Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 4.500 video clip xấu độc trên Youtube, buộc Facebook gỡ bỏ 3.000 đường link, Google hạ 6 kênh có nội dung vi phạm và sẽ tham khao quốc tế giải pháp quản lý Fake News.
Chiều nay 15-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành đã dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Phương Thảo
Tại hội nghị, báo cáo của Bộ TT-TT nêu rõ Bộ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam (chủ yếu là Facebook, Google).
Các cơ quan chức năng cũng đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 4.500 video clip xấu độc trên Youtube, buộc Facebook gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ nguyên 6 kênh.
Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam.
Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, Youtube.
Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.
Trong năm qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ TT-TT tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm được nhanh và hiệu quả hơn.
Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên những kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả mạng xã hội tích hợp đa dịch vụ trên nền tảng hạ tầng công nghệ theo định hướng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ sinh thái số.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về lĩnh vực thông tin – tuyền truyền, lãnh đạo Bộ một lần nữa nêu thông điệp gửi đến báo chí là báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin cũng như khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc là nhiều báo hiện nay không nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhà nước trong khi nguồn thu từ quảng cáo bị chia sẻ, tới 45% rơi vào mạng xã hội.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết để giải quyết mâu thuẫn này, nhà nước cần có cơ chế "đặt hàng" báo chí để có những sản phẩm theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cũng có nguồn ổn định để hoạt động.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận mạng xã hội là một trận địa không thể bỏ trống. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu mỗi cơ quan báo chí phải là một mạng xã hội thu nhỏ, để lấy tích cực át tiêu cực, để góp phần định hướng, tạo dòng chảy chính của xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trình diễn các mạng xã hội Việt Nam
Năm 2019, Việt Nam sẽ có mạng 5G
Bộ TT-TT cho biết năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỉ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017. Trong đó, lĩnh vực viễn thông mang lại doanh thu 350.000 tỉ/năm (tương đương 15 tỉ USD).
Đáng chú ý, Bộ TT-TT quy hoạch tần số để thử nghiệm công nghệ 5G. Theo đó, trong năm 2019, Việt Nam sẽ thành một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng mạng 5G.
Cũng theo Bộ TT-TT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ chủ trì xây dựng đề án chuyển đối số quốc gia, một nhiệm vụ trọng đại sẽ mang lại khả năng tăng năng suất lao động lên từ 30-40%, góp 20-30% trong tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu lãnh đạo Bộ tập trung cho các chiến lược năm 2019, để thực hiện chủ đề "nâng cao thứ hạng Việt Nam" với phương châm lãnh đạo làm gương, kỷ luật, trọng tâm, bứt phá.
"2018 là năm vận nước đến khi cả nước đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm qua, lần đầu tiên cao hơn mức tăng trưởng của Trung Quốc. Khi tất cả các nước đều trở thành hổ thì cần tư duy để có hướng đi đột phá. Bộ TT-TT có sứ mệnh đưa công nghệ ICT vào mọi lĩnh vực cuộc sống, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong nước, tạo đà để khởi nghiệp công nghệ, giúp Việt Nam "hoá rồng, hoá hổ". Bộ TT-TT phải dẫn đầu hành trình này" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng một đất nước muốn đi lên, phát triển trước hết phải có sức mạnh tinh thần và báo chí chính là người lính sứ mệnh đó.
Bộ trưởng TT-TT cũng đưa ra 6 lĩnh vực quản lý của Bộ cần tập trung, dồn sức trong thời gian tới là: Bưu chính, viễn thông, công nghiệp ICT, công nghiệp nội dung số, thông tin –tuyên truyền, an toàn - an ninh mạng.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng TT-TT nhấn mạnh Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ.
"Trong khi Việt Nam đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng quả quyết.
Đối với công nghiệp nội dung số, Bộ TT-TT đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 3-4 tỉ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, muốn đi đầu về cách mạng số, Việt Nam phải đi đầu trong việc sử dụng smartphone.
"Muốn vậy, phải đi cùng nhịp, cùng tốc độ với thế giới. Lần này ta sẽ đi đầu trong công nghệ 5G chứ không đi sau một nhịp như lần làm 3G, 4G vừa qua nữa" – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về lĩnh vực đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng một đất nước có an ninh mạng mạnh cũng như một quốc gia quân sự mạnh. Ông Hùng dẫn ví dụ Trung Quốc hiện chiếm 60% thị phần sản xuất thiết bị viễn thông nhưng lại đang gặp vướng mắc với Mỹ.
"Việt Nam có cơ hội để trở thành một trong những quốc gia sản xuất được tất cả các thiết bị viễn thông và xuất khẩu thiết bị viễn thông, trở thành một trung tâm chia sẻ dữ liệu an ninh mạng cho cả khu vực ASEAN và thế giới"- ông Hùng gợi mở.
Về công nghiệp nội dung số gắn với cuộc cách mạng ông nghiệp 4.0, Bộ trưởng TT-TT cho rằng, các công nghệ có thể áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Bộ TT-TT đã được giao nhiệm vụ lập Trung tâm công nghệ tại Việt Nam, là cơ sở để tiến hành cuộc cách mạng 4.0 cho đất nước.
Bảo Trân (Người lao động)