Ủy Hội quốc tế Hoa Kỳ về tôn giáo (USCIRF) vừa qua đã đưa ra những nội dung về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nhưng hoàn toàn phản ánh sai lệch, xuyên tạc với tình hình thực tế. Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam được nhìn nhận và đánh giá dựa trên các yếu tố pháp luật, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, được xây dựng dựa trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm, chính sách đúng đắn về vấn đề này và khẳng định: tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân (nguồn ảnh: Vietnamplus)
Bảo đảm các quyền tự do về tôn giáo, khẳng định vị thế của một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo
Trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta chỉ ra rằng, chúng ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật.
Văn kiện Đại hội XI tiếp tục khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.
Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, khẳng định: “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm” http://ictvietnam.vn/danh-gia-va-trao-doi/ly-luan/quan-diem-cua-dang-cong-san-viet-nam-ve-ton-giao-trong-van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-va-mot-so-van-de-dat-ra.htm và “Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Hiến pháp năm 2013 cũng đã kế thừa và sửa đổi, bổ sung quy định của các bản Hiến pháp trước đó về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI ngày 18-11-2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, thể chế Hiến pháp về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Những giá trị về tinh thần được ghi nhận trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục khẳng định Việt Nam là một trong những nước tiên phong bảo đảm các quyền tự do về tôn giáo, khẳng định vị thế của một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo. Đặc biệt lần đầu tiên ghi nhận người bị buộc tội, người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tín ngưỡng, tôn giáo. Đây chính là giá trị nhân văn của Nhà nước XHCN, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Nhà nước không chỉ quy định cho mọi người có quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo mà có tự nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền đó, đồng thời quy định các biện pháp nhằm bảo đảm quyền được thực thi trong đời sống thực tiễn.
Trong đó, đối với bất kỳ vi phạm nào làm ảnh hưởng tới quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, quyền bảo hộ của Nhà nước đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo có thể bị truy cứu trách nhiệm, tùy theo mức độ vi phạm mà truy cứu trách nhiệm vật chất và trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt đối với tội “Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác” gồm cải tạo không giam giữ đến 1 năm, phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Thực thi bảo đảm quyền tự do về tôn giáo ở Việt Nam
Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Tháng 8-2018, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động. Hai tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký.
Ngoài ra, hàng ngàn điểm nhóm Tin lành được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo tại các địa điểm hợp pháp. Theo số liệu được thống kê từ Ban tôn giáo của Chính phủ, Việt Nam có 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Từ năm 2015-2017, Việt Nam đã cho thành lập mới năm cơ sở đào tạo tôn giáo gồm: Học viện Công giáo, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện Truyền giáo Cao Đài, Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc.
Tính đến năm 2017, tổng diện tích đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng là 14.850ha, thuộc 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo. Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học, tỉnh Thừa Thiên-Huế giao 20ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng... Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập trên 450 cơ sở y tế, 270 trường mầm non, 1.000 nhóm, lớp mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ (năm 2017). Tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm. Tính đến hết ngày 30-6-2018, tại Tây Bắc, 693 điểm nhóm Tin lành và tám Hội thánh cơ sở đã được thành lập. Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tập trung của người dân tộc thiểu số như Hội Liên hữu Baptist Việt Nam, Hội thánh Lutheran, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm Việt Nam và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm Việt Nam...
Với phương châm, hành động của Chính phủ trong năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và từ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao chất lượng thực hiện công tác nghiệp vụ tôn giáo trong tình hình mới.
Ngành chủ động phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong tham mưu đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn giáo phức tạp. Tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các cơ chế diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta hãy lắng nghe những lời thoại, những bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị chức sắc tôn giáo để phủ định một hành động thiếu căn cứ của Ủy hội quốc tế Hoa Kỳ về tôn giáo (USCIRF) đã công bố bản phúc trình có tính xuyên tạc về quyền tự do tôn giáo của Việt Nam vào ngày 29-4-2019 tại Washington DC sau đây:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại lễ VESAK năm 2019 khẳng định rằng Phật giáo là tôn giáo có lịch sử từ lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa truyền thống và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, với tấm gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ hào quang của ngôi vương cao quý, niềm kiêu hãnh anh dũng chiến thắng ngoại xâm, Ngài đã đến với chân lý anh minh, từ bi, hỷ xả của giáo lý Phật giáo và hành đạo cứu giúp muôn dân. Nối tiếp truyền thống, trong nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, thể hiện rõ ý chí hòa hợp, đoàn kết và thống nhất, khẳng định ví trí, vai trò, góp phần xây dựng đất nước.
Còn linh mục Tôma Vũ Quang Trung, SJ đang giữ trách vụ Đại diện Giám mục Đặc trách Tu sĩ Tổng Giáo phận Sài Gòn cho biết: Khoảng 15 năm nay, nhiều dòng tu từ nước ngoài tìm đến Việt Nam. TP Hồ Chí Minh hầu như là nơi các hội dòng đặt chân đến đầu tiên. Có nhiều lý do để các dòng tu chọn đến thành phố này. Trước hết, đây là trung tâm lớn nhất so với cả nước về kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa và là nơi tập trung đủ mọi loại hình hoạt động và phục vụ đa dạng nhất nước.
Đây cũng là nơi có nhiều hoạt động mang tính quốc tế nên có bầu khí cởi mở và đối thoại, gặp gỡ giao lưu với nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Tương quan giữa Giáo hội địa phương và chính quyền thành phố cũng diễn ra trong bầu khí hiểu biết, tôn trọng đối thoại và cộng tác lẫn nhau nên các hội dòng mới đến cũng được chính quyền dễ dàng đón nhận và cho phép hoạt động.
So với 5 năm trước đây, con số các hội dòng tại Tổng giáp phận (TGP) Sài Gòn tăng từ 193 lên đến 262 hội dòng, nghĩa là tăng thêm 69 hội dòng mới. Số tu sĩ tăng từ 6.304 lên đến 8.804, trong đó, số linh mục dòng tăng từ 463 lên đến 602 vị.
Các tu sĩ có đặc sủng và linh đạo riêng theo các vị sáng lập nên có rất nhiều hoạt động tông đồ đa dạng. Phần nhiều các hội dòng mới là các dòng có linh đạo truyền giáo ngang qua các hoạt động phục vụ xã hội, y tế và giáo dục, chăm lo cho người nghèo, khuyết tật, bệnh nhân, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, phụ nữ lỡ lầm, người già neo đơn, người nhiễm HIV-AIDS…
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak LHQ cho rằng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới. Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây để nêu lên những vấn đề quan ngại và ý kiến theo quan niệm của Phật giáo để mang lại hòa bình, phát triển cho thế giới.
Còn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng ban thường trực BTC Đại lễ Vesak 2019 nói rằng, tiếp nối truyền thống 2000 năm, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh. Không chỉ bằng những buổi thuyết pháp đạo Phật, GHPGVN đã, đang và sẽ luôn tích cực tham gia hoạt động từ thiện để lan tỏa tình yêu thương, từ bi, bác ái đến chúng sinh… Cũng chính từ việc làm đã chạm vào trái tim hướng thiện, lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả của Phật giáo đến con người.
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Khả năng bảo đảm quyền tự do tôn giáo của các quốc gia không giống nhau. Mỗi quốc gia lựa chọn phương thức bảo đảm sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như pháp luật, truyền thống của mỗi dân tộc. Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại nếu có sự khác biệt về nhận thức, chính kiến tư tưởng tôn giáo và Việt Nam luôn là đất nước tôn trọng sự phát triển của các tôn giáo về tổ chức, cơ sở vật chất, giáo lý.
Một điều khẳng định rằng, bất kỳ hành động nào lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích cộng đồng đều bị ngăn chặn, lên án, nếu mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Đại tá, PGS.TS Phạm Quang Phúc