DI CHÚC CỦA BÁC HỒ LÀ TÀI SẢN VÔ GIÁ CỦA DÂN TỘC
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc ra đi, Bác đã để lại di chúc thiêng liêng, là tài sản vô giá mà kết tinh trong đó là những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, để cho mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân các thế hệ sau học tập và làm theo, nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn của Người.
Di chúc đã để lại những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Di chúc là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân Việt Nam, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được phản ánh trong di chúc, trước hết thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, nhân dân, các lực lượng vũ trang của ta trong việc đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, nam bắc sum họp một nhà. Người đặt niềm tin vào sự tất thắng đó: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh trong di chúc có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng cho Đảng trong việc hoạch định đường lối, phương hướng, xác định nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước phát triển bền vững.
Đạo đức Hồ Chí Minh là điểm nổi bật cả trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong di chúc là đạo đức cách mạng với hệ chuẩn mực giá trị cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đó cũng là đạo đức hành động, mà điểm đặc biệt nhấn mạnh là đạo đức và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền. Đó là đạo đức trong quan hệ giữa đảng với nhân dân, giữa nhà nước với nhân dân, sự quan tâm chăm lo của đảng đối với giáo dục, rèn luyện đạo đức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, đó là căn dặn Đảng ta phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để có đủ sức mạnh và uy tín của người cầm lái, dẫn đường cho quần chúng hướng theo. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của đảng và của dân ta”. Người nêu rõ: “Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Theo Người, muốn có sự đoàn kết chân thành và thực sự lâu dài thì phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò cầm quyền và trọng trách lịch sử của đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trước đảng và trước nhân dân. Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho thế hệ trẻ của đất nước tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau. Người nêu rõ: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Căn dặn Đảng và Chính phủ phải quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ để họ tiến bộ và trưởng thành, đồng thời bản thân chị em phụ nữ cũng phải tích cực phấn đấu vươn lên đáp ứng với trách nhiệm của mình.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trăn trở, lo nghĩ nhiều về đoàn kết quốc tế, nhất là trước sự bất đồng giữa các Đảng Cộng sản anh em. Người coi đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng anh em là điều kiện quan trọng đảm bảo cho phong trào cộng sản và công nhân đến toàn thắng.
Có thể nhận thấy rằng, di chúc của Bác thực sự là mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử, tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc, sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và tình nghĩa, thủy chung sâu sắc. Đó là sự hoàn chỉnh chân - thiện - mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại trên thế giới; phản ánh sâu sắc cách sống, sinh hoạt hết sức bình dị nhưng vô cùng cao quý, trọn đời vì nước, vì dân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đúc kết thật sâu sắc trong di chúc của Bác, những lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa dành cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vô cùng sâu sắc và quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trước mắt và lâu dài. Do vậy sẽ trường tồn mãi mãi theo thời gian để mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân Việt Nam học tập và làm theo./.