Sự kiện doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường muốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng vào quần thể Hương Sơn thành một “khu du lịch tâm linh” đến nay đã nhận được nhiều cảnh báo từ các chuyên gia quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và cả những nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông là một học giả uy tín, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam. Trước đề xuất của Xuân Trường về việc xây dựng “siêu dự án tâm linh” chùa Hương với tổng mức đầu tư 15 nghìn tỷ đồng, rộng tới 1.000ha tại xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền bày tỏ: “Hương Sơn có Chùa Hương hiện nay được công nhận là di sản Quốc gia đặc biệt. Mọi vấn đề liên quan đến khu vực này chắc chắn phải được Thủ tướng cho phép và cần có ý kiến đồng ý từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
“Khi có quá nhiều tác động của con người thì Hương Sơn sẽ mất thơm, tư tưởng Phật giáo sẽ bị bào mòn, tính trần tục được đề cao. Tuy nhiên, khó có thể lấy yếu tố du lịch tâm linh nhằm “dày vò” tâm hồn của đạo pháp”.
GS Trần Lâm Biền phân tích, theo báo cáo thuyết minh dự án, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô xây dựng lớn như tháp cao 100m, nhiều chùa mới, các khu nhà hàng, khách sạn, bảo tàng… "Trong tu bổ di tích thì có quyền tôn tạo nhưng không thể núp bóng việc tâm linh để làm một cách ẩu tả".
Giáo sư Trần Lâm Biền.
Nói về chùa Bái Đính - Công trình gắn liền với tên tuổi của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Giáo sư Trần Lâm Biền thẳng thắn: “Chẳng hạn như chùa Bái Đính là làm rất ẩu tả. Nó đi ra ngoài giáo lý của đạo Phật. Điển hình là tháp 13 tầng, là tháp của đạo Phật thì nay chỉ còn là đài lên đó chơi, ngắm cảnh. Đã là tháp của Phật thì phải đứng trên trục chính chứ không thể lệch sang một bên như ở đó”, GS Trần Lâm Biền phân tích.
“Tại nhiều công trình mang kiến trúc Phật giáo của DN Xuân Trường xây dựng và đề xuất luôn xuất hiện những hạng mục to lớn gắn với tầm quốc gia, quốc tế. Chúng tôi không bao giờ muốn có những ngôi chùa thật to lớn, to lớn của hình thức sẽ át chế tâm hồn dân tộc. Người Việt không muốn đẩy thần linh lên cao, đó là lý do vì sao người Việt không xây dựng kiến trúc vươn theo chiều cao, nay lại xây dựng kiến trúc theo dạng này thì đi ngược lại bản sắc văn hóa dân tộc”, GS Trần Lâm Biền nhìn nhận.
Nói về tinh thần và văn hóa ứng xử của người Việt với các vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, Giáo sư Biền nói: “Nước mình là một nước nhỏ, dân tộc Việt là dân tộc sống thuần hậu, nghệ thuật truyền thống dựa trên nền tảng lấy cái tinh làm trọng, chứ không phải lấy cái to lớn làm trọng. Văn hóa mình chú ý tới duyên dáng, nhịp nhàng đầy chất trữ tình phản ánh đúng tâm hồn của người Việt uyển chuyển, êm đềm chứ không phải tính khoe mẽ. Con người càng khoe mẽ bao nhiêu thì con người càng xa đạo bấy nhiêu, không thể lấy vật chất để ca tụng đạo được vì đạo Phật là hệ triết học chú ý tới bản thể, cốt lõi, phi vật chất chứ không phải là vật chất. Phật giáo chú trọng tới cao siêu của tuệ và tâm chứ không phải là vật chất bởi vật chất càng to thì càng xa đạo, đây chính là lý do mà nhà Phật nói “hảo tự ố tăng”.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng.
Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497) và đã trải qua 11 đời Tổ sư. Trên vách xuống động Hương Tích có khắc năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của chúa Trịnh Sâm khắc vào tháng 3 năm Canh Dần (1770).
Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, dù nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá, ném bom nhưng Hương Sơn luôn được Nhà nước, nhân dân địa phương và quý khách thập phương cùng nhà chùa quan tâm tu bổ, sửa chữa.
Vì vậy, đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng và đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam.
Với những giá trị đó, ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn.
Tử Hưng (Công luận)