thương phế binh trong “vườn rau” đến trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng những người này đã trốn ra ngoài. Qua các chi tiết trên, và việc “vườn rau” có máy in, phòng thu âm, tài liệu được dùng cho mục đích chống đối, có thể thấy nhóm cư dân này đang nhất quyết bất hợp tác để đối đầu với Nhà nước về mặt chính trị, chứ họ không hề bị “dồn vào đường cùng” về mặt kinh tế.

Có lẽ nhóm cư dân Lộc Hưng sẽ đi lại vết xe đổ của nhiều nhóm “dân oan” khác. Thay vì thỏa hiệp với chính quyền địa phương để được trở lại lao động, sinh sống như những người bình thường, họ hợp tác sâu với các nhóm chống Cộng để được nhận tiền tài trợ. Dần dần, họ lệ thuộc vào giới chống đối về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Rốt cuộc chính họ tự đẩy mình vào thế ăn xin, chứ không hề bị người khác dồn ép.

Dừng xe, gây ách tắc giao thông tại trạm BOT có trái luật không?

Trưa 14/01/2019, 4 lái xe là Trương Châu Hữu Danh, Huỳnh Long, Ngô Phương và một người khác đã phản đối trạm BOT An Sương – An Lạc bằng cách từ chối trả tiền qua trạm, dừng xe tại trạm, gây ách tắc giao thông. Để giải tỏa giao thông và xử lý vi phạm của những người này, lực lượng chức năng đã cẩu xe của họ đến một ngõ cách trạm BOT khoảng 50m. Do quá trình đôi co giữa hai bên, 4 lái xe này tiếp tục bị tạm giữ đến trưa ngày hôm sau. Vì nhóm lái xe này nổi tiếng trong dư luận phi chính thống với tư cách “phóng viên chống tiêu cực” và người phản đối các BOT giao thông, nhiều thành phần chống đối, bất mãn đã đồng loạt ca ngợi nhóm lái xe và công kích lực lượng chức năng trong vụ việc.

Đến trưa 15/01, nhóm lái xe bắt đầu làm việc với công an, và bị xử phạt vì tội “Gây rối trật tự công cộng”. Họ được ra về sau khi xử phạt. Trên Facebook và các cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài, nhóm lái xe phủ nhận quan điểm của công an, rằng họ đã có hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Chẳng hạn, trên BBC tiếng Việt, Huỳnh Long chối rằng 4 người họ “không đi cùng nhau”, mà chỉ “bị câu xe vào cùng một thời điểm”. Lời này không đáng tin, vì họ cùng tham gia nhóm lái xe phản đối các trạm BOT, cùng ngồi uống nước vào sáng 14/01, trước khi cùng dừng xe, từ chối trả tiền ở trạm An Sương – An Lạc vào buổi trưa.

Họ còn nói rằng các lực lượng chức năng đã vi phạm pháp luật, vi phạm hiến pháp khi “đe dọa tính mạng” họ, không cho họ gặp luật sư, và “giam lỏng” họ, “không cho tiếp tế thức ăn” trong 12 tiếng.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy vụ việc này cần được nhìn nhận theo nhiều chiều. Trong những năm gần đây, đã có không ít tờ báo chính thống, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ phản ánh những nhược điểm của hình thức BOT. Cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trạm BOT Cai Lậy ngừng hoạt động, nhằm hạn chế những hậu quả mà trạm này gây ra. Tuy nhiên, trong vụ việc ở trạm BOT An Sương – An Lạc hôm 14/01 vừa qua, nhóm lái xe cũng đang hành xử nhố nhăng trên 3 điểm.

Thứ nhất, về mặt pháp luật, họ đuối lý hơn chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã gia hạn hợp đồng của trạm An Sương – An Lạc thêm 16 năm, chứ không “thu tiền vượt quá thời hạn cho phép” như họ nói. Trong khi đó, khi cố tình đồng loạt dừng xe để gây ách tắc giao thông tại trạm, lực lượng chức năng có quyền di dời xe của họ và xử phạt theo hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông”, theo quy định tại Điều 5 theo Nghị định 46/2016/NÐ-CP.

Thứ hai, họ đã phóng đại các tình huống gay cấn trong vụ việc này. Thực ra họ không bị công an “giam lỏng, không cho tiếp tế, không cho đi vệ sinh”; chính họ chủ động không ra khỏi xe vì sợ. Họ cũng đã nói dối khi trả lời phỏng vấn rằng mình không đi cùng nhau, không phối hợp hành động với nhau.

Thứ ba, không thể phủ nhận rằng trong các chiến dịch “đánh BOT” từ năm 2017 đến nay, họ đã phối hợp rất nhịp nhàng với những tổ chức công khai đặt mục đích lật đổ chế độ, như đảng Việt Tân và HAEDC. Trong khi nhóm lái xe gây tắc đường để phản đối các trạm BOT giao thông, đảng Việt Tân cũng kêu gọi biểu tình, gây tắc đường trên toàn quốc để lật đổ chế độ. Khi làm vậy, họ không hỏi xem người dân có sẵn sàng bị tắc đường vì những lợi ích lớn lao đó hay không.

Vì họ dám làm mà không dám nhận, và khiến nhiều người ngoài cuộc phải trả giá vì hành vi của mình, chúng tôi thấy lạ khi giới chống đối ca ngợi họ như những gương dũng cảm.

Giới chống đối có nên hy vọng vào kỳ UPR không?

Phiên kiểm điểm nhân quyền UPR lần thứ hai của Việt Nam được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 22/01/2019. Có hai nhóm phi chính thống người Việt tham dự sự kiện này – là các NGO thuộc mạng lưới Không gian Nhân quyền (HRS), và “Nhóm làm việc UPR 2019” thân Việt Tân. Trong khi HRS chủ yếu tuyên truyền qua fanpage “UPR Vietnam”, tường thuật diễn biến kỳ UPR, đăng tất cả các câu hỏi chất vấn mà các nước khác đặt ra cho Việt Nam để độc giả vào tự do bình phẩm. Bằng cách này, họ mượn lời các quốc gia khác để công kích các chính sách liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng đề nghị độc giả đặt câu hỏi về kỳ UPR, để chuyên gia của họ giải đáp.

Trong khi đó, “Nhóm làm việc UPR 2019” của giới chống đối lại quảng bá thành phần nhân sự của mình một cách ồn ào. Họ bao gồm 5 tổ chức người Việt là Việt Tân, Lao Động Việt, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí Tương thân và COSUNAM; cùng 5 tổ chức nước ngoài hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là RSF và ACAT. Họ đã tiến hành một chuỗi các buổi tiếp xúc với phái bộ thường trực của Mỹ, Na Uy, Cộng Hòa Czech Thụy Sĩ, và đại diện hai văn phòng Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và dự định tổ chức một buổi hội thảo nhằm khuyến nghị và tuyên truyền về 4 vấn đề – là việc các “nhà hoạt động” của họ bị đàn áp, vụ Formosa, Luật An ninh Mạng, và điều kiện sống của các “nhà hoạt động” đang thi hành án.

Khi tuyên truyền đến người Việt, đảng Việt Tân lặp đi lặp lại một thông điệp rằng trong kỳ UPR này, Nhà nước Việt Nam sẽ “phải đối mặt với làn sóng phản đối từ quốc tế”. Họ làm vậy để khiến giới chống đối đặt hy vọng vào kỳ UPR, là vào họ – kẻ làm “cầu nối” giữa các hội đoàn trong nước với UPR. Nhưng cần nhớ rằng sau 5 năm kể từ kỳ UPR trước, các nhóm chống đối đã chỉ yếu đi thay vì mạnh lên, và số “nhà hoạt động” nhập kho đã chỉ tăng chứ không giảm. Vì vậy, nếu giới chống đối tiếp tục đặt hy vọng vào UPR, vào Việt Tân hay các thế lực nước ngoài, họ sẽ sớm phải thất vọng và trả giá.

Cũng cần lưu ý rằng 4 vấn đề mà Việt Tân định nêu trong phiên điều trần chỉ đặt ra với riêng giới chống đối, chứ không đặt ra với đông đảo người Việt. Vì vậy, nếu phương Tây đặt trọn niềm tin vào các bản báo cáo của Việt Tân, họ sẽ đánh giá tình hình chính trị Việt Nam một cách lệch lạc.

Giới “dân chửi” kêu gọi hoãn bỏ phiếu thông qua EVFTA,
bất chấp lợi ích kinh tế của đa số người Việt

Từ ngày 10/01/2019 đến nay, Human Rights Watch (HRW) và 17 tổ chức phối hợp với họ đã liên tục vận động Liên minh Châu Âu hoãn bỏ phiếu về Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA), nhằm gây sức ép buộc Việt Nam cải thiện “tình trạng nhân quyền” mà họ cho là đang đi xuống.

Chiến dịch vận động này bao gồm bức thư ngỏ mà HRW gửi Nghị viện và Hội đồng Châu Âu hôm 10/01, bản Phúc trình Toàn cầu 2019 mà HRW công bố hôm 17/01, và bức thư ngỏ mà HRW cùng 17 đoàn thể khác gửi đến Hội đồng Châu Âu hôm 18/01. Số đoàn thể đồng ký tên này bao gồm nhiều tổ chức chống đối thuộc diện lôm côm – như Defends The Defenders, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Nhật ký Yêu nước, Hội Nhà báo Độc lập…, và các tôn giáo thuộc Hội đồng Liên tôn.

Trong bức thư ngỏ hôm 18/01, họ nêu 4 điều khoản mà họ muốn Hội đồng Châu Âu tác động đến Nhà nước Việt Nam: ép Việt Nam thả hơn 100 “nhà hoạt động nhân quyền” đang thi hành án tù, ép Việt Nam sửa các bộ luật để cho phép các công đoàn độc lập hoạt động, ép Việt Nam ký Nghị định thư tùy chọn về Công ước Chống Tra tấn và bắt Việt Nam bỏ án tử hình.

Nhìn chung, các gương mặt chống đối cực đoan như Lê Công Định ủng hộ chiến dịch này của HRW. Ngược lại, ông Nguyễn Quang A đã viết một bài trên Facebook, và trả lời một cuộc phỏng vấn với BBC về triển vọng của EVFTA, nói rằng giới chống đối nên ủng hộ việc thông qua EVFTA trước, sau đó mới “dùng EVFTA để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam”. Bởi một hiệp định thương mại như EVFTA sẽ trao cho EU quyền chế tài Việt Nam về các vi phạm nhân quyền, và “cây gậy” này có sức thuyết phục hơn các cuộc đối thoại. Theo dự đoán của Ủy ban Châu Âu, thì hiệp định EVFTA có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng 35%, tăng trưởng GDP tăng 15%, và lương bổng cho người lao động tăng 13%; biến Việt Nam thành nước ASEAN hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại tự do với EU. Khi các nhóm chống đối kêu gọi EU hoãn thông qua hiệp định này, họ đang trì hoãn một lợi ích kinh tế lớn mà đa số người Việt Nam sẽ được hưởng. Khi một số thủ lĩnh của giới chống đối – như Trần Huỳnh Duy Thức và Phạm Chí Dũng – đang hy vọng rằng kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ để khiến cuộc “cách mạng” của họ thắng lợi, chúng ta nên tự hỏi họ có chung lợi ích với đa số người Việt hay không.

Diễn đàn dân chủ
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.