Từ ngày 27 đến 28-2 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Việc được chọn làm nơi tổ chức một hội nghị mà cả thế giới đặc biệt quan tâm không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để đưa hình ảnh một nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Vì sao là Việt Nam?
Tại buổi họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, sáng 25-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Hội nghị lần này là sự kiện quốc tế quan trọng, nhận được sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia cũng như người dân trong khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, dư luận quốc tế đều đánh giá cao và cho rằng Thủ đô Hà Nội là địa điểm phù hợp, có ý nghĩa để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này. Trước hết là bởi Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn cũng như những chuyến thăm của lãnh đạo các nước. Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, về hội nhập quốc tế của Việt Nam trong nhiều năm qua nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng là quốc gia có mối quan hệ hợp tác tốt với cả hai đối tác Mỹ và Triều Tiên.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Ảnh: TTXVN.
Vì lẽ đó, lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam và TP Hà Nội xác định, mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này là công tác đột xuất, song lại là hoạt động đối ngoại có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019. Những ngày gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp có nhiều buổi làm việc với các địa phương, bộ, ngành và trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các khâu chuẩn bị cho sự kiện.
“Việt Nam rất mong muốn đóng góp trực tiếp vào quá trình đối thoại hòa bình, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và đối thoại quốc tế. Cũng qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà của Cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn giới thiệu về những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong những năm qua, giới thiệu về đất nước Việt Nam và Thủ đô Hà Nội”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Nếu như các nội dung của hội nghị do lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên quyết định, thì phần việc của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng là làm tốt công tác tổ chức, cụ thể là bảo đảm an ninh, hậu cần, lễ tân và các mặt khác để tạo không khí thuận lợi nhất cho hội nghị đạt kết quả tích cực.
Việt Nam chỉ có khoảng 10 ngày để làm mọi mặt công tác chuẩn bị phục vụ hội nghị, trong khi khối lượng công việc rất nhiều, từ bảo đảm an ninh, cơ sở vật chất hạ tầng, thông tin truyền thông, lễ tân đến bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế… Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, với nỗ lực ở mức cao nhất, đến nay, mọi mặt công tác chuẩn bị cho hội nghị đã hoàn tất.
Đến Hà Nội, phóng viên quốc tế là người nhà!
Chia sẻ tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có gần 3.000 phóng viên quốc tế thuộc hơn 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Trong đó, phía Việt Nam có gần 550 phóng viên.
Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, sáng 25-2. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị rất ít nên cơ sở hạ tầng dành cho báo chí gần như phải chuẩn bị từ đầu. Trong mấy ngày qua, các cán bộ, kỹ thuật viên đã phải làm việc gần như 24/24 giờ không nghỉ để kịp đưa Trung tâm Báo chí quốc tế vào hoạt động. Trung tâm Báo chí quốc tế của hội nghị đặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị trên đường Trần Hưng Đạo với hệ thống wifi tốc độ cao, cùng với đó là gần 1.500 điểm truy cập internet cố định. Ngoài ra, tại đây còn được lắp đặt thêm hơn 30 trạm phát sóng 2G, 3G và 4G.
Được biết, trong suốt quá trình tác nghiệp tại Hà Nội, giới truyền thông quốc tế không mất bất cứ chi phí gì, từ đồ ăn, thức uống tới internet… TP Hà Nội cũng bố trí 4 chiếc xe buýt hai tầng để phục vụ phóng viên di chuyển từ Trung tâm Báo chí quốc tế tới các địa điểm khác. Nếu có nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng tại thành phố, phóng viên chỉ cần xuất trình thẻ sự kiện của hội nghị sẽ được miễn phí.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn, cùng với quá trình tác nghiệp thành công, các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cảm nhận được tình cảm nồng ấm, thân thiện của Việt Nam. Và khẩu hiệu dành cho các phóng viên quốc tế, đó là: Đến Hà Nội, các bạn sẽ được coi như người nhà.
An ninh là ưu tiên số một
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, song đây là lần đầu tiên được chọn tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai quốc gia. Và cũng giống như các sự kiện trước đây, công tác bảo đảm an ninh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Khung cảnh thanh bình với cờ và hoa tươi được trang trí trước khu vực Nhà hát Lớn (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Để bảo đảm an ninh cho hội nghị lần này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị ở Trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng và lực lượng an ninh của Mỹ, Triều Tiên bảo đảm an toàn tuyệt đối trên các tuyến đường và các điểm lưu trú. Các đoàn tiền trạm an ninh của Mỹ, Triều Tiên đều đánh giá tốt và cảm ơn Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh cho sự kiện quan trọng này.
Còn theo chia sẻ của Thứ trưởng Lê Hoài Trung, mỗi nước đều có một truyền thống riêng, và nét đặc sắc trong công tác bảo vệ an ninh ở Việt Nam đó là vừa bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất, vừa có sự mềm mại. Điều đó sẽ giúp các đại biểu tham dự hội nghị cũng như các phóng viên quốc tế cảm thấy yên tâm, thoải mái trong những ngày lưu lại Hà Nội.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội được nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" của UNESCO. Chính quyền, người dân TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang làm tất cả những gì có thể để đóng góp cho hội nghị, để xứng đáng với sự vinh danh đó.
Công an TP Hà Nội tổ chức ra quân thực hiện kế hoạch bảo đảm giao thông, an ninh trật tự cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Sáng 25-2, Công an TP Hà Nội tổ chức lễ ra quân thực hiện kế hoạch bảo đảm giao thông, an ninh trật tự cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại lễ ra quân, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, tạo hình ảnh đẹp, gần gũi, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế và các tầng lớp nhân dân; tận tụy, sáng tạo trong công tác; mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, có hiệu quả với các lực lượng, góp phần bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho hội nghị. Đặc biệt, trong đợt ra quân lần này, Công an TP Hà Nội triển khai xe bọc thép tăng cường an ninh trên toàn thành phố. Trung đoàn Cảnh sát cơ động cử 1.000 chiến sĩ tham gia bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngoài lực lượng công an, các lực lượng của quân đội cũng ngày đêm làm nhiệm vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hội nghị. |
ANH VŨ - LINH OANH