Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 23-NQ/TW) đang tạo ra khí thế và động lực lớn thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển toàn diện. Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần nâng cao quyết tâm chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, góp phần giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.



Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045_Ảnh: TTXVN

Tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội

Vùng Tây Nguyên có diện tích khoảng 54,5 nghìn km2 (chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội); nằm ở điểm giao biên giới ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, tiếp giáp các vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”. Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữa vai trò tâm điểm của kết nối đông - tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả nước; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia,... Nhìn chung, tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, Tây Nguyên là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Địa hình của vùng đa phần là đồi núi và cao nguyên có độ cao từ 500 - 1.500m so với mực nước biển; diện tích đất đỏ ba-zan lớn, phì nhiêu (khoảng 1 triệu héc-ta), đất đỏ vàng với độ tơi, xốp cao (khoảng 1,8 triệu héc-ta), đất xám phân bố trên các sườn đồi thoải phía tây nam và trong các thung lũng, đất phù sa ở ven sông,... Mặt khác, khí hậu của vùng có hai mùa rõ rệt, nắng nhiều vào mùa khô, trong khi mùa mưa tập trung lượng mưa lớn trong năm (tổng lượng mưa trung bình ở vùng Tây Nguyên cung cấp cho dòng chảy mặt khoảng 50,2 tỷ m3/năm; dòng chảy ngầm khoảng 6,6 tỷ m3/năm). Đây là những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi trong phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là các cây nhiệt đới, như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc-ca...).

Bên cạnh đó, rừng là yếu tố nổi trội về tài nguyên tự nhiên của vùng Tây Nguyên với diện tích lớn; toàn vùng có gần 2,6 triệu héc-ta, lớn thứ ba cả nước (khoảng 17,5%), trong đó rừng tự nhiên là 2,1 triệu héc-ta, rừng trồng mới là 469.000ha(1); tỷ lệ che phủ xấp xỉ 46% (năm 2021). Tài nguyên rừng có tính đa dạng sinh học cao, gồm nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm, như cây gỗ, cây dược liệu, voi, hổ, khỉ,...; từng là không gian cư trú và là nguồn tài nguyên sinh kế của cư dân địa phương, tạo nên “văn hóa rừng” độc đáo. Mặt khác, nhờ địa hình cao nguyên khá bằng phẳng, nhiều sông, suối gắn chặt với cánh rừng, nên vùng có điều kiện để phát triển mạnh về các loại hình du lịch, như du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, canh nông,...; là cơ sở để hình thành “con đường xanh Tây Nguyên”. Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản trong vùng khá đa dạng, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, như than bùn, than nâu, sét cao lanh,... là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng (đặc biệt, trữ lượng bô-xit rất lớn, khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bô-xit cả nước(2)).

Thứ hai, Tây Nguyên là vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú; là không gian sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 12 DTTS tại chỗ, gồm Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, M-nông, B-râu, Chu-ru, Rắc-glay, Cơ-ho, Giẻ-triêng, Mạ, Rơ-măm và Xơ-đăng. Qua các thời kỳ lịch sử, lượng người di cư từ các nơi lên vùng Tây Nguyên ngày càng nhiều, hiện nay, dân số của vùng xấp xỉ 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước); có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với số lượng khoảng 2,2 triệu người (chiếm 37,65% dân số toàn vùng)(3). Đây cũng là nơi có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam.

Các đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên đã hình thành và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo, như rượu cần, nhà rông, nhà dài, nhà mồ, đàn T’rưng, các bộ sử thi đồ sộ hay “không gian văn hóa cồng chiêng”,... Mỗi tỉnh trong vùng có sự hiện diện ít nhất một sắc màu văn hóa nổi bật có tính đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, cụ thể: dân tộc Ê-đê đại diện cho văn hóa ở tỉnh Đắk Lắk (người Ê-đê chiếm 17% dân số toàn tỉnh (DSTT)); dân tộc Gia-rai, Ba-na đại diện cho văn hóa tỉnh Gia Lai (người Gia-rai chiếm 29,2% DSTT, người Ba Na chiếm 11,8% DSTT); dân tộc M-nông đại diện cho văn hóa tỉnh Đắk Nông (người M-nông chiếm 9,7% DSTT); đại diện cho bản sắc văn hóa ở tỉnh Lâm Đồng là dân tộc Mạ, Cơ-ho (người Mạ chiếm 76,5% toàn bộ người Mạ ở Việt Nam, người Cơ-ho chiếm 13,5% DSTT và 87,4% toàn bộ người Cơ-ho ở Việt Nam); đại diện cho bản sắc văn hóa ở tỉnh Kon Tum là dân tộc Xơ-đăng, Giẻ-triêng (người Xơ-đăng chiếm 24,4% DSTT, chiếm 62,7% toàn bộ người Xơ-đăng ở Việt Nam; người Giẻ-triêng ở tỉnh Kon Tum chiếm 62,4% tổng số người Giẻ-triêng ở Việt Nam(4).

Thứ ba, sau 20 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của vùng; đồng thời, thực hiện khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh, bền vững và đạt được nhiều kết quả to lớn, quan trọng (thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002)(5). Mặt khác, “quan điểm đồng bộ” trong phát triển vùng được kế thừa, cụ thể: “phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực, tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước”. Từ những nền tảng đó, Tây Nguyên hiện trở thành vùng sản xuất chủ lực một số sản phẩm nông sản với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao (nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả); ngành du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; các giá trị văn hóa được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Mặt khác, ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo được nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên,...

Những khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội:

Một là, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất (tuy có tăng, nhưng mới chỉ xếp thứ 5 trong 6 vùng kinh tế - xã hội), đồng thời giữa các địa phương có sự chênh lệch (cao nhất là tỉnh Lâm Đồng, thấp nhất là tỉnh Gia Lai); số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp(6). Bên cạnh đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; chất lượng giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực, năng suất lao động chậm chuyển biến, có nhiều hạn chế; công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp so với mức trung bình cả nước,...

Hai là, nhiều giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hòa tan; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác, phát triển; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Mặt khác, tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; nguồn nước có nguy cơ suy giảm, tình trạng khô hạn diễn biến bất thường,...

Ba là, một mặt, hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn mang tính hình thức; mặt khác, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu thốn và xuống cấp, nhất là kết cấu hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin,...), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc,... vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó khăn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn.

Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trước yêu cầu thực tiễn, nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên nói riêng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW với nội dung, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm định hướng, nhận diện thời cơ và thách thức để thúc đẩy xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã chú trọng đến vai trò, vị trí quan trọng và tiềm năng, lợi thế của vùng, góp phần mang lại sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, điều này được thể hiện cụ thể ở một số nội dung sau:

Về quan điểm chỉ đạo: Nghị quyết số 23-NQ/TW kế thừa tất cả quan điểm chỉ đạo trước đó, đồng thời bổ sung, phát triển các quan điểm phù hợp với tình hình mới, đưa ra hệ thống 5 quan điểm về phát triển Tây Nguyên. Trong đó, Nghị quyết tiếp tục xác định vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên nhiều mặt, như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh và đối ngoại,... của cả nước; xác định yêu cầu vừa phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, vừa phải bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các địa phương trong vùng, mà còn với cả nước.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên thông qua kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường,... gắn chặt với bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Có thể thấy, Đảng ta coi trọng và đặt việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường lên hàng đầu, làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, có sự chỉ đạo, bổ sung những quan điểm, định hướng phù hợp hơn, như phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực,...

Về mục tiêu: Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định các mục tiêu tổng thể, cụ thể và thời hạn chiến lược cần đạt được rõ ràng hơn, tầm nhìn xa hơn. Điều này thể hiện những kỳ vọng và quyết tâm cao của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định, phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số,... Đến năm 2045, Tây Nguyên được kỳ vọng trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước,...


Phát triển nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại các buôn làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước_Ảnh: TTXVN

Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng, triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển; bảo đảm hoạt động liên kết giữa các địa phương ở quy mô nội vùng và liên vùng. Các quy hoạch, kế hoạch phải xác định tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là vấn đề chênh lệch giữa các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó, kiến tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương. Đồng thời, Trung ương và các địa phương trong vùng cần chủ động, sớm xác định rõ về tính đặc thù của vùng Tây Nguyên, cụ thể là cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng và tính đến yếu tố đặc thù trong xây dựng chính sách(7), nhằm tạo nền tảng thể chế, cơ chế đặc thù, góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng từng địa phương và có những phát triển so sánh với các vùng, miền khác trong cả nước.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục sự thiếu hụt nhân lực khoa học - công nghệ và hạn chế của vùng trũng về giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, làm công tác nghiên cứu, tham mưu, phản biện chính sách của các địa phương trong vùng vẫn còn mỏng(8); hiện nay, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn khá cao (chiếm 50,2%), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 16,9%. Vì vậy, các địa phương phải có chính sách giáo dục - đào tạo, thu hút nhân tài; đồng thời, làm tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất về trường học, hợp tác tốt về đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực của vùng.

Thứ ba, chú trọng khai thác, phát huy thế mạnh từng địa phương về nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo...; mặt khác, nhanh chóng có phương hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn trái, tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh mẽ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, chú trọng phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh bền vững; hạn chế sử dụng chất hóa học và các biện pháp can thiệp xâm hại đất và hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ tư, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở) có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người đồng bào DTTS; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân. Trước nay, buôn, làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở vùng Tây Nguyên, do đó, phải chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; phát huy hiệu quả các mô hình tự quản tại cộng đồng ở các cơ sở, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. 

Thứ năm, tranh thủ nguồn lực từ việc triển khai các chương trình, chính sách hiện có trên địa bàn; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết triệt để vấn đề đất đai do các yếu tố lịch sử để lại và mối quan hệ giữa đất đai, dân tộc và tôn giáo. Các địa phương phải tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, dân vận; nâng cao trình độ dân trí, phổ biến kiến thức chính trị, pháp luật, bảo đảm nền tảng cho phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, văn hóa lành mạnh, tốt đẹp./.

TS PHẠM XUÂN HOÀNG - PHẠM THỊ NHÂM ANHPhó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên - Trường Chính trị tỉnh Gia Lai - Nguồn: Tạp chí Cộng sản
----------------------

(1) Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN, ngày 27-7-2022, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Về công bố hiện trạng rừng toàn quốc”

(2), (3) Xem: Báo cáo số 1045-BC/BCSDCP, ngày 18-8-2022, của Ban cán sự đảng Chính phủ, “Về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa IX), “Về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020””

(4) Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 160 – 161

(5) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

(6) Theo số liệu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng là 44,9 triệu đồng/người/năm; tỉnh Gia Lai ở mức 27,8 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2010 - 2020, thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% nhóm người có thu nhập cao nhất trong vùng có mức chênh lệch không đổi là 8,3 lần, cao hơn mức trung bình của cả nước

(7) Xem: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị phát triển vùng Tây Nguyên”, Báo điện tử VTV, ngày 14-10-2022, https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-phat-trien-vung-tay-nguyen-20221014183444097.htm

(8) Năng suất lao động vùng Tây Nguyên hiện nay tương đối thấp (khoảng 65% mức trung bình cả nước), chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Theo thời giá lao động năm 2020, vùng chỉ đạt 84,3 triệu đồng/lao động; quy mô lao động của vùng lớn, năm 2020 là 3,5 triệu người; tốc độ tăng trưởng lao động bình quân cao so với cả nước, tuy nhiên cơ cấu lao động của vùng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (67,9%), khá khác biệt so với xu thế chung là 33%

 Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch, trở thành một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên. Mặc dù hiện nay, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên” thông qua hình thức khác. Với loạt bài hồ sơ – tư liệu dài kỳ, chúng tôi xin góp phần tái hiện lại phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…

Các thành viên của tổ chức phản động Fulro. Chỉ huy Les Kosem đứng giữa.

Từ BaJaRaKa đến Fulro

Theo dòng lịch sử, tiền thân của tổ chức Fulro đã có từ thời đất nước ta còn chưa sạch bóng ngoại xâm. Nhiều tài liệu trong và ngoài nước thể hiện, với chủ trương đấu tranh bất bạo động yêu cầu chấm dứt mọi chính sách phân biệt đối xử đối với các sắc tộc thiểu số Việt Nam của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, ngày 1-5-1958, một số trí thức người Tây Nguyên (từ dùng của thời kỳ đó là: người Thượng), do ông Y Bham Ênuôl người Ê Đê chủ xướng, đã thành lập một tổ chức có tên gọi BaJaRaKa. Mục tiêu kết nối các sắc tộc được cho là mạnh nhất và sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên, BaJaRaKa là chữ viết tắt tên của bốn dân tộc chủ yếu: Bahnar (người Ba Na), Djarai (người Gia Rai), Rhadé (người Ê Đê) và Kaho (người Cơ Ho).

Y Bham Ênuôl, người khởi xướng và lãnh đạo BaJaRaKa.

Chỉ sau hai tháng kể từ ngày thành lập, với chữ ký của ông Y Bham Ênuôl, ngày 25/7/1958, BaJaRaKa gửi thư đến Tòa đại sứ Pháp, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tố cáo những hành vi phân biệt sắc tộc của nhà cầm quyền và yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Tiếp đó, các tháng 8 và 9 của năm này, BaJaRaKa tổ chức nhiều cuộc biểu tình thỉnh nguyện tại Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku nhưng các cuộc biểu tình này đều bị trấn áp. Tất cả những người được cho là lãnh đạo của phong trào này đều bị bắt, trong đó có ông Y Bham Ênuôl.

Trước đó, từ năm 1956, thực thi mục tiêu chống cộng ráo riết, triệt để của Hoa Kỳ, các cố vấn quân sự Mỹ vào tận các buôn làng, đào tạo và trang bị vũ khí cho thanh niên Thượng. Họ tổ chức thành các đội Dân sự Chiến đấu Thượng (Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) và Lực lượng Đặc biệt. Cuộc đảo chính của phe quân sự dưới sự hỗ trợ của CIA đã lật đổ chính thể họ Ngô vào năm 1963, với sự kiện này, tất cả những người lãnh đạo của BaJaRaKa được trả tự do. Sau đó, nhằm giảm bớt sức ép chính trị, đồng thời thực hiện mưu đồ “dùng người Thượng cai trị người Thượng”, nhà cầm quyền Sài Gòn đã bổ nhiệm một loạt các thủ lĩnh của phong trào này vào các chức vụ chủ chốt ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, ông Y Bhăm Ênuôl trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc, ông Paul Nưr là phó tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum. Tháng 3-1964, một lần nữa được sự ủng hộ của người Mỹ, những người lãnh đạo BaJaRaKa kết hợp với các sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại duyên hải miền Trung thành lập “Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên” (FLHP). Thế nhưng, ngay từ khi thành lập, “mặt trận” này đã phân chia thành hai phe đối nghịch nhau: phe ôn hòa do Y Bham Ênuôl đại diện và phe chủ trương bạo động do Y Dhơn Adrong cầm đầu.

Trong hai tháng 3 đến 5-1964, phe bạo động trong FLHP bị quân đội Sài Gòn mở các chiến dịch truy quét gắt gao phải chạy qua Campuchia lập căn cứ tại tỉnh Mondolkiri, cách biên giới nước ta 15 km. Tại căn cứ này, họ tiếp tục tuyển mộ thanh niên Thượng tham gia FLHP chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 19-9-1964, các toán biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt và các đội Dân sự Chiến đấu Thượng nổi dậy đánh chiếm một số đồn ở Quảng Đức (nay là Đắc Nông) và Đắc Lắc giết chết 35 binh sỹ VNCH, bắt sống quận trưởng Đức Lập; đánh chiếm đài phát thanh Buôn Ma Thuột và kêu gọi người dân tham gia nổi dậy thành lập quốc gia độc lập. Ngày 20-9-1964, chuẩn tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến thuật đã lệnh cho Sư đoàn 23 bộ binh cùng một số tiểu đoàn biệt động quân và thiết giáp vây quanh đài phát thanh, và những đồn bị chiếm đóng. Thế nhưng, ngay thời điểm đó, Vĩnh Lộc nhận được khuyến cáo của Beachner, tham tán thứ ba tòa đại sứ Mỹ trên Cao Nguyên là dừng ngay lệnh nổ súng và tiến hành thương thuyết. Ngay sau đó, một cuộc thương lượng có sự hiện diện của quan chức tòa đại sứ Mỹ, đi đến những thỏa thuận sau: Y Bham Ênuôl được cử làm chủ tịch chính thức phong trào FLHP; tuy nhiên ngay trong chiều 20-9-1964, ông ta đã trốn sang Campuchia. Thỏa thuận thứ hai là những người Thượng chỉ huy đợt tập kích này không bị truy tố và không bị truy đuổi khi rút quân qua Campuchia…

Như một cơ hội đã chín muồi cho một âm mưu lâu dài, cuộc thương lượng dưới sự “chủ trì” của người Mỹ chính là “bà đỡ” đảm bảo cho sự ra đời của một thế lực chính trị mới theo đúng ý đồ và sự sắp đặt của họ. Ngày 20-9-1964, tại Campuchia, “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” được thành lập (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, đọc theo tiếng Pháp, viết tắt là FULRO (xin viết là Fulro). Mặt trận này bao gồm các thành phần: Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức Fulro Chăm, do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo. Mặt trận Giải phóng xứ Campuchia Krom miền Tây Nam Việt Nam (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức Fulro Khmer, do Chau Dera làm đại diện và Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức Fulro Thượng, do Y Bham Ênuôl cầm đầu. Fulro đã tự “sản xuất” một lá cờ (hiệu kỳ) hình chữ nhật gồm ba sọc: màu xanh biển (tượng trưng cho biển cả), màu đỏ (biểu tượng của đấu tranh) và màu xanh lá cây (màu của rừng núi). Trên dòng sọc đỏ có ba ngôi sao trắng tượng trưng cho ba mặt trận của Fulro: Champa, Thượng và Campuchia Krom.

Les Kosem (áo trắng), chỉ uy Fulro Chăm và lãnh đạo thực sự của tổ chức phản động Fulro.

Fulro có ba cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Tối cao do Chau Dera làm chủ tịch, Hội đồng Bảo trợ do Les Kossem làm chủ tịch, và Ủy ban Chấp hành Trung ương do Y Bham làm chủ tịch. Trong thực tế, vào thời điểm này, Y Bham Ênuôl không có thực quyền, người nắm hết mọi quyền hành là Les Kosem. Trong khi đó, nhóm Fulro Thượng do Y Bham Ênuôl làm chủ tịch vẫn bị phân hóa thành hai như còn thời BaJaRaKa: nhóm dân sự ôn hòa do Y Bham Ênuôl lãnh đạo tiếp tục chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để Fulro Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức; ngược lại, nhóm vũ trang do Y Dhơn Adrong cầm đầu vẫn kiên quyết chủ trương dùng bạo lực để thành lập một quốc gia độc lập của người Thượng trên cao nguyên…

Trong thời kỳ từ 1964 đến 1969 và ngay cả những năm sau ngày nước nhà thống nhất, “câu chuyện Fulro” rất dài dòng với nhiều biến cố và sự kiện xảy ra bởi những mâu thuẫn chồng chéo giữa Fulro với chế độ Việt Nam Cộng Hòa và các thế lực chính trị khác; giữa các nhân vật, các phái khác nhau chính trong tổ chức này. Cũng trong những năm này, Fulro liên tục thay đổi bộ máy cầm đầu, trong đó, có không ít kẻ bị đồng bọn ám sát trong quá trình thanh trừng, tranh giành quyền lực. Nói ra rất tốn giấy mực và thời gian của bạn đọc. Xin điểm thêm về sự kiện hiệp ước cuối cùng được ký kết vào ngày 1/2/1969 giữa Paul Nưr, đại diện Việt Nam Cộng Hòa và Y Dhê Adrong, đại diện Fulro dưới sự chủ tọa của Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Một số người trong các sắc tộc Thượng và Chăm không hài lòng với những điều khoản ký kết và vì vậy, Fulro tiếp tục đấu tranh, có lúc lộ diện, có lúc ẩn chìm.

Giai đoạn sau năm 1975

Năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Fulro – dưới sự giật dây, hỗ trợ của các ông chủ từ xa, tiếp tục tổ chức quấy phá chống lại nước ta. Từ đầu năm 1975 đến năm 1977, Fulro tiếp tục tuyên truyền, kích động gây hận thù dân tộc và tiến hành tập kích vũ trang. Một tên thủ lĩnh khác là Y Djao Niê tổ chức lại Fulro đồng thời kêu gọi các nước Anh, Pháp, Mỹ và LHQ viện trợ. Từ năm 1982-1985, Fulro được các thế lực quốc tế và tàn quân Pôn Pốt tiếp sức, củng cố căn cứ ở Mondolkiri và đưa được các toán đặc biệt về vùng ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia lập “mật cứ” đón gián điệp, biệt kích, lực lượng lưu vong trở về như Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh và các toán phản động khác. Trong thời gian từ năm 1979-1985, hoạt động Fulro đã phá hoại cuộc sống bình yên của các thôn ấp, buôn làng, giết hại nhiều cán bộ, công an, dân quân và quần chúng tốt. Nhưng lực lượng công an, quân đội ta được nhân dân các đồng bào dân tộc ủng hộ đã đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, đấu tranh thắng lợi trong hàng chục chuyên án, làm tan rã nhiều nhóm Fulro và đưa họ trở về với cộng đồng.

Ở Tây Nguyên, cuối thập niên 80, không còn mấy ai nhắc đến Fulro nữa. Cho đến năm 1992, vấn đề Fulro lại xuất hiện ở khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia. Theo phóng viên người Mỹ Nate Thayer trên tờ New Straits Times: “Lực lượng mang tên là Fulro-Dega là một tổ chức vũ trang đặt dưới quyền lãnh đạo của đại tá Y Peng Ayun, vẫn tiếp tục liên hiệp với Khmer Ðỏ để chống lại Hà Nội. Sau 17 năm chống cộng, lực lượng của đại tá Y Peng Ayun chỉ còn lại khoảng 2.000 người. Từ biên giới Thái – Myanmar, Y Peng Ayun tuyên bố rằng, lực lượng Fulro-Dega sẽ tiếp tục đấu tranh cho tới khi nào Cộng Sản trao trả lại tự do cho dân tộc Tây Nguyên”. Năm 1994, khi LHQ đưa lực lượng quốc tế UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Mỹ, tháng 12/1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 tên do Y Peng Ayun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado…

Phóng viên Nate Thayer.

Hồ sơ về Fulro là hồ sơ về một tổ chức phản động, một tổ chức tội ác. Tổ chức đó đã bị xóa sổ trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thế nhưng, tàn dư của nó vẫn còn khi vẫn còn đó những thế lực thù địch, những âm mưu đen tối chống phá đất nước và nhân dân ta. Lật lại hồ sơ Fulro, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc những thông tin dù đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng bài học cảnh giác thì luôn tươi mới.

 Trương Huy San có một bài viết với tiêu đề “không chỉ những người Thượng sử dụng bạo lực có lỗi”. Bài viết có những lập luận thay đổi bản chất của sự việc, nghiêm trọng hơn là gieo rắc mầm mống ly khai, kích động chia rẽ dân tộc.

Cụ thể trong bài viết của mình Trương Huy San đưa ra các luận điểm rằng: Chính sách phát triển Tây Nguyên khiến người dân nơi đây không có đất để địa táng theo phong tục, bị thua thiệt về ngôn ngữ; Hơn 50 cộng đồng dân tộc luôn thua kém cơ hội tiếp cận kinh tế, văn hóa, chính trị. Vì vậy, Trương Huy San khẳng định, vụ việc vừa qua mang màu sắc xung đột sắc tộc, văn hóa… nhằm phục vụ quan điểm “Tây Nguyên là đất của người Thượng”.

Các học sinh đồng bào tại trường Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk) thuộc dân tộc Ê đê, Mơ nông, Tày, Nùng, Thái… đều được tự do mặc trang phục truyền thống tới trường

Về quan điểm của Trương Huy San, xin phép có ý kiến như sau:

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, dân số khu vực Tây Nguyên khoảng 6 triệu người, so với năm 1976 đã tăng gấp 5 lần. Với diện tích không nở ra, chỉ 5,5 triệu ha, thiếu đất địa táng theo phong tục là hoàn toàn dễ hiểu.

Các tập tục văn hóa vẫn luôn được duy trì qua nhiều thế hệ. Trong ảnh là Lễ bỏ mả (pơ thi) là nghi lễ quan trọng của đồng bào Gia Rai để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Sau nghi lễ này, người chết sẽ thực sự về với xứ sở của các thần.

Thứ nữa, các em học sinh vùng núi, vùng sâu vùng xa cũng đều được hưởng những chính sách, chế độ từ nhà nước. Tiếng Việt hiện tại cũng đã trở nên phổ biến cùng với sự phát triển của Tây Nguyên, để đáp ứng được nhu cầu giao thương buôn bán, phát triển du lịch. Và chính trong chính sách giữ gìn văn hóa thì tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số vẫn đang được bảo tồn.

Ngoài việc tiếp cận chương trình phổ thông giáo dục hiện đại, các tỉnh Tây Nguyên ngày càng chú trọng mở rộng việc dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy trẻ em ở đây được nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, từ hàng nghìn năm nay, 54 anh em dân tộc trên khắp lãnh thổ cùng đùm bọc, đoàn kết, phát triển tạo nên nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Bất cứ ai dù thuộc dân tộc nào đều được tự do làm ăn sinh sống hợp pháp trên bất cứ lãnh thổ nào của Việt Nam. Vậy nên quan điểm, “Tây Nguyên là đất của người Thượng” là hoàn toàn đi ngược với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đi ngược với tinh thần sở hữu đất đai của toàn dân.

Cán bộ kỹ thuật Công ty cà-phê 15 (Quân khu 5) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc cây cà-phê.
Cán bộ xã Cuor Đăng (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) thăm hỏi và bàn giao nhà tình nghĩa tặng hộ đồng bào nghèo
Một góc “thay da đổi thịt” của Tây Nguyên. Trong ảnh là Bảo tàng cà phê Buôn Ma Thuột
Di sản văn hóa cồng chiêng luôn được tái hiện để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước
Và hiện tại Tây Nguyên cũng là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài, rất nhiều trải nghiệm thú vị của khách nước ngoài về nơi đây được chia sẻ trên các blog du lịch.

Và nếu không được tiếp cận về cận về kinh tế, văn hóa, chính trị… thì làm sao Tây Nguyên có thể “thay da đổi thịt” như ngày hôm nay. Cơ sở hạ tầng phát triển chung với việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Tây Nguyên đang vươn mình cùng sự phát triển của đất nước.

 Những người bị bắt giữ khai nghe theo lời xúi giục của bọn phản động hứa hẹn sau khi tấn công vào UBND xã sẽ được cho tiền, được đưa vượt biên sang nước ngoài.

1 trong những đối tượng bị bắt giữ

Trước đó, từ các ngày 3/6 đến 6/6, những người được tên Y Som (trú tại Đắk Lắk, xác định là người cầm đầu) gọi điện dụ dỗ tập trung tại địa bàn huyện Cư Kuin để có người đưa vượt biên ra nước ngoài. Khi ra nước ngoài sinh sống, mỗi người sẽ được chúng chu cấp cho tiền cùng với đó sẽ có người lo cho cuộc sống “sung sướng, tốt đẹp hơn”.

Từ ngày 6/6 đến 10/6, có hơn 50 người từ nhiều địa phương khác nhau như: Cư M’gar, Krông Búk, Ea Hleo, thị xã Buôn Hồ… (tỉnh Đắk Lắk) và một số ở huyện Phú Thiện, Krông Pa… (tỉnh Gia Lai) đến tập trung tại một chòi rẫy trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Công an lấy lời khai của 1 đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: VTV

Sau khi tập trung tại đây, nhóm người này tổ chức ăn uống và đến khoảng 1h ngày 11/6, thì chia thành 2 tốp mang theo súng, dao, bom xăng, lựu đạn… đã được chuẩn bị từ trước, đồng loạt tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Trụ sở xã Ea Tiêu bị hư hại nghiêm trọng.

Tại những nơi bị nhóm người này tấn công, các cửa sổ, cửa chính ở 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur đều bị đập phá, nhiều tài liệu giấy tờ bị đốt. Nghiêm trọng hơn, nhóm này xông vào trụ sở công an xã nằm trong khuôn viên UBND xã; bắn, giết chết 4 cán bộ chiến sĩ; đâm trọng thương 3 cán bộ chiến sĩ khác đang túc trực tại cơ quan.

Trụ sở xã Ea Tiêu bị hư hại nghiêm trọng.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi rút ra khỏi trụ sở UBND xã, trên đường đi, nhóm này chặn ôtô của Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu và Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur (đang trên đường đến trụ sở sau khi nhận được tin báo vụ gây rối) và giết chết 2 người này.

Máy móc tại phòng làm việc ở trụ sở xã bị hư hại hoàn toàn.

Sau đó, nhóm người này tiếp tục chặn 2 ôtô của người dân lưu thông trên đường và giết chết họ, sau khi gây án đã chia nhau bỏ trốn nhưng lần lượt bị bắt giữ.

Tính đến chiều 13/6, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 45 người; hiện vẫn tiếp tục truy quét, bắt giữ những người còn lại để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 Ngày 13/06, trang BBC Tiếng Việt có bài viết với nôi dung các nguyên nhân khiến vụ xả súng ở Đắk Lắk xảy ra. Trong đó, tập trung 2 ý chính là về vấn đề di dân và cô lập Tây Nguyên. Đây là những nhận định chưa đúng và đủ.

Du khách trải nghiệm nét văn hóa từ Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

BBC dẫn các số liệu từ năm 1976 và bồi thêm phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc về sự tăng nhanh dân số ở Tây Nguyên để quy kết rằng, người dân tộc thiểu số đang phải làm khách trên chính quê hương của họ.

Tuy nhiên trên thực tế, nếu so với năm 1976 thì hiện nay cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Tây Nguyên vào khoảng 2.170.000 người (ước tính từ năm 2021), tức tăng 300%. Và cơ cấu cũng tăng từ 18 lên 52 cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh đó, thời gian qua, trong 52 cộng đồng các dân tộc cũng đã có những người được tín nhiệm giao phó những vị trí lãnh đạo đảng, chính quyền một số tỉnh Tây Nguyên. Như Bí thư của tỉnh Đắk Lắk cả 4 nhiệm kì là các ông Y Luyện Niê Kdăm, Niê Thuật, Êban Y Phu đều là người dân tộc Ê Đê; Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp hiện nay là người dân tộc Gia Rai…

Già làng Ê Đê gìn giữ bảo vật chiêng cổ (Ảnh Nguyễn Sơn Tùng)

Hơn nữa, nói đến Tây Nguyên là nhắc đến nhà sàn, là cồng chiêng là những điệu múa quanh bếp lửa. Có nghĩa là bản sắc văn hóa nơi đây hàng chục năm qua vẫn được giữ gìn bởi chính 52 cộng đồng dân tộc. Những người giữ “linh hồn Tây Nguyên” đang tồn tại thế thì cớ gì nói họ làm khách?

Ngày 25-11-2005, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới.

BBC dẫn lời của Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW – một tổ chức bất đồng chính kiến với Việt Nam để cho rằng, Việt Nam cô lập người dân sinh sống ở Tây Nguyên với cộng đồng quốc tế. Điều này trở nên vô lý khi chính BBC Tiếng Việt có thể phỏng vấn thông tin một người dân tại Đắk Lắk ngay sau khi sự việc xảy ra. Và thực tế, những gì diễn ra tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã phản biện rõ ràng điều ấy.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần thứ 8 năm 2023 khai mạc tối ngày 10/3 và bế mạc vào tối nay (14/3/2023) với chủ đề “Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê – Nơi khởi nguồn sáng tạo”, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV5 và VTV8.

Hoa hậu người dân tộc thiểu số đầu tiên H’Henie là nguồn cảm hứng rất lớn đối với bạn bè quốc tế về những giá trị truyền thống ở Tây Nguyên
Và hiện tại Tây Nguyên cũng là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài. Rất nhiều trải nghiệm thú vị của khách nước ngoài về nơi đây được chia sẻ trên các blog du lịch.
Trải nghiệm của du khách nước ngoài tại Tây Nguyên

Trong tối ngày 13/06, chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đã làm một đoạn tin ngắn về lời khai của các đối tượng trong vụ nổ súng ở Đắk Lắk. Và nguyên nhân khiến các đối tượng manh động, nổ súng bất chấp là từ lời hứa của kẻ đứng đầu là cho tiền và đưa họ ra nước ngoài để lo cho cuộc sống “sung sướng, tốt đẹp hơn”.

 Ngay sau khi sự việc ở Đắk Lắk xảy ra, rất nhiều luận điệu về nhân quyền đã được đưa ra để quy chụp vào đây. Tuy nhiên, sau lời khai của các đối tượng thì những chiêu bài này hoàn toàn thất bại.

Các đối tượng phản động như Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa, Nguyễn Thị Minh Hồng; Các trang mạng thù địch như VOA, BBC Tiếng Việt… đều đăng tải thông tin quy chụp rằng, “người dân Tây Nguyên bị cướp đất ở huyện Cư Kuin”, “người dân Tây Nguyên bị đàn áp tôn giáo”, “người dân Tây Nguyên bị cô lập”… nên buộc phải đứng dậy tranh, tấn công vào lực lượng công an, chính quyền. Thậm chí, sau khi những lời khai được đưa ra, trang mạng RFA vẫn cố tình lấp liếm dưới mác cảm thông, tìm mọi cách đổ lỗi cho chính quyền.

Theo lời khai của các đối tượng bị bắt giữ thì hơn 50 người từ nhiều địa phương khác nhau được kẻ cầm đầu tên Y Som gọi điện dụ dỗ tới một chòi rẫy trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, những yếu tố liên quan đến vấn đề giải tỏa đất đai ở huyện Cư Kuin hoàn toàn bị loại bỏ.

Một số vũ khí bị thu giữ

Cũng không có yếu tố tôn giáo nào trong vụ việc này. Bởi hơn 50 người tham gia trong vụ việc này chỉ biết một mệnh lệnh từ kẻ cầm đầu để đổi lấy tiền bạc, đưa ra nước ngoài sinh sống. Chính bản thân những người cầm súng, cầm bom xăng tự chế không biết mục đích của việc bắn giết này là gì.

Nghi phạm Y Tim Niê tại cơ quan điều tra. Ảnh: VTV

Tuy nhiên, cũng từ lời khai ấy dư luận đã thấy rõ bản chất của vụ việc xả súng này. Đây là những hành vi được lên kế hoạch, tính toán, giao nhiệm vụ rõ rãng với tính chất hung hãn, liều lĩnh. Y Tim Niê (ngụ xã Cư Né, huyện Krông Búk) khai được chỉ đạo “thấy chỗ nào có người ở là phải bắn hết”, còn Y Măn Miô cho biết “người cầm đầu bảo đứng canh giữ, nếu người dân không làm theo là đâm”. 9 người thiệt mạng, 2 người bị thương, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Ấy thế mà vẫn được kêu gọi cảm thông cho các đối tượng hung hãn? Đó là “nhân quyền”?

Trụ sở xã Ea Tiêu bị hư hại nghiêm trọng.
Trụ sở xã Ea Tiêu bị hư hại nghiêm trọng.

Qua đây, cũng thấy rõ những áp lực rất lớn trong việc đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực Tây Nguyên. Cũng như bộ mặt thật của các tổ chức, đối tượng dưới bỏ bọc “nhân quyền”!

 Thực hiện Kế hoạch của Công an tỉnh về triển khai các giải pháp kéo giảm bền vững 5% tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống tội phạm, kiềm chế, giảm tội phạm trên địa bàn, đồng thời, tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm.

Qua công tác nắm tình hình trên địa bàn huyện thời gian qua nổi lên một số đối tượng hoạt động theo kiểu tín dụng đen. Lãnh đạo Công an huyện Vũ Thư đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng nghi vấn để điều tra, làm rõ.

Đấu tranh làm rõ 2 vụ, 2 đối tượng
Đối tượng Trần Thị Quyên cho lời khai.
Đấu tranh làm rõ 2 vụ, 2 đối tượng
Đối tượng Nguyễn Anh Đạt tại cơ quan điều tra.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 25/4, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vũ Thư đã đấu tranh, làm rõ Nguyễn Anh Đạt (SN 1987), trú tại xã Song An, huyện Vũ Thư có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Anh Đạt khai nhận từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2023 đã cho hơn 20 người vay tiền với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, mức lãi suất từ 108% đến 440%/năm.

Đấu tranh làm rõ 2 vụ, 2 đối tượng
Tang vật vụ án.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Vũ Thư tiếp tục làm rõ Trần Thị Quyên (SN 1972), trú tại xã Trung An, huyện Vũ Thư về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; từ tháng 5/2022 đến tháng 4/2023, Quyên đã cho 10 người vay tiền với lãi suất 108% đến 440/năm.

Hiện Công an huyện Vũ Thư đang tiếp tục điều tra mở rộng, đồng thời, thông báo, những ai là nạn nhân, có vay tiền của các đối tượng trên đến ngay Công an huyện Vũ Thư trình báo và cung cấp thông tin để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều người dân ở Hải Phòng đặt mua trứng, mua rau của một shop bán hàng từ thiện không khỏi ngỡ ngàng, khi “anh shipper” lại chính là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hải Phòng.

Tranh thủ làm shipper nuôi trung tâm từ thiện

“Trong đơn vị, chúng tôi thường gọi Trưởng phòng của mình là “bá Thắng” vì chúng tôi coi ông như người cha, người bác của mình chứ không đơn thuần là thủ trưởng đơn vị.

Bá Thắng truyền dạy chúng tôi từ những kỹ năng trong nghề hình sự đến lối sống, cách sống đúng mực của người cán bộ công an. Anh em chúng tôi trong những lúc rảnh rỗi lại theo bá Thắng đi ship rau, gạo, trứng… để duy trì trung tâm từ thiện”, Trung tá Khúc Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự Hải Phòng kể khi nhắc tới người thủ trưởng của mình.

Trung tâm từ thiện mà Trung tá Tuấn nhắc tới được vợ chồng Đại tá Lê Hồng Thắng mở từ năm 2018 trên phố Lạch Tray, hiện đang nuôi dưỡng hàng chục người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa. Nơi đây được gọi với cái tên “Ngôi nhà yêu thương”.

Ngoài tiền túi tự bỏ ra, để có thêm trang trải sinh hoạt cho trung tâm, vợ chồng anh mở một cửa hàng nhỏ bán các mặt hàng rau củ quả, trứng, gạo…

Đại tá Thắng vốn được biết đến như một khắc tinh của tội phạm đất Cảng suốt hàng chục năm qua. Với những người đã quen với hình ảnh “anh shipper đặc biệt” thì không sao, song với nhiều người khác, khi thấy người mang hàng tới là vị Đại tá công an, họ không khỏi ngạc nhiên.

Đại tá Lê Hồng Thắng (mặc áo phông) trong một chuyến đi từ thiện ở miền núi phía Bắc.

Đó là những lúc được nghỉ ngơi hiếm hoi, anh tranh thủ đi ship hàng. Còn thường ngày, Đại tá Lê Hồng Thắng luôn bận bịu với công việc của người đứng đầu Phòng Cảnh sát hình sự.

Một ngày đầu tháng 4/2023, trong căn phòng quen thuộc tại cơ quan, Đại tá Lê Hồng Thắng trầm ngâm bên chồng hồ sơ án mà cấp dưới vừa mang lên.

Anh chia sẻ: “Mỗi một vụ án, một đối tượng hiềm nghi chúng tôi phải thu thập tài liệu rất nhiều. Phải dựng lên một chân dung chân thực nhất về đối tượng chứ không phải là một vài dòng khô khốc trong hồ sơ nhân khẩu”.

Bản lĩnh trước họng súng tội phạm

Được đào tạo trong lĩnh vực an ninh, nhưng hơn 30 năm trước, chiến sỹ Lê Hồng Thắng chuyển sang lĩnh vực cảnh sát. Năm 1992, anh về công tác tại Đội H88 Hải Phòng (đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang), thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng.

Chiến công đầu tiên của anh là triệt xóa băng cướp “tay lái Thành Đô”. Ở thời đó, các băng cướp thường chạy bộ cướp, nhưng băng “tay lái Thành Đô” đã trang bị cho mình xe máy để dễ bề tẩu thoát.

Đại tá Lê Hồng Thắng điều hành cuộc họp tại đơn vị

Được giao nhiệm vụ, Lê Hồng Thắng lặn lội từ sáng tới đêm theo sát hành tung của nhóm cướp. Tới tháng 3/1993, sau nhiều tháng điều tra, anh báo cáo lập chuyên án. Bốn đối tượng trong băng cướp bị trừng trị, giúp anh tự tin hơn trong các chuyên án khác.

Từ vụ án đầu tiên đó, tới nay Đại tá Lê Hồng Thắng đã trải qua hàng trăm trận đánh, hàng nghìn đối tượng hình sự đã phải tra tay vào còng.

“Điều làm nên tên tuổi của giang hồ Hải Phòng chính là sự liều lĩnh, sẵn sàng đối mặt với công an. Bản thân tôi không dưới 5 lần bị đối tượng hình sự nổ súng nhắm vào mình”, anh kể.

Năm 2001, thời điểm ấy khi là Đội trưởng án tuyến, phụ trách các điểm giao thông, anh chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc tranh cướp tại các bến cảng, chính từ việc này các đối tượng cử người bắn anh để trả thù.

Nhớ lại buổi tối bị truy đuổi, anh kể: “Lúc ấy, tôi chở vợ đi trên đường Mê Linh. Khi rẽ sang đường, nhìn qua gương, tôi thấy 4 người đi trên hai xe máy cũng rẽ theo rất nhanh. Trên tay đối tượng đã rút ra một khẩu súng. Khi khoảng cách giữa hai bên chỉ còn vài chục mét, tôi quay ngược đầu xe, dừng lại và rút súng ra. Thấy vậy, các đối tượng lập tức bỏ chạy. Lúc đó, vợ tôi vẫn ngồi sau xe, sợ hãi vì chưa biết chuyện gì đang xảy ra”.

Năm 2012, khi đang là Phó trưởng Công an huyện An Dương, anh chỉ đạo vụ thu giữ 10 bánh ma túy ở Hải Phòng, sau đó triển khai bắt, khám xét đối tượng Sòng A Khai ở Lóng Luông (tỉnh Sơn La). Lóng Luông thời điểm đó đang là lãnh địa của các trùm ma túy, lần đầu tiên công an một huyện ở đồng bằng dám tới sào huyệt này.

“Đang khám xét nhà Sòng A Khai, tôi nghe tiếng súng vang lên trên đầu. Thì ra các đối tượng lợi dụng núi cao xung quanh đã nổ súng bắn về phía chúng tôi”, Đại tá Thắng chia sẻ.

Đại tá Lê Hồng Thắng – Trưởng phòng hình sự, Công an TP Hải Phòng

Nhận diện tội phạm mới để triệt phá

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, tội phạm ở Hải Phòng chia làm 3 giai đoạn với những cấp độ khác nhau. Ngoài giai đoạn đầu (thập niên 70 – 80) với những băng cướp manh động thì từ thập niên 80 – 90, tội phạm xuất hiện với những ổ nhóm khét tiếng như Cu Nên, Dung Hà, Lâm già… tranh giành khốc liệt với nhau để cát cứ địa bàn, lĩnh vực bảo kê.

Từ đầu những năm 2000 tới nay, tội phạm hình sự đã bước sang một thời kỳ mới với sự tinh vi, phức tạp hơn nhiều, là thời của những “giang hồ cổ cồn trắng”. Chúng núp bóng doanh nghiệp, mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Theo Đại tá Thắng, khi tội phạm có tổ chức hình thành và ngày càng tinh vi, chúng sẽ tìm cách móc nối, kết hợp làm ăn và có sự ăn chia với các lực lượng quản lý. Khi hội tụ đủ những yếu tố nêu trên, nhóm tội phạm trên sẽ trở thành những tổ chức mafia như đã hình thành ở một số nước.

“Những tên tội phạm hình sự sừng sỏ thường rất thông minh, chúng có mối quan hệ rộng và có điều kiện tìm hiểu về những kẽ hở của pháp luật để lợi dụng”, Đại tá Thắng chia sẻ và kể câu chuyện về một “trào lưu” âm thầm trong giới anh chị đất Cảng mà cảnh sát hình sự Hải Phòng là đơn vị đầu tiên phát hiện, triệt xóa.

Lợi dụng chính sách của Nhà nước khi không kết tội hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người bị bệnh tâm thần, nhiều dân “anh chị” ở đất Cảng từ hàng chục năm trước đã giả tâm thần, đi điều trị để có được tấm giấy chứng nhận tâm thần. Khi “có chuyện”, họ trưng tấm “kim bài” này ra đối phó.

Để có thể chứng minh, kết tội nhóm đối tượng này, lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, năm 2013, anh đã chỉ đạo tập trung điều tra xử lý các đối tượng lưu manh, côn đồ sử dụng hồ sơ bệnh nhân tâm thần giả để trốn tránh xử lý trước pháp luật, bắt 3 đối tượng đưa ra truy tố trước pháp luật.

Giải tán bữa tiệc quy tụ 500 giang hồ cộm cán

Đại tá Lê Hồng Thắng đã trực tiếp thụ lý, phá cả nghìn vụ án, nhưng lần chặn đứng bữa tiệc quy tụ 500 giang hồ máu mặt ở đất Cảng lại để lại trong anh nhiều cảm xúc.

Ngày 3/8/2015, anh nắm được thông tin 24 đối tượng thuộc diện “anh, chị” gửi thư mời các đối tượng cộm cán trong nước và nước ngoài tới dự tiệc để đón một “đại ca” được đặc xá tha tù tại Đồ Sơn vào ngày 6/9.

Bữa đại tiệc dự kiến tổ chức tại một sân khấu ngoài trời với khoảng 500 khách, hầu hết là đối tượng trong giới giang hồ Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Anh, Canada. Đây cũng là cơ hội để một số kẻ lợi dụng thanh toán lẫn nhau, dằn mặt các băng nhóm khác để được suy tôn “lên sao, lên số”.

Sau nhiều phương án đưa ra nhưng chưa đủ sức để buổi tiệc phải dừng lại, cuối cùng, anh phải thực hiện phương án đấu tranh trực tiếp với nhóm cầm đầu. “Bọn chúng thề, nếu tôi không dừng lại, chúng sẽ cho nổ mìn ở nhà tôi, ám sát tôi và bắt cóc con trai tôi… Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng xuất hiện vài người lạ mặt”, anh kể.

Sáng 6/9 – ngày diễn ra bữa tiệc, một mặt anh yêu cầu các trinh sát theo sát từng đối tượng, mặt khác tiếp tục đối thoại, thuyết phục. Cuối cùng, các đối tượng đành chấp nhận hủy bữa đại tiệc.

Hồng Anh

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm về đích trước hạn được xem điểm sáng ở lĩnh vực giao thông trong bối cảnh nhiều dự án trọng điểm chậm trễ kéo dài.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang – Cam Lâm dài hơn 49 km, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Đây là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian xây dựng 2 năm.

Trước đó, trong dịp Tết đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang – Cam Lâm, thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án.

Tại đây, Tập đoàn Sơn Hải đã có báo cáo cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng. Đồng thời, Tập đoàn Sơn Hải cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi.

Nói là làm, ngày 20/4, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị cho phép tổ chức lễ hoàn thành Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm vào cuối tháng 5, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu và cam kết bảo hành 10 năm.

Tiến sỹ Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân (Tập đoàn Sơn Hải góp hơn 2.600 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến dự án đẩy nhanh tiến độ.

Lý giải dự án vượt tiến độ đề ra, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cho biết thời điểm ký hợp đồng dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên đơn vị có sự chuẩn bị từ trước, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại nên dự án sớm về đích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang – Cam Lâm

Việc hoàn thành đưa vào thông xe sớm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp. Đặc biệt, trong thời thời điểm hiện tại Khánh Hòa đang bước vào cao điểm mùa du lịch, lượng khách di chuyển đến và đi rất lớn.

Thực tiễn phát triển đã minh chứng “đại lộ sinh đại phú”, đường mở đến đâu, dân giàu đến đó. Hạ tầng giao thông đang được tập trung cải thiện, trong đó việc hoàn thành cao tốc Bắc – Nam phía Đông và mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, là bệ phóng đưa đất nước tiến đến hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Và kết quả của thịnh vượng, hùng cường, chính là người dân được no ấm, được hạnh phúc, sung túc hơn.

Trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc mang tinh thần đại lộ sinh phú quý. Thủ tướng rất nhiều lần chỉ đạo và đốc thúc các  Phó Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải. Mới đây nhất là Công điện số 194, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nhất quán phương châm việc triển khai các dự án đường cao tốc là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.


Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.