Xã hội loài người đã chứng kiến ít nhất 4 dạng quyền lực cơ bản: thần quyền, vũ quyền, tài quyền và trí quyền… Nhưng giờ là lúc loài người đối diện với một dạng quyền lực mà chỉ khoảng 15 năm trước, họ chưa từng nghĩ đến: Facebook quyền!
Có vẻ loài người vẫn đang loay hoay, bối rối trong việc ứng xử với loại quyền lực rất mới này và nếu không sớm giải quyết được bài toán này, rất có thể loài người sẽ phải đối diện với những hỗn tạp khó đoán trong tương lai.
thần quyền xuất hiện trong những cộng đồng người nguyên thủy đầu tiên và có sức sống dẻo dai đến tận bây giờ. Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học, sức mạnh của thần quyền giảm dần theo thời gian.
Năm 1752, khi nhà khoa học Franklin thả một con diều có gắn thanh sắt nhỏ lên trời để cố chứng minh hiện tượng sấm sét không phải là một hiện tượng thần linh mà là một hiện tượng khoa học thì ông đã bị những nhà thần học phản ứng dữ dội. Họ bảo, cố chứng minh như vậy là xúc phạm chúa trời và có thể khiến các vị thần nổi giận. Nhưng hai cha con Franklin vẫn dũng cảm làm và nhờ thế phát hiện ra hiện tượng tụ điện trên thanh sắt.
Cha con Franklin kết luận: chẳng có thần linh bí ẩn nào cả, sét đánh là hiện tượng vật lý và nhờ lời khẳng định này mà loài người bắt đầu biết cách chống sét bằng những cột thu lôi. Nhiều người bảo: những nhà khoa học như Franklin chính là những người đầu tiên tước đoạt quyền lực của các vị thần. Họ cũng chính là những người khiến thần quyền rớt giá.
Khác với thần quyền, vũ quyền – tức là quyền lực vũ trang – không được xây dựng trên cơ sở của những niềm tin thần bí mà trên cơ sở của giáo gươm, súng đạn. Khi bộ tộc này va chạm với bộ tộc khác, bộ tộc nào có nhiều vũ khí sát thương hiểm hóc hơn, bộ tộc ấy dễ giành phần thắng.
Cá lớn nuốt cá bé, cộng đồng lớn nuốt cộng đồng bé, nước lớn nuốt nước bé – tiêu chí cơ bản nhất và quan trọng nhất tạo nên những cuộc “nuốt chửng” trong cả ngàn năm Trung cổ của loài người chính là quyền lực vũ trang.
Những cuộc va chạm giữa các nước thực dân phương Tây có một hệ thống vũ trang tối tân, một lực lượng quân đội hùng mạnh với những nước châu Á cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu ở cuối thế kỷ 19 là minh chứng điển hình cho sức mạnh của vũ quyền.
Nếu thần quyền tạo nên sức mạnh đặc biệt của những thầy tư tế và giáo hội thì vũ quyền tạo nên chủ nghĩa đế quốc. Nhưng khi chủ nghĩa đế quốc bị khai tử và những cuộc chiến tranh cổ điển dần được thay thế bằng những cuộc chiến tranh quy ước thì loài người nhận ra sức mạnh của một loại quyền lực mới: quyền lực tài chính (tài quyền).
Trong một thế giới đa phương, nơi mà chỉ số GDP được tất cả các quốc gia coi trọng, nơi mà ai nắm được ưu thế về kinh tế có thể tạo ra những tác động tối quan trọng về chính trị thì việc xây dựng, sở hữu và sử dụng tài quyền là một yếu tố tối quan trọng của phát triển.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các đòn tài chính không ngừng được ném về phía nhau khiến thế giới nhận ra sự sát thương khủng khiếp của những cuộc va chạm tài quyền. Ai thắng, ai thua trong những cuộc chiến quy ước như thế này?
Nếu chiến tranh cổ điển với những giới tuyến rành mạch luôn dẫn đến kết cục kẻ thắng người thua thì những cuộc chiến thương mại với những mối quan hệ quốc tế chằng chịt giữa các quốc gia lại không dễ cho ra một kết quả thắng – thua đơn tính.
Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế Mỹ đã rất có lý khi đưa ra nhận định: Chiến tranh thương mại leo thang, tất cả các bên tham chiến đều thua, chỉ có điều bên nào thua ít, bên nào thua nhiều mà thôi.
Trong giai đoạn tồn tại của thần quyền và vũ quyền, yếu tố trí tuệ luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Phải có trí tuệ mới có thể tạo ra giá trị của cả thần quyền lẫn vũ quyền.
Trong giai đoạn tồn tại của tài quyền thì trí tuệ không chỉ là một yếu tố trong việc tạo ra các kiểu quyền lực mà nó chính thức trở thành một thứ quyền lực mới: trí quyền.
Nhà cổ sử Harari trong cuốn Lược sử loài người đã có những nhận định rất lý thú về sự chuyển hóa từ vũ quyền, tài quyền đến trí quyền: “Ngày nay sự giàu có chủ yếu đến từ nguồn nhân lực, kiến thức, kỹ thuật và cấu trúc kinh tế xã hội phức tạp như ngân hàng. Do đó rất khó để mang đi hoặc sáp nhập chúng vào lãnh thổ nào đó.
Chẳng hạn như ở California, sự giàu có ở đây ban đầu được xây dựng trên các mỏ vàng. Nhưng ngày nay nó được xây dựng trên silicon và phim ảnh – thung lũng Silicon và phim trường Hollywood.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một nước nào đó xâm lược vũ trang California, đổ một triệu binh sĩ lên bãi biển San Francisco và tổng tấn công nội địa? Họ sẽ không kiếm được gì nhiều. Không có mỏ silicon ở thung lũng Silicon. Sự giàu có nằm trong óc của những kỹ sư Google và các bậc thầy kịch bản, đạo diễn và chuyên gia hiệu ứng đặc biệt của Hollywood”.
Sẽ thật liều lĩnh nếu bảo trí quyền có thể tác động, làm thay đổi toàn diện vũ quyền và tài quyền nhưng rõ ràng, trong sự song song tồn tại của cả 4 loại quyền lực thì chưa bao giờ trí quyền cho thấy giá trị ghê gớm của nó như bây giờ.
Nhờ trí quyền, con người tạo ra hàng loạt thiết chế thông minh. Nhờ trí quyền, con người tạo ra hàng loạt cỗ máy, hàng loạt thiết bị, hàng loạt hệ thống kết nối toàn cầu lợi ích.
Mạng xã hội như Facebook chính là sản phẩm của trí quyền. Nhưng đến thời điểm này thì bản thân mạng xã hội có vẻ cũng đang phát triển và dần trở thành một quyền lực mới, chưa từng hiện diện trong bất cứ hình dung nào của loài người 15 năm trước.
Loài người vẫn chưa thống nhất một tên gọi chính thức cho loại quyền lực này nhưng mượn cách gọi của thần quyền – vũ quyền – tài quyền – trí quyền, có thể tạm gọi đấy là Facebook quyền.
Hãy thử tưởng tượng, Facebook bây giờ có tới 2,3 tỷ người dùng và nếu coi đây là một quốc gia thì nó chính là quốc gia có dân số lớn nhất toàn cầu. Người đứng đầu quốc gia đó – ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg đang sở hữu lượng thông tin khổng lồ của 2,3 tỷ “người dân” trong “quốc gia” của mình.
Ở thời đại “Big data” (dữ liệu lớn), nơi mà ai sở hữu nhiều thông tin người có có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong những cuộc đối đầu thì rõ ràng Mark đang có trong tay một siêu quyền lực. Mark biết rõ quan điểm chính trị, xu thế xã hội, xu thế tâm lý, xu thế tiêu dùng… của một tệp khách hàng khổng lồ nhất trong lịch sử loài người.
Về mặt lý thuyết, Mark có thể cung cấp những thông tin này cho một phe nhóm chính trị, tác động tới việc thắng – thua của phe nhóm chính trị đó trong một cuộc bầu cử nào đó. Mark cũng có thể âm thầm bán thông tin này cho một công ty kinh doanh, giúp công ty này hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình, từ đó lên kế hoạch đánh bại đối thủ và đi những bước trơn tru trên hành trình biến “không” thành “có”.
Theo nhận định của Chris Hughes – một trong 3 người đồng sáng lập Facebook với Mark thì quyền lực của Mark hiện nay thậm chí còn vượt mọi quyền lực của các chính phủ, các tổ chức, các quốc gia.
Chính vì vậy Chris Hughes mới đây đã đề xuất phá thế độc quyền của Facebook bằng cách phải chia nhỏ nó thành ít nhất 3 công ty khác nhau – điều mà chắc chắn là rất khó thực hiện khi đặt những “tác hại” của Facebook bên cạnh những ý nghĩa khổng lồ về tính kết nối mà nó đã và đang mang lại.
Nếu như quyền lực Facebook nằm trọn trong tầm điều khiến của Mark thì rất nhiều chính trị gia, các phe nhóm, các đảng phái cũng thừa khôn ngoan trong việc tận dụng nền tảng Facebook để vun đắp những lợi ích riêng của mình.
Qua Facebook, người ta có thể ồ ạt tung tin giả để hạ uy tín của nhóm đối lập. Qua Facebook, người ta có thể tung ra một hệ thống những phát ngôn dân túy, để dễ bề ghi điểm cho mình.
Ở rất nhiều quốc gia, cơ chế tung tin và nhận tin trên nền tảng Facebook đã vượt xa các công cụ truyền tin cổ điển như báo in, phát thanh, truyền hình và cũng vượt qua công cụ truyền tin tối tân nhất là báo mạng.
Ai biết tận dụng Facebook để đánh bại đối thủ và đánh bóng mình, người đó sẽ có lợi thế lớn trên các đường đua. Ai nhận được cái gật đầu của ông chủ Facebook khi đề nghị cung cấp thông tin của một nhóm đối tượng mình quan tâm, người đó sẽ có ưu thế đặc biệt trong việc tác động, thu phục và cảm hóa nhóm đối tượng này.
Nếu vũ quyền và tài quyền trong rất nhiều trường hợp là những quyền lực có thể dễ dàng nhận diện, trí quyền trong một số trường hợp cũng có thể nhận diện thì Facebook quyền lại mang màu sắc của những quyền lực trong bóng tối. Ứng xử với những quyền lực trong bóng tối luôn khó khăn hơn nhiều so với những quyền lực có thể nhận diện bằng thị giác.
Sự vận động mang tính bản lề từ thần quyền đến vũ quyền đòi hỏi những thay đổi mang tính nền tảng về nhận thức. Sự vận động từ trí quyền đến Facebook quyền cũng đòi hỏi những thay đổi nền tảng như vậy.
Nhưng có vẻ như loài người vẫn chưa kịp tạo ra những thay đổi này nên loài người vẫn đang có những dấu hiệu hoang mang, bối rối trong việc ứng xử với nó. Tất cả các loại quyền lực nếu không được kiến tạo ở trạng thái cân bằng và kiểm soát lẫn nhau luôn có thể dẫn đến những hệ luỵ khôn lường.
Phải làm thế nào để cân bằng và kiểm soát Facebook quyền?
Phải làm thế nào để có thể sống hòa bình với sự hiển hiện bất ngờ và đầy choáng váng của một loại quyền lực thứ 5?
Đấy sẽ là một trong những bài toán khó nhất của loài người, trong thế kỷ này!
(Theo Công An Nhân Dân)