Ngày 24-2-1848, cách đây vừa đúng 171 năm, tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo được công bố trước toàn thế giới.
Kể từ khi ra đời, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trở thành cương lĩnh chính trị, ngọn cờ cách mạng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới.
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời là bước ngoặt quyết định đối với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của Chủ nghĩa Marx, bao gồm 3 bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Những nguyên lý được Karl Marx và Friedrich Engels đưa ra trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng loài người vĩnh viễn thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp, bảo đảm cho loài người được thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Đúng như V.I.Lenin đã nói: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh”.
Karl Marx và Friedrich Engels là những người đã soạn thảo tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng, kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa những nguyên lý cách mạng do tuyên ngôn đề ra. Từ chủ trương đoàn kết giai cấp của Chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên chiến lược đoàn kết của cách mạng Việt Nam và nhấn mạnh chiến lược này phải được thực thi trong quy mô: Toàn Đảng, toàn dân tộc và quốc tế. Trong phạm vi toàn Đảng và toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đại đoàn kết toàn dân, tức là không phân biệt giai tầng, giới, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, đảng phái... Trong phạm vi quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng ở việc đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức như Karl Marx và Friedrich Engels, V.I.Lenin chủ trương mà còn đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, kể cả nhân dân các nước đang tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phẩm chất đầu tiên cần có của người cộng sản là sự trung thành với lý tưởng, càng trung thành thì càng phải đổi mới, sáng tạo. Mặt khác, sáng tạo đến đâu cũng không được phép rời xa mục tiêu, lý tưởng và những nguyên tắc làm nên bản chất của Chủ nghĩa Marx-Lenin. Với tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tiếp thu một cách sáng tạo những luận điểm cơ bản, thích hợp trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", phát triển nó thành tư tưởng của mình, thành đường lối của Đảng và kiên trì thực hiện đường lối đó trong thực tế. Bằng cách đó, Người đã làm giàu cho tuyên ngôn và mang lại cho tuyên ngôn một sức sống mới.
Dưới sự soi sáng của tư tưởng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực của đất nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhìn lại chặng đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 89 năm qua, đặc biệt là những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"; từ đó chủ động, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp những nguyên lý nền tảng của tuyên ngôn vào điều kiện cụ thể đất nước, xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.
PHƯƠNG LINH