Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) đang là một trong những xung lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế quốc gia.
Khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế
Năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình hội nhập KTQT của Việt Nam. Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, đang đàm phán và chuẩn bị phê chuẩn, Việt Nam hứa hẹn trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới. Đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đã chủ động tiến hành đàm phán lại các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hình thành hiệp định mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Năm 2018, Hiệp định CPTPP được ký kết và phê chuẩn. Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy FTA với Liên minh châu Âu (EU), đã hoàn thành quá trình rà soát pháp lý. Đây là cơ sở cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định này trong thời gian tới. Việt Nam cũng ký FTA và Hiệp định Đầu tư ASEAN-Hồng Công (Trung Quốc); tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội (tháng 9-2018); thúc đẩy để cùng các nước ASEAN và các nước đối tác phấn đấu hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực với 6 nước đối tác, tiếp tục đàm phán FTA với Israel và FTA với khối EFTA (gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ)…
Hà Nội với cơ sở hạ tầng đồng bộ đang là một trong địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân (Hà Nội) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Hải.