Trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, một số mục sư trong nước kết hợp một số mục sư nước ngoài đã đến Thủ đô Washington (Hoa Kỳ) tổ chức hoạt động rầm rộ gọi là “Vận động nhân quyền cho người dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Các đối tượng này đã vu cáo, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.
Mục đích của các đối tượng nhằm kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế giúp đỡ để gây sức ép với Việt Nam, vu cáo, lu loa đòi chấm dứt tình trạng “đàn áp các sắc dân thiểu số”, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, trả lại tài sản cho các giáo hội, cho phép những nhà lãnh đạo tôn giáo được tham dự những khóa huấn luyện ở trong và ngoài nước, trả tự do cho “tù nhân lương tâm”, đặc biệt kêu gọi phái đoàn Hoa Kỳ và Liên hợp quốc đến Việt Nam để điều tra và sau cùng là xếp Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia cần lưu tâm về tự do tôn giáo.
Các đối tượng này vu cáo: Đồng bào thiểu số bị đàn áp một cách tàn bạo, người dân tiếp tục bị tước đoạt quyền làm người. Chúng xuyên tạc rằng, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn nhiều kể từ đầu 2019 đến nay.
Mục sư Y Hin Nie (vốn là đối tượng phản động FULRO lưu vong) xuyên tạc rằng: có trên 50 mục sư và trên 400 người theo đạo ở Việt Nam bị bắt giữ. Hậu quả là khoảng từ một đến hai ngàn trẻ em thiếu cha và khoảng 1.000 bà vợ có chồng mất tích. Học sinh Thượng ra trường bị từ chối việc làm vì theo đạo Thiên Chúa.
Cũng trong thời gian này, dưới sự giúp sức của đối tượng phản động lưu vong - Mục sư Nguyễn Công Chính và tổ chức gọi là “Hội đồng Dân tộc bản xứ tại Việt Nam ngày nay”, hai Nghị sĩ Harley Rouda (Đảng Dân chủ, bang California) và Ted Budd (Đảng Cộng hòa, bang North Carolina) đã đệ trình Hạ viện Hoa Kỳ Nghị quyết H.Res 435, có nội dung chính là ghi nhận những đóng góp của “người Thượng” ở Tây Nguyên, hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và tố cáo sự đàn áp nhân quyền của chính quyền Việt Nam; kêu gọi các nghị sĩ Hoa Kỳ và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế ủng hộ để nghị quyết này được Hạ viện sớm thông qua. Đồng thời cũng kêu gọi các nghị sĩ bảo lãnh một số tù nhân phạm tội chống phá chính quyền nhân dân thuộc sắc dân thiểu số và vận động cho họ được trả tự do và được định cư tại Hoa Kỳ…
Những luận điệu, vu cáo trên là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt chính sách của Đảng, của Nhà nước Việt Nam đối với người dân, người dân tộc thiểu số cũng như thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Phương thức, thủ đoạn của những đối tượng này hết sức tinh vi, thâm hiểm và xảo quyệt. Một là, họ xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam, vu cáo Đảng và Nhà nước đàn áp người dân tộc thiểu số, tạo ra những những nhận thức sai lệch để các chính phủ, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tăng cường hoạt động chống phá, phá hoại khối đại đoàn kết, với mục tiêu là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thể chế chính trị ở Việt Nam. Hai là, chúng tinh vi, cố tình lập lờ, đánh tráo khái niệm gọi một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc như “Người Thượng”, Chăm, Khmer, Mông… là “dân tộc bản địa”.
Mục đích nhằm lập lờ đánh lận khái niệm ghi tại Điều 1 đến Điều 5 của Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa: “Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Trên tinh thần đó họ có quyền tự do quyết định tình trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa”, để từ đó thúc đẩy hoạt động chống phá, bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân, gây mất an ninh trật tự để đòi “li khai”, thành lập các “nhà nước”, “vương quốc” riêng. Ba là, với luận điệu xuyên tạc “đồng bào bị đàn áp một cách tàn bạo, bị tước đoạt quyền làm người…” hòng kích động, chia rẽ dân tộc, làm giảm niềm tin của đồng bào, người dân vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc.
Các dân tộc có dân số dù ít hay nhiều, ở trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Luôn tôn trọng lẫn nhau về lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc.
Thống nhất và nội địa hóa các quy định pháp luật quốc tế về vấn đề dân tộc, ngay trong Hiến pháp 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Điều 5 - Hiến pháp 2013, tr.13); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14 – Hiến pháp 2013, tr.17).
Với quan điểm nhất quán, quy định chặt chẽ như vậy, luận điệu xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tàn bạo”, “tước đoạt quyền làm người của đồng bào” rõ ràng là một sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của các phần tử phản động, cơ hội chính trị có bề dày đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, đại đoàn kết dân tộc.
Thực tiễn sinh động là minh chứng rõ ràng phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động. Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng bản làng văn hoá.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1.512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103 ngàn người, dạy nghề cho 720 ngàn người, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng CSXH đã cho 1,4 triệu hộ vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Đến nay, đã có 1.052 xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%). Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, 100% số xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% số xã có trạm y tế, từ năm 2016 đến 2018 đã cấp miễn phí thẻ BHYT cho 20,705 triệu lượt đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ quan điểm, chủ trương nhất quán, pháp lý về vấn đề dân tộc, được thực tiễn chứng minh, rõ ràng những luận điệu trên là xuyên tạc, vu cáo vấn đề nhân quyền đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Cán bộ, đảng viên, đồng bào cần đề cao cảnh giác và tăng cường đấu tranh, phản bác với luận điệu và hoạt động chống phá nêu trên.
Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)