Cần hiểu đúng bản chất dự án một liên kết hợp tác của Trại giam Xuyên Mộc

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, Giám thị Trại giam Xuyên Mộc (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an), thời gian qua có một số ý kiến chưa hiểu đầy đủ về việc trại liên kết hợp tác với một công ty tư nhân để trồng cỏ và chăn nuôi trâu, bò thịt… trên một phần đất của trại.

Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, Giám thị Trại giam Xuyên Mộc (đóng quân tại ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết cách đây gần 5 năm, trại có tiến hành liên kết hợp tác với Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (Công ty A.K.K) để trồng cỏ và chăn nuôi trâu, bò thịt… trên một phần đất của trại. 

Việc này xuất phát từ thực tế diện tích đất phi nông nghiệp hiện trại đang quản lý; số đất này chủ yếu là đất khô cằn, chai sạn, sỏi đá, bạc màu... Khu vực này giáp ranh với khu dân cư xã Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai, định cư trái phép thường xuyên vào khu vực trại để lấn chiếm, canh tác trái phép, đi lại dễ gây mất an ninh, an toàn trại giam.

Một phần khu đất hợp tác kinh doanh của Trại giam Xuyên Mộc với Công ty A.K.K.

Do đó, tại cuộc họp thường kỳ ngày 18-1-2014, Đảng ủy Trại giam Xuyên Mộc đã thống nhất để khoảng 100ha vùng giáp ranh liên doanh với Công ty A.K.K để trồng cỏ, chăn nuôi bò, đồng thời tạo đường ranh bao bọc xung quanh trại để bảo vệ đất và an toàn trại. Thời hạn liên doanh là 20 năm, với giá trị 7 triệu đồng/năm/ha, số tiền này được thanh toán hằng năm. Số đất còn lại để trồng rừng chủ yếu là cây tràm, bạch đàn để bảo vệ đất.

Theo tìm hiểu của PV, khu đất 100ha một phần lớn bỏ hoang lâu năm, một phần được trại cho trồng điều, tràm từ năm 1978. Và sau khi trồng xong, đến khi thu hoạch, trại mới giao lại cho một số cán bộ quản lý, chăm sóc, thu hoạch và nộp sản phẩm lại cho trại. Trong số này, có 11 cán bộ được trại ký hợp đồng, sau đó có 9 người khi hết hợp đồng 5 năm, trại đã làm thủ tục và biên bản thu hồi lại để bàn giao cho bên liên kết. 

Còn lại hai cán bộ quản lý khoảng 27ha, trong đó có ông N.Đ.H, là cán bộ quản giáo của trại, được giao hơn 6ha - trồng 3ha điều và hơn 3ha tràm (ngoài ra, ông H. còn khai hoang một khu đất bỏ không của trại để trồng điều và tràm với diện tích trên 10ha). Sau khi có kế hoạch và triển khai dự án năm 2014, trại và Công ty A.K.K đã làm thủ tục kết thúc hợp đồng và đền bù gồm công khai phá, hỗ trợ công sức, tiền thuê máy để khai hoang và giống cây là 150 triệu đồng. 

Khoản tiền này đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông N.Đ.H và cán bộ này cũng không có ý kiến gì từ đó (năm 2014) cho đến nay. Gần đây ông H. lại tỏ ra bức xúc về việc này, cho rằng trại chưa hỗ trợ đền bù thỏa đáng cho ông. Lãnh đạo Trại giam Xuyên Mộc cho rằng mọi thủ tục và số tiền đền bù giữa hai bên đã được thực hiện trước đó nên giờ, không có cơ sở nào để có thể thực hiện theo ý muốn của ông H.

Về thực hiện chủ trương liên kết, ngày 4-1-2014, Giám thị trại với Công ty A.K.K đã hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đến ngày 18-2-2014, Trại tổ chức bàn giao 100ha đất cho Công ty A.K.K. Tiếp đó, vào ngày 29-9-2014, hai bên ký hợp đồng hợp tác liên kết xây dựng trang trại trồng cỏ và chăn nuôi trâu bò.

Việc liên kết kinh doanh đã giúp trại đạt được mục đích của mình nhanh hơn và thu về khoản kinh phí đáng kể - mỗi năm 700 triệu đồng - nộp về cho Nhà nước để phân bổ các khoản đúng theo quy định. Ngoài ra, việc liên kết hợp tác này còn tạo ra việc làm cho phạm nhân nhằm phục vụ công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân.

Đến 15-7-2014, lãnh đạo Tổng cục VIII đã có văn bản đồng ý chủ trương cho trại được hợp tác với Công ty A.K.K. Tiếp đó, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị tạo điều kiện để Trại giam Xuyên Mộc được sử dụng 100ha đất hiện trại đang quản lý sử dụng để liên kết với Công ty A.K.K thực hiện dự án. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý với đề nghị này.

Ông Đoàn Văn Thắng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc,  cho biết sau khi triển khai dự án, Công ty A.K.K đã tiến hành cải tạo đất, đào các kênh mương nhỏ để thoát nước, chống ngập úng, mở rộng con đường chính vào khu đất và làm các con đường dân sinh, giúp cho hơn 1.000 nhân khẩu trong khu vực đi lại dễ dàng hơn, các cháu nhỏ đi học thuận lợi hơn; nhất là Công ty A.K.K còn cho lắp đặt đường điện, giúp người dân được kéo điện để sử dụng bởi hàng chục năm trước đó khu vực này không có điện; đồng thời dự án cũng giúp hàng trăm người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, cải thiện được cuộc sống…

Phú Lữ/CAND
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.