Lịch sử Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ 20 đến nay đã đánh dấu nhiều mốc son chói lọi, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là các sự kiện dân tộc ta đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thống nhất đất nước và nay đang thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Tiếp nối bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng qua 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển, Đảng đã khẳng định vị thế, vai trò và tầm vóc to lớn về năng lực lãnh đạo, cầm quyền; lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Vì thế, nhân dân ta đặt niềm tin tuyệt đối về khát vọng phát triển đất nước do Đảng đề xướng và lãnh đạo. Phấn đấu đến năm 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực hóa khát vọng của nhân dân ta, dân tộc ta, Đảng chủ trương: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể:
Một là, phát huy dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Dân chủ là giá trị, là động lực phát triển xã hội văn minh, tiến bộ. Vì thế, mọi hoạt động của Đảng ta đều dựa trên nền tảng dân chủ và hướng tới mục tiêu dân chủ. Khi dân chủ trong Đảng được phát huy, sẽ thúc đẩy tiến trình đổi mới hệ thống chính trị và quá trình dân chủ hóa đất nước.
Theo đó, phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" sẽ được thực hiện đầy đủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, Đảng luôn chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật gắn với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; thật sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Hai là, tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Phát huy dân chủ và tăng cường kiểm soát quyền lực là hai vấn đề chính trị cơ bản của Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Nếu mất dân chủ, hoặc dân chủ hình thức sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực, ngược lại khi quyền lực bị tha hóa thì dân chủ chỉ là hình thức.
Trong các bài nói và viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải quán triệt và thực hiện tốt chức trách và công việc được giao, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện: Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng. Nếu lãnh đạo chỉ thiên về quyền lực "Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm", là đồng nghĩa với lãnh đạo thiếu văn hóa.
Để thực hiện tốt nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, để quyền lực không bị tha hóa thì phải kiểm soát được quyền lực; phải nhốt quyền lực trong "lồng cơ chế" - là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Nhân dân phải là chủ thể kiểm soát quyền lực, thật sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình.
Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Đó là bài học có tính quy luật được chắt lọc từ thực tiễn cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc giành và giữ chính quyền trước đây, trong khát vọng phát triển đất nước ngày nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.
Hoàn thiện cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết và các nội dung lãnh đạo của Đảng.
Trong tiến trình lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, Đảng chủ trương gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, lấy phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục-đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc./.
Thượng tướng TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng - Nguồn: nhandan.vn