Đến hẹn lại lên, cứ thời điểm hết năm cũ chuyển sang năm mới là các trang mạng phản động lại rêu rao cáo buộc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trong suốt cả năm đó. Mới đây, trên trang VOA đăng tải bài viết có tựa đề: “Việt Nam vi phạm nhân quyền ‘trầm trọng’ trong năm 2019”. Tưởng tổ chức nào khẳng định vấn đề này, hóa ra là lời tự nhận xét của các đối tượng chống đối ở trong nước hoặc mấy anh chị dân chủ đã nhanh chân trốn ra nước ngoài tị nạn chính trị. Có thể kể đến vài cái tên tiêu biểu như Phạm Đoan Trang, Vũ Quốc Ngữ, Nguyễn Văn Đài,…
Phát biểu trên đài phản động, Phạm Đoan Trang cho rằng: “Tôi biết rằng Việt Nam là một đất nước khủng khiếp trong việc kiểm soát báo chí, xuất bản, nói chung là kiểm soát truyền thông… từ tinh vi đến thô bỉ”; trong khi đó, dân chủ Thái Văn Đường, kẻ đang trốn chạy tại Thái Lan cũng mạnh miệng khẳng định rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam gần như là muốn bịt đường tự do ngôn luận, bịt thông tin đa chiều, tức là đàn áp tự do ngôn luận. Ở Việt Nam họ không muốn có thông tin đa chiều, thông tin độc lập.” Căn cứ để mấy anh chị này khẳng định Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền đó là do theo họ, số lượng các tù nhân liên quan đến chính trị bị bắt giữ ngày càng tăng, cụ thể “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hiện tại Việt Nam có đến 130 tù nhân chính trị trong khi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết có đến 12 phóng viên đang bị giam cầm.”
Thưa các anh, các chị dân chủ. Nếu chỉ lấy số liệu mấy đồng đảng các anh chị bị bắt giữ, xét xử như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Viết Dũng,.. để nói lên tình hình dân chủ của Việt Nam thì quả là sai lầm. Bởi lẽ, đây đều là những đối tượng vi phạm pháp luật của Việt Nam, thường xuyên sử dụng mạng Internet để viết, tuyên truyền các bài viết có nội dung xuyên tạc chế độ, đưa thông tin sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam. Việc xử lý các đối tượng này là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, là căn cứ để cơ quan chức năng thực hiện chức năng đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Và sự thật đã thể hiện rằng, chính vì các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng kích động bạo loạn, gây rối nên Việt Nam trở thành một trong những nước có nền chính trị ổn định nhất trong khu vực và thế giới, là cơ sở để chúng ta đạt được các thành tích trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Còn nói về tình hình dân chủ, nhân quyền thực sự. Chúng ta đã đạt được những thành tựu vững chắc về đảm bảo quyền con người.Việt Nam là quốc gia luôn nỗ lực trong bảo vệ quyền, lợi ích cơ bản của con người. Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên tham gia vào Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ủng hộ Cơ chế UPR và luôn nghiêm túc trong triển khai rà soát theo Cơ chế UPR qua ba chu kỳ với tỉ lệ chấp thuận và thực hiện các khuyến nghị luôn ở mức trên 70%, gần đây nhất, tại chu kỳ rà soát lần thứ III (2019), Việt Nam đã chấp thuận 241/291 khuyến nghị (gần 83%). Trong số những khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận và thực hiện theo Cơ chế UPR qua cả 3 chu kỳ, có không ít nội dung liên quan đến hoàn thiện pháp luật về quyền con người trên nhiều lĩnh vực cụ thể. Đây cũng là mảng ưu tiên của Việt Nam trong triển khai các khuyến nghị của UPR mà Việt Nam chấp nhận tại chu kỳ III. Cũng cần nói thêm rằng, tham gia Cơ chế UPR cũng có nghĩa, Việt Nam luôn muốn công khai, minh bạch và luôn thực tâm muốn lắng nghe các chia sẻ, khuyến nghị của thế giới với mong ước cải thiện tối đa điều kiện thực tiễn và pháp lý, giúp người dân Việt Nam có được cuộc sống thật sự tốt đẹp hơn.
Với những minh chứng trên, liệu ai còn nghi ngờ về việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam thời gian qua hay không?
Tiếng Nói Trẻ