Nguyễn Ngọc Già viết bài “Việt Nam nguy cấp”. Đọc toàn bộ nội dung bài viết của Nguyễn Ngọc Già, tác giả nhận thấy nổi nên 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất, đó là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, kích động của Nguyễn Ngọc Già nhằm gây nghi ngờ trong xã hội về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Vấn đề thứ hai, Nguyễn Ngọc Già cố tình phủ nhận chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
1. Nguyễn Ngọc Già cho rằng, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam nguy cấp. Đây là điều suy diễn, áp đặt mang tính chủ quan của Nguyễn Ngọc Già. Chúng ta biết rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, bất kỳ một biến động của quốc gia nào, đều có thể tác động, ảnh hưởng đến quốc gia khác. Song, không vì thế mà nguy cấp như sự áp đặt chủ quan của Nguyễn Ngọc Già. Hơn nữa, càng không thể ví Việt Nam, một quốc gia có độc lập chủ quyền, có bề dầy truyền thống trong đấu tranh dựng nước, giữ nước với đặc khu hành chính của một quốc gia khác. Không chỉ suy diễn, áp đặt mang tính chủ quan, Nguyễn Ngọc Già còn xuyên tạc mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử; xuyên tạc Công hàm 1958, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký; xuyên tạc Hội nghị Thành Đô, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trưởng đoàn; xuyên tạc những khoản viện trợ của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cho Việt Nam; xuyên tạc việc xác định biên giới hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thông qua sự xuyên tạc đó, Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đó là cái bẫy để Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, để rồi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam nguy cấp.
2. Nguyễn Ngọc Già, do thiếu hiểu biết, hay cố tình không hiểu rằng, sau gần hai thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh lên nhiều. Chúng ta có lợi thế rất lớn là tình hình chính trị – xã hội ổn định. Môi trường hòa bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tiếp tục tạo điều kiện để Việt Nam phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Trên cơ sở đường lối đối ngoại đó, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó ưu tiên cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, với các nước và trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết với nhiều nước trong và ngoài khu vực nhiều Hiệp định, thoả thuận quan trọng như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định về biên giới trên bộ, Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá với Trung Quốc, Hiệp định về phân định thềm lục địa với Inđônêxia… Các mối quan hệ song phương và đa phương đó đã góp phần không nhỏ vào việc không ngừng củng cố môi trường hoà bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Mặc dù, hiện nay tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao; dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát phát huy; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt được kết quả tích cực.
Vì vậy, không thể nói Việt Nam nguy cấp, mà chỉ có thể khẳng định: Việt Nam đang khởi sắc. Theo đó, những luận điệu của Nguyễn Ngọc Già, chỉ là sự xuyên tạc, bịa đặt, kích động gây nghi ngờ trong xã hội về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã chọn và phủ nhận chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần đấu tranh bác bỏ./.
Nhân văn Việt