Trước, trong và sau Hội nghị Trung ương 11 (khoá XII), vấn đề biển Đông, trực tiếp là bãi Tư Chính được các thế lực thù địch, phản động đẩy lên cao trào, xem đó như mấu chốt để phán xét hội nghị.
Hàng loạt bài về bãi Tư Chính được các trang báo mạng nước ngoài đưa liên tiếp như: “Bãi Tư Chính – đã đến lúc kiện Trung Quốc ra toà quốc tế”; “Bàn tròn BBC: Hội nghị Trung ương 11, bãi Tư Chính và ứng phó”; “Bãi Tư Chính, tình hình cực kỳ nguy hiểm với chủ quyền Việt Nam”; “Bãi Tư Chính, nhiều trí thức muốn Việt Nam kiện Trung Quốc”…
Ngay trong những ngày diễn ra hội nghị, trên nhiều trang báo như BBC, RFA, VOA… lược thuật, dõi xem Trung ương họp và bàn về vấn đề này như thế nào. Họ còn vẽ ra “bàn tròn bàn luận” với việc cho các vị khách mời nêu chính kiến, quan điểm. Chỉ cần nhìn thành phần khách mời với không ít người có nhân thân chống phá đất nước quyết liệt, đủ biết họ sẽ nói gì, nói như thế nào về biển Đông và Việt Nam, nói gì về Hội nghị Trung ương 11. Đến khi hội nghị kết thúc, thấy hội nghị không đưa ra tuyên bố hay áp dụng biện pháp như số này đã “kiến nghị”, lập tức các đối tượng rêu rao rằng hội nghị “nhạt”, “không đáp ứng kỳ vọng của đất nước”…
Tại sao các đối tượng lại quan tâm đặc biệt tới Hội nghị Trung ương 11 với mũi nhọn là vấn đề biển Đông, bãi Tư Chính? Nếu nhìn qua những bài viết, người thiếu tỉnh táo có thể dẫn tới ngộ nhận: Họ nêu về chủ quyền biển Đông, diễn biến phức tạp ở bãi Tư Chính trong bối cảnh hiện nay là vì lòng yêu nước, vì trách nhiệm với Tổ quốc, muốn góp ý cho Đảng, Nhà nước có giải pháp quyết liệt để giữ vững chủ quyền, lãnh thổ! Sự ngộ nhận đó khiến trong cách nhìn cảm tính, người ta bị đánh đồng giữa bạn và thù, giữa lòng yêu nước đúng nghĩa và kẻ lợi dụng phá hoại.
Ở đây cần thấy rõ: Việc dấy lên chuyện chủ quyền biển Đông, bãi Tư Chính thực chất là cái cớ, là thủ đoạn mượn gió bẻ măng của những kẻ chống phá. Nếu như những Hội nghị trước, khi Trung ương bàn đến quy hoạch nhân sự hay xem xét xử lý kỷ luật lãnh đạo cấp cao mắc sai phạm thì các đối tượng sẽ tập trung bình phán, tung hoả mù vấn đề nhân sự, xuyên tạc việc xử lý cán bộ sai phạm thành phe cánh thanh trừng, đấu đá nội bộ. Còn nay, khi diễn biến ở biển Đông đang là vấn đề thời sự, chúng xác định đây là cơ hội để tung hứng, đẩy vấn đề lên cao trào, tạo thành điểm nóng dư luận, gây áp lực lên Trung ương, lên hội nghị.
Ở đây, có thể thấy 3 khung thời điểm: Trước, trong và sau hội nghị. Trước hội nghị, chúng đưa các bài viết, hình ảnh kiểu tung hoả mù, làm người đọc, người xem thấy rối bời vì tính nghiêm trọng, như cách dùng từ của họ là “cực kỳ nguy nan”, vận mệnh dân tộc bị thử thách, từ đó đòi hỏi Trung ương phải có “biện pháp cứng rắn”! Các kiến nghị hay “tham vấn” được đưa ra như cần khởi kiện, cần triệu tập “hội nghị Diên Hồng về biển Đông”, cần trưng cầu ý dân… Trong thời gian diễn ra hội nghị, họ dõi theo diễn biến từng ngày rồi đưa ra các nghi vấn “sao chưa thấy họp, chưa thấy bàn”, lẽ nào Đảng còn nội dung khác quan trọng hơn biển Đông?
Sau hội nghị, bằng việc đánh giá những “tham vấn, kiến nghị” trước đó không được nói đến, bàn đến, chúng quy kết Trung ương thờ ơ, bàng quan về chủ quyền biển đảo, rằng hội nghị chỉ bàn chuyện văn kiện, không đáp ứng được kỳ vọng, bức xúc của người dân. Đây chính là chiêu sau khi tung hoả mù là té nước, lập lờ đánh lận. Chủ quyền biển đảo chính là cái cớ để họ sử dụng chống phá mà đích nhắm là Hội nghị Trung ương.
Yêu nước là lẽ thiêng liêng. Vấn đề là cần tỉnh táo để lòng yêu nước, tiếng nói và hành động yêu nước đúng nghĩa, giúp ích với đất nước. Nếu nhận thức sai lệch, bị kẻ xấu lợi dụng để làm điều sai trái thì lòng yêu nước, tiếng nói yêu nước ấy đi sai lối, gây hại cho đất nước, cho nhân dân. Hiện, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội đang triệt để lợi dụng vấn đề chủ quyền biển đảo, lợi dụng lòng yêu nước và nhận thức không đầy đủ của một bộ phận người dân để kích động, chống phá.
Dựa trên hành động của tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam trên biển Đông, nhất là hành động xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, các đối tượng tung ra các thông tin, hình ảnh, đưa ra các bình luận cho rằng tình thế chủ quyền hết sức cấp bách, nguy cơ xung đột chiến tranh, rung dọa “vận mệnh dân tộc” nguy nan…
Việc thổi phồng thông tin là kế “rung cây” khiến người dân hoang mang lo lắng, gây tâm lý bất an, thậm chí hoảng loạn trong xã hội. Bằng việc viện dẫn sai lệch chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước, chúng phê phán các quyết sách của Đảng. Nhân danh góp ý, hiến kế, chúng lợi dụng tình hình này để bác bỏ đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, phê phán đường lối quốc phòng “ba không” là lạc hậu, lỗi thời, đòi hỏi phải theo nước này để chống lại nước kia, phải dựa vào “đồng minh” để giữ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, từ chỗ phê phán, đả kích đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề biển Đông, các đối tượng kích động vào lòng yêu nước của người dân, cho rằng để tránh họa xâm lăng, bảo vệ nước nhà thì người dân phải tự bảo vệ lấy, phải đứng lên, phải xuống đường, tuần hành, biểu tình…, đích cuối cùng là nhằm làm suy yếu, tan rã chính quyền, sụp đổ chế độ. Sự kích động này rất nguy hiểm bởi với những người yêu nước nhưng thiếu hiểu biết, thiếu thông tin có thể bị luồng thông tin này hướng lái, dẫn tới những hành động sai trái, nguy hại như từng xảy ra năm 2014.
Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông được thể hiện rõ ràng, nhất quán và mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã trả lời cụ thể trong cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khoá XIV. Thế nhưng, các đối tượng xấu đã đưa những bài viết, thông tin sai lệch, họ cố tình bóp méo, đẩy vấn đề sang hướng khác để lên án Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề biển Đông. Trên trang RFA tiếng Việt đưa bài viết nói rằng, tại cuộc tiếp xúc này, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã “chỉ trích những tiếng nói yêu nước ngoài Đảng”.
Một số trang mạng đã chia sẻ lại bài viết này và có những lời bình tiêu cực. Thực tế, đây là nội dung hoàn toàn sai lệch, bịa đặt, họ cố ý hướng lái vấn đề nhằm gây phân tâm, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như giữ vững an ninh, quốc phòng, không phân biệt thành phần, tầng lớp, không phân biệt trong hay ngoài đảng. Lòng yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta, người dân đều có quyền và nghĩa vụ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Thực tế, tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15-10-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để xử lý tốt mối quan hệ này không đơn giản chút nào, phải tính toán lợi ích quốc gia dân tộc, phải giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải giữ ổn định để phát triển.
“Đất nước ta có được sự ổn định, tốt như thế này, phải giữ lấy nó. Phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát, ta rất kiên quyết nhưng cần phải khôn khéo, mềm dẻo, phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược… Giữ đất nước yên bình để tiến lên, nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Về vấn đề này, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là rõ ràng: Vùng biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối những việc làm thay đổi nguyên trạng, đặc biệt là việc tôn tạo đảo phục vụ cho việc mạo nhận chủ quyền và khống chế quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, Việt Nam tái khẳng định các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Đức Kiên/CAND