Trước những ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành tỉnh Tuyên Quang, nòng cốt là lực lượng Công an đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tin, không nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đến nỗ lực ngăn chặn, đấu tránh tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp này.




Lực lương công an huyện Hàm Yên trò chuyện với các bạn trẻ người Mông tại thôn Cao Đường, xã Yên Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Làm rõ bản chất sai trái

Đầu năm 2021, trên địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, 9 tổ công tác đã được thành lập với thành phần là cán bộ xã, Công an xã, lực lượng an ninh phụ trách địa bàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Nhiệm vụ chính của tổ công tác là đến từng hộ người Mông tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu rõ âm mưu của thế lực thù địch, các luận điệu sai trái của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; đồng thời tuyên truyền, vận động chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Ông Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi cho biết, địa bàn rộng, đa phần là đồi núi hiểm trở, đồng bào sống Mông chủ yếu quen nếp du canh du cư, rải rác trên các sườn núi vì vậy, việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thường rất khó tiếp cận. Khi tổ công tác đến, các hộ đã tắt điện, đóng cửa hoặc tránh vào núi. Có những hộ mặc dù tổ công tác tiếp cận được nhưng không nghe, từ chối sự tuyên truyền. Kinh tế của bà con người Mông ở xã Hùng Lợi chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Ban ngày, đồng bào thường lên nương, rẫy, muốn gặp để tuyên truyền, vận động, tổ công tác thường phải đến gặp bà con vào buổi tối, từ 18-21 giờ.

Cũng theo ông Ma Văn Hùng, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các già làng, trưởng bản, những người uy tín là người Mông tuyên truyền, vận động đồng bào không nghe theo kẻ xấu. Đặc biệt, trong quá trình vận động, tổ công tác kịp thời nắm bắt thông tin về các đối tượng cốt cán của tổ chức bất hợp pháp, tăng cường gần gũi, tuyên truyền, vận động. Khi các đối tượng này không còn tin theo tổ chức Dương Văn Mình, việc vận động các hộ dân khác sẽ thuận lợi hơn.

Vượt qua quãng đường gần 30 cây số đèo dốc, nguy hiểm, tổ công tác mới đến được hộ gia đình nhà bà Hoàng Thị De (thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn). Thiếu tá Tướng Văn Ba, Trưởng Công an xã Hùng Lợi chia sẻ, ngoài giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, phối hợp với các tổ công tác của địa phương, lực lượng Công an xã, an ninh phụ trách địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện với các hộ gia đình như bà De, cùng lên nương, lên rẫy hỗ trợ, hướng dẫn các gia đình lao động, sản xuất, trồng ngô, trồng lúa, nuôi trâu, nuôi dê. Những hoạt động đó  góp phần tạo thêm lòng tin với đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi vận động đồng bào từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.


Công an huyện Lâm Bình thực hiện “4 cùng” với đồng bào Mông trên địa bàn. Ảnh: TTXVN phát

Nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn

Theo Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, tháng 3/2022, lực lượng chức năng tỉnh, trong đó nòng cốt là Công an đã tổ chức đợt đấu tranh cao điểm quyết liệt, mục tiêu xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Công an tỉnh đã thành lập 17 tổ công tác đồng loạt xuống các địa bàn có ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Các tổ công tác thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng ngôn ngữ) với đồng bào và phối hợp với 24 tổ công tác của cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp.

Qua công tác trinh sát, bám nắm địa bàn, lực lượng Công an đã phát hiện, nắm rõ các đối tượng cốt cán trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; thu thập tài liệu, nghiên cứu, xử lý trước pháp luật các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Đồng thời, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân; kiên quyết đấu tranh với các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Để đồng bào Mông thêm quyết tâm từ bỏ tổ chức bất hợp pháp, ông Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hàm Yên cho biết, chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ xuống từng hộ thăm hỏi, động viên kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào, hướng dẫn bà con vay vốn để phát triển sản xuất. Bà con người Mông ở xã Tân Thành giờ đã hiểu rõ bản chất, 100% số hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Với quyết tâm cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nghiêm túc thực hiện các biện pháp, công tác đấu tranh, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tỉnh Tuyên Quang đã có được những kết quả nhất định. Từ năm 2007 đến hết năm 2021, chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang tổ chức trên 80 lượt cưỡng chế, tháo dỡ nhà đòn, nhà nhỏ của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Tính đến ngày 3/11/2022, 100% các hộ đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tháo phông trắng (biểu tượng của tổ chức) ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Vũ Quang - Thu Huyền, Nguồn: Tin tức TTXVN

Hơn 30 năm tồn tại, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề với đời sống người dân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại các địa phương bị ảnh hưởng.


Đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận đồng bào Mông, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, dụ dỗ, lôi kéo hàng nghìn người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc tham gia tổ chức. Nhiều bà con đồng bào Mông trở thành nạn nhân, thành con rối để tổ chức điều khiển, nhằm thực hiện âm mưu ly khai, tự trị, lập nhà nước riêng tách ra khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Việc ngăn chăn, đẩy lùi, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình được coi là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết phản ánh về sự ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình với đồng bào dân tộc Mông tại một số địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang và sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ tổ chức này, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định cho đồng bào.


Một góc làng quê xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Nhận diện tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào Mông tại tỉnh Tuyên Quang, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tuyên truyền những luận điệu phi lý, sai trái gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Đời sống của bộ phận đồng bào bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp cũng vì thế mà bị xáo trộn, điêu đứng và nghèo khó. Nhiều hoạt động của tổ chức bất hợp pháp đi trái với giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đội lốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Tỉnh Tuyên Quang từng là một trong số những địa phương có một bộ phận đồng bào Mông bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Thượng tá, Trần Xuân Thụ, Trưởng Phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dương Văn Mình (1961 - 2021) còn có tên gọi khác là Dương Súng Mình, nguyên quán ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1982, Dương Văn Mình di cư đến thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Thời điểm năm 1989, Dương Văn Mình tập hợp một số đối tượng cốt cán lập nên tổ chức bất hợp pháp mang tên chính mình, hoạt động trên địa bàn 31 thôn bản, thuộc 10 xã tại 5 huyện của tỉnh Tuyên Quang là Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang và Sơn Dương, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của khoảng 76% đồng bào dân tộc Mông. Sau đó, tổ chức bất hợp pháp này lan nhanh sang một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên…, nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.


Đội an ninh công an huyện Na hang luôn thực hiện "4 cùng" với đồng bào Mông trên địa bàn huyện. Ảnh: TTXVN phát

Hơn 30 năm tồn tại, đội lốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tập hợp quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, tuyên truyền tư tưởng sai trái, mục đích lập "Nhà nước riêng của người Mông" do Dương Văn Mình làm "vua", gây phức tạp về an ninh trật tự.

Ông Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn - một trong những địa bàn phức tạp, từng có người dân tin, nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thông tin: Xã Hùng Lợi có gần 1.700 hộ dân, 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm cao nhất với 45%. Thời điểm đầu năm 2022, Hùng Lợi vẫn còn có 8/16 thôn với khoảng 49% đồng bào Mông tin, nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Cơ bản những hộ dân này có đời sống rất khó khăn, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ tin theo những luận điệu lừa bịp của Dương Văn Mình bỏ bê đồng ruộng, không chịu làm ăn dẫn đến cuộc sống càng ngày càng khó khăn, thiếu thốn.

Cũng theo ông Ma Văn Hùng, các đối tượng cốt cán của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tập hợp nhân dân xây dựng “nhà đòn”, “nhà nhỏ” để cất giữ các “biểu tượng tâm linh” bằng gỗ như con cóc, con ve, bàn khắc hình con én, cây thánh giá...sử dụng trong đám tang. Đây hoàn toàn là những thứ do Dương Văn Mình và tổ chức bất hợp pháp bịa đặt ra, không bắt nguồn từ phong tục tập quán truyền thống của người Mông.

Đời sống khốn khó vì tin theo tổ chức bất hợp pháp

Căn nhà gỗ xiêu vẹo chưa đầy 12m2 tại thôn Toòng, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn là nơi sinh sống của vợ chồng anh Hầu Văn Sình cùng 5 đứa con nhỏ. Chiếc xe máy cũ mèm là tài sản lớn nhất của gia đình. Một thời gian dài, cả gia đình anh Sình tin tin theo lời dụ dỗ, những điều phi lý, lừa bịp của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Anh Hầu Văn Sình chia sẻ, anh và gia đình cùng nhiều đồng bào được tuyên truyền rằng nếu đi theo Dương Văn Mình không làm cũng có ăn, người chết sống trở lại, người già lột xác trẻ lại, không học cũng biết chữ, ốm đau tự khỏi không cần đi bệnh viện, hay muốn khỏi ốm mang tiền đến cúng nộp để được tổ chức làm lễ cúng cho. Thế nhưng, sau hàng chục năm đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đời sống gia đình anh Sình vẫn chẳng khấm khá lên, thậm chí kinh tế càng thêm khó khăn.

Anh Ngô Văn Hồng (thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) không nhớ được mình đã theo ông bà, bố mẹ đến bao nhiêu buổi sinh hoạt của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Anh Ngô Văn Hồng cho biết, tại các buổi sinh hoạt, các đối tượng trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đưa ra nhiều quan điểm sai lệch, dụ dỗ, xúi giục chống đối chính quyền, không nhận hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, kích động khiếu kiện, chúng vận động người dân không tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.

Anh Lý Văn Chí (thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú) đã từng bỏ ruộng nương, bỏ lao động sản xuất cả năm trời để đi theo các buổi hội hè, sinh hoạt, múa hát do Dương Văn Mình và các đối tượng cốt cán tổ chức. Anh Chí chia sẻ, trước đây, bố mẹ anh tin theo Dương Văn Mình, bỏ đi bàn thờ tổ tiên thay vào đó là biểu tượng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhiều người Mông cùng trang lứa với anh Chí bỏ ngang việc học hành bởi tin theo lý lẽ không đi học cũng biết chữ. Sau này, qua những lần đi làm ăn, tiếp xúc với môi trường bên ngoài và tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Chí dần không còn tin vào những lý lẽ của tổ chức bất hợp pháp nữa bởi những lý lẽ đó đều không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của gia đình anh.


Tiếp nhận sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về cây trồng, vật nuôi, đồng bào Mông ở thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm đã chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: TTXVN phát

Ông Vũ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, xã có 29 hộ đồng bào Mông sinh sống tại thôn 1A Thống Nhất. Đến đầu tháng 10/2022, vẫn còn 24 hộ với 128 khẩu bị ảnh hưởng bởi “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Những hộ theo tổ chức này thường sống thành một khu, cụm và thường không tham gia các hoạt động chung của địa phương, cuộc sống bị xáo trộn, kinh tế sa sút, luôn trong tình trạng đói nghèo. Điều này ảnh hưởng lớn đến các việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo của địa phương, ảnh hưởng đến các hoạt động của các thôn bản trong việc xây dựng các quy ước, hương ước giúp nâng cao đời sống cho bà con tại các thôn bản.

Theo Thượng tá Trần Xuân Thụ, Trưởng Phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Tuyên Quang, những hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã mang đến những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với những người trực tiếp bị ảnh hưởng mà còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trong đời sống văn hóa, xã hội như phá bỏ đi những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông; tạo sự hoang mang, giao động, lo lắng cho quần chúng nhân dân; việc nâng cao dân trí cho nhân dân bị ảnh hưởng; tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột về mặt an ninh trật tự giữa người theo tín ngưỡng truyền thống, người theo đạo Tin lành và người theo tổ chức bất hợp pháp...

Vũ Quang - Thu Huyền, Nguồn: Tin tức TTXVN

 Ngày 5/4, máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển đã gặp nạn và dẫn đến thương vong cùng với 4 du khách. Bên cạnh những lời chia sẻ về đau thương mất mát thì cũng nhiều người thắc mắc, thậm chí là có những luận điệu công kích về việc tại sao Đại tá Chu Quang Minh lại lái trực thăng phục vụ du lịch để rồi gặp nạn?

Sáng 15-10, từ ga trực thăng Gia Lâm (Hà Nội), Công ty Trực thăng miền Bắc (TTMB), Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức cho trực thăng Mi-172 cất cánh bay sang Indonesia thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ bay cứu hỏa

Thực ra, Công ty trực thăng miền Bắc là doanh nghiệp 100% Nhà nước thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng). Công ty là một trong những doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được thành lập ra để thực hiệm nhiệm vụ tham gia vào sản xuất kinh tế. Hiện, Bộ Quốc phòng đang quản lý, giao nhiệm vụ quân sự quốc phòng cho 83 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 20 doanh nghiệp cổ phần. Ngoài ra, còn có các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hai thành viên, là công ty con của công ty mẹ tập đoàn đang được giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng.

Những năm qua, các doanh nghiệp quân đội đã tạo ra khoảng 5% GDP. Tức trung bình mỗi năm GDP của đất nước khoảng 300 tỷ USD, thì doanh nghiệp Quốc phòng đóng góp khoảng 15 đến 20 tỷ USD. Cạnh đó, mỗi năm, doanh nghiệp quốc phòng đóng góp cho Ngân sách nhà nước khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng, bằng khoảng 25% đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước.

Thực tế, quân đội tham gia hoạt động sản xuất là truyền thống có từ khi mới được thành lập. Hoạt động này được khuyến khích nhằm hạn chế gánh nặng cho nhà nước và làm tăng sự gắn kết giữa quân đội với nhân dân, vừa góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Việt Nam từng thành lập một số đơn vị quân đội có nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp phòng thủ tại một số địa bàn chiến lược. Đơn cử như các Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Trường Sơn, các Binh đoàn 15, 16 đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tham gia phát triển kinh tế xã hội, vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư vùng khó khăn, biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, là “phên giậu” của Tổ quốc trên các vùng chiến lược.

Hiện nay, quân đội cũng đã cải tổ việc hoạt động kinh tế. Quân ủy Trung ương đã quy hoạch hệ thống doanh nghiệp trong Quân đội với các tiêu chí. Thứ nhất, phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế; Thứ hai, doanh nghiệp Quân đội phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định; Thứ 3, doanh nghiệp quân đội phải làm đúng luật, không có biệt lệ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng cho biết: “Quân đội đã từng có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo chính phủ, hiện vẫn còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại“.

Soi chiếu vào sự việc trên thì, Công ty trực thăng miền Bắc được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận khai thác tàu bay số 200405, được gia hạn hiệu lực tới ngày 28/2/2024, đáp ứng tiêu chuẩn của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các tiêu chuẩn an toàn cao. Đơn vị này đang đang khai thác hai tàu bay Bell-505 với số đăng ký là VN-8650 và VN-8651. VN-8650 có tổng số giờ bay cho tới khi gặp nạn là 488 giờ, với 2.655 lần cất/hạ cánh. Và phi công Chu Quang Minh có giấy phép lái tàu bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026. Có nghĩa là mọi thứ hiện tại đang tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Lại nói, quân đội làm kinh tế được thực hiện tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Ecuador, Honduras, Peru, Ai Cập, Myanmar, Hoa Kỳ, Pháp… Đây là hiện tượng phổ biến có từ rất lâu trong lịch sử thế giới. Tuy vậy, mặc dù xây dựng kinh tế luôn là chức năng nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội trong quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng lại là điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Và sự việc lần này cũng không loại trừ, thế nhưng đó chỉ là lý luận cùn của những kẻ soi mói thích đâm chọc, hằn học và luôn trục lợi từ mất mát của dân tộc.

Công Luân

 

Mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu bài thâm độc, nham hiểm, gây mất đoàn kết, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Điên cuồng nhất là những tên phản động người Việt lưu vong, còn mang hận thù cá nhân, tiếc nuối chế độ Việt Nam cộng hòa đã sụp đổ, hòng ôm mộng ảo tưởng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hồng Dân chính là kẻ như thế, trên “Vietnamthoibao”, đã đăng tải bài viết: Thử phản biện về “chính trị nhất nguyên”, Y đã lấy Singapore làm hình mẫu, ca ngợi thể chế chính trị dân chủ, đa đảng của đất nước này để so sánh, phê phán Việt Nam là “bảo thủ”, “độc tài, toàn trị” … Thực chất đây là những thủ đoạn dọn đường cho sự hình thành tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hòng vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù có “trăm phương nghìn kế”, các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên về niềm tin của nhân dân ta đồng lòng đi theo Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thành tựu to lớn đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận cả trên phương diện lý luận, thực tiễn và lịch sử.

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết, tất yếu, khách quan, là chính danh, hợp hiến và hợp pháp. Được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ, đồng thuận được quy định trong Hiến pháp, trong Cương lĩnh và trong Điều lệ Đảng. Đảng là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Thứ hai, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong thực tế cách mạng và được nhân dân thừa nhận. Việt Nam từng có thời kỳ đa đảng: Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại hai đảng đối lập là Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội. Hai đảng này đã bám gót ngoại bang, nên không được nhân dân chấp nhận. Có thời kỳ, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ Việt Nam (1944-1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (1946-1988), hai đảng này cũng không được đa số nhân dân giao cho sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng và tự giải tán.

Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm, nhất là vào những bước ngoặt của lịch sử. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới đã thu được nhiều thắng lợi: Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Thứ tư, Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận và ủy quyền Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Ngay từ khi ra đời Đảng luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, được Nhân dân thương yêu, đùm bọc, che chở và xây dựng. Hơn 93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận rõ hơn ai hết, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không có một lực lượng, một tổ chức nào có thể đại diện chân chính cho lợi ích của mình. Vì thế, nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ năm, ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước và xã hội. Để xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân, Đảng đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong, vai trò của Đảng cầm quyền và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiển nhiên, là sự lựa chọn và giao phó của lịch sử, của nhân dân và dân tộc Việt Nam, Đảng không tranh giành vai trò lãnh đạo với bất kỳ đảng phái nào. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành quả mà Nhân dân ta đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng 93 năm qua, đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm sai trái của Hồng Dân cũng như các thế lực thù địch, phản động và chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có đủ khả năng lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Đó là sự thật không thể phủ nhận./.

Nhân văn Việt

 Việt Nam kiên định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; ủng hộ việc các nước cùng nhau hợp tác giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông.



Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Phương Uyên/TTXVN phát)

Chiều 6/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về thông tin tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc thời gian qua có hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao khi đó đã đưa ra bình luận về thông tin này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

"Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán các hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."

Theo Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Về thông tin Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC) công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên," trong đó có một số tuyến tại Biển Đông bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982."

Bà Phạm Thu Hằng cho rằng việc khảo sát, nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình, do đó không có giá trị.

Trước thông tin, ngày 4/4, báo China Daily của Trung Quốc đăng một cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đang có chuyến thăm nước này. Trong cuộc phỏng vấn, ông Anwar Ibrahim kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và cho rằng đây không phải là vấn đề "không thể vượt qua," Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu quan điểm của Việt Nam về phát ngôn trên và việc giải quyết khác biệt trên Biển Đông.

Bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: Là quốc gia kiên định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Việt Nam ủng hộ việc các nước có thể cùng nhau hợp tác giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trật tự pháp lý trên biển, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.

"Với chủ trương trên, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại, đóng góp tích cực vào quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới," Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng khẳng định./.

Thu Phương - Nguồn: TTXVN/Vietnamplus

 

Chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến quyền của quần chúng nhân dân với những người lãnh đạo của mình.

Theo quan điểm của Lênin, nhân dân có quyền cử ra cũng như có quyền thay đổi và kiểm tra, hiểu rõ về các hoạt động của những người lãnh đạo. Lênin từng chỉ rõ: “Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm. Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Đảng là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Tư tưởng ấy xuyên suốt quá trình ra đời, trưởng thành, phát triển, lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng cũng như hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”. Ngày 24 – 1 – 1947, trong Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ai cũng biết rằng; trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: để Đảng, Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với nhân dân thì các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước phải thật sự vì nhân dân phục vụ. Nói chuyện với anh em công chức Thủ đô vào ngày 30 – 11 – 1954, Người nhấn mạnh: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Tháng 3 – 1947, khi viết về Đời sống mới, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước phải luôn trung thực với nhân dân, không được giấu giếm nhân dân, phải để nhân dân hưởng quyền được biết về công việc của Đảng, của Chính phủ, quyền kiểm tra giám sát, thụ hưởng theo đúng quy định của Đảng, của Nhà nước, của pháp luật. Đây phải thật sự là việc cần thiết, sự cầu thị của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ngày 10 – 10 – 1954, trong Lời kêu gọi nhân dân Thủ đô giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nguyện vọng của Chính phủ là rất mong được nhân dân giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình, là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến quyền của công dân trong việc tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập và trong bối cảnh kháng chiến toàn quốc cam go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thẳng thắn nêu rõ vấn đề người dân có quyền giám sát cán bộ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ngày 10 – 1 – 1946, phát biểu trước nông dân và điền chủ tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước ta thời Pháp thuộc, thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”. Khi bàn về vấn đề Cần kiệm liêm chính, vào khoảng tháng 6 – 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên yêu cầu, động viên nhân dân  cần phải thực hiện tốt quyền của mình đối với Đảng, Nhà nước. Người nhắc nhở nhân dân phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa quyền và nghĩa vụ, quyền phải đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Trong bài báo Đạo đức công dân đăng trên Báo Nhân Dân ngày 15 – 1 – 1954, Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”. Người chỉ rõ: công dân phải tuân theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung; phải đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. Đồng thời công dân phải hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng và bảo vệ Tổ quốc.

Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống chính trị quán triệt, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả trên thực tế lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Qua đó, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên đã ngày càng phấn đấu rèn luyện để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong khi đó thì thật là vô lý khi các thế lực thù địch, thế lực xấu trắng trợn chống phá mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và nhân dân với Đảng của mình. Chúng xuyên tạc rằng Đảng độc tài, bóp nghẹt mọi quyền lợi của người dân; Đảng chỉ lo lợi ích của Đảng, bỏ mặc nhân dân đói khổ; nhân dân bất bình, mất hết niềm tin vào Đảng. Tháng 3 – 2023 vừa qua, một đối tượng xấu lu loa rằng sở dĩ ở Việt Nam chưa đoàn kết được là: “vì những quyết định tự tung tự hứng” của Đảng “mà tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết giữa dân và Đảng mở rộng…” và “càng sống lâu, Đảng càng chia rẽ dân tộc và gây ra đổ vỡ, tụt hậu cho đất nước”…

Sự chống phá trên của các thế lực thù địch, thế lực xấu không đánh lừa được ai và chỉ làm cho dư luận hiểu rõ thêm bản chất xấu độc của những thông tin chúng đưa ra, đồng thời củng cố, tăng cường quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng mà thôi.

Trong tình hình mới của cách mạng nước ta hiện nay, quyền của nhân dân càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Nghị quyết Trung ương năm, khóa XIII, đề ra nội dung rất cụ thể: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”.

Thực tế cách mạng Việt Nam thời gian qua cho thấy: những nội dung quan trọng liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân đã luôn được tiến hành tích cực, có hiệu quả từ hai phía, nhân dân tự nguyện, tự giác và Đảng, Nhà nước tạo thuận lợi để nhân dân thực hành tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tin tưởng, chờ đợi và tích cực cùng “Người đầy tớ trung thành của nhân dân” thực hiện tốt nhất phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Công Minh - Nguồn: Hương Sen Việt

 

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động thường tán phát những tài liệu bịa đặt, xuyên tạc, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về vai trò của đội ngũ trí thức nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá cách mạng. Bài viết “Đất nước đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị” của Việt Hoàng đăng tải trên trang “Thongluan-rdp” là một trong số đó.

Thứ nhất, xuyên tạc vai trò của đội ngũ trí thức trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Việt Hoàng cho rằng, “Tầng lớp sĩ phu (trí thức) ngày xưa sinh ra chỉ để phục vụ vô điều kiện cho vua chúa chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi xã hội. Sau khi chế độ phong kiến kết thúc thì nước ta lại rơi vào chủ nghĩa cộng sản mà bản chất của nó cũng là một chế độ phong kiến có cải biên”. Đây là luận điệu xuyên tạc về vai trò của đội ngũ trí thức trong lịch sử dân tộc, nhất là trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong lịch sử dân tộc, Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của trí thức: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trên một tấm bia Tiến sĩ có ghi: “Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”. Đây là những quan niệm rất rõ ràng về hiền tài, về giới trí thức. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trí thức có đóng góp quan trọng trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ luôn hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân ghi nhận, lập đền, miếu thờ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức Việt Nam là một lực lượng quan trọng của cách mạng, luôn xung kích đi đầu trên mặt trận khoa học – công nghệ và văn hoá. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trí thức Việt Nam, bằng công sức và trí tuệ của mình, cùng với khối liên minh công nông đã đóng góp to lớn làm cho cuộc kháng chiến nhanh đi đến thắng lợi, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước. Hàng loạt những học sinh, sinh viên yêu nước, giác ngộ cách mạng đã trở thành cán bộ, đảng viên, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…. Nhiều trí thức trưởng thành trong nước hay từ nước ngoài trở về như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu … đã đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu độc lập, sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn, gian khổ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, có các chủ trương, chính sách phù hợp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ trí thức, để họ đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định và triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ hai, cổ súy cho cái gọi là “Tập hợp dân chủ đa nguyên”

Với nhận thức, “Trí thức chính trị chẳng liên quan gì đến bằng cấp và tư cách trí thức chỉ đặt ra với những người có quan tâm đến chính trị và xã hội”, Việt Hoàng cổ súy cho một tầng lớp được gọi là “trí thức chính trị” mà tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” là điển hình, hạt nhân, là “tương lai của dân tộc”. Theo y, tổ chức này “không giống với truyền thống dân tộc”, thậm chí “đã đi trước đồng bào mình khá xa”, “là tổ chức chính trị đã thay đổi hoàn toàn văn hóa và tư duy chính trị cho người Việt” hay “không xem Đảng Cộng sản là kẻ thù”, “không có kẻ thù và sẽ không làm hại bất cứ ai”.

Năm 1982, tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” của một nhóm tự nhận là “trí thức cùng thao thức với đất nước” được “sinh non”, “nhằm mục đích duy nhất là dân chủ hóa đất nước”. Trên thực tế, tổ chức này là một cái “lẩu thập cẩm” quy tụ những người Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi, mọi quá khứ chính trị và nhiều cương vị, trong cũng như ngoài nước, trong đó, thành phần chủ yếu là viên chức và sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tôn chỉ của tổ chức này suy cho cùng cũng chỉ đòi hỏi “Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vị thế lãnh đạo, thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước, phải chuyển đổi thể chế chính trị”. Đây là những luận điệu phản động không có một chút giá trị gì nhưng bằng các chiêu trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, tạo thật – giả lẫn lộn, biến có thành không, không thành có, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã khiến không ít người nhẹ dạ, có nhận thức hạn chế tin và nghe theo. Chúng thực chất chỉ là những “trí thức rởm”, đám “lưu manh chính trị”, lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Từ những luận giải trên cho thấy, đội ngũ trí thức ở nước ta luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc, vì nước, vì dân. Từ khi có Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cống hiến cho nhân dân, đất nước. Chúng ta tự hào vì có những “nguyên khí quốc gia” luôn đồng hành cùng dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta không cần và trừng trị nghiêm minh với thứ trí thức “rởm”, cái gọi là “trí thức chính trị” mà tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” là hạt nhân, vì tư lợi, bất mãn mà làm trái với luân thương đạo lý, đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc. Đồng thời, đây là cơ sở bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về vai trò của đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay./.

Nhân văn Việt

 Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy."



Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới."

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong 10 năm qua.

Phát huy vai trò tiên phong, ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các lực lượng triển khai đồng bộ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 8.

Quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, góp phần quan trọng vào việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; làm thất bại mọi âm mưu chống phá trong các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Qua thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nâng tầm ngoại giao đa phương, tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao thành tựu của đối ngoại và ngoại giao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nổi bật là góp phần quan trọng củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đối ngoại và ngoại giao đã góp phần tạo những bước phát triển quan trọng trong các khuôn khổ quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống, từ đó tạo dựng mạng lưới quan hệ ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu, ổn định; giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao còn góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, vận động kiều bào tham gia đóng góp vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại các diễn đàn đa phương quan trọng; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ tình hình quốc tế đang chuyển biến phức tạp, đặt ra những vấn đề mới cho công tác đối ngoại cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục quán triệt, triển khai những định hướng của Nghị quyết Trung ương 8 và những định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội XIII và Nghị quyết 34-NQ/TW về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy," quán triệt sâu sắc chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam,” “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển,” “dĩ bất biến, ứng vạn biến.”

Đồng thời, tiếp tục giữ vững và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở giữ vững lập trường, nguyên tắc, ứng xử linh hoạt, sáng tạo, khôn khéo.

Chủ tịch nước chỉ đạo ngành ngoại giao cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế hiệu quả, thực chất, góp phần tăng cường tiềm lực đất nước; phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia.

Ngành ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; không ngừng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức; bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

Cũng nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)./.

PV - Nguồn: TTXVN/Vietnamplus

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.