Qua những gì diễn ra liên quan đến đường lưỡi bò gần đây có thể nhận thấy, Trung Quốc đang âm thầm thôn tính văn hóa một cách rất tinh vi. Với những thứ tưởng chừng rất bình thường nhưng nếu không xem xét cẩn thận thì rất dễ bị đánh lừa.
Đơn cử như trường hợp phim Barbie mới đây có gây chút tranh cãi vì cái gọi là “đường lưỡi bò” trong hình ảnh của phim khá mơ hồ, khiến không ít người bên ngoài cho rằng Việt Nam chủ trương “thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, đây là một sự thể hiện tinh vi của các nhà làm phim. Trong bức hình bản đồ thế giới, phía dưới phần châu Á, có một đường đứt đoạn cực kỳ vô duyên. Một “đường đứt đoạn”, dù 8 đoạn hay 9 đoạn, xuất hiện trong một bản đồ, lại ở khu vực châu Á để làm gì nếu nó không có hàm ý là sự công nhận “đường lưỡi bò”?
Hay mới đây ở bộ phim Flight to you, chỉ cần 3 giây, nhà sản xuất phim Trung Quốc đã cài cắm đường lưỡi bò phi pháp trong 9/39 tập phim. Tinh vi đến mức nếu như trên diễn đàn của người Việt không kịp thời lên tiếng thì một bộ phim vừa mang ý nghĩa điện ảnh vừa mang hàm ý chính trị đã ra đời.
Năm 2021, bộ phim Em là thành trì doanh lũy của anh trong tập 15 cũng có cảnh bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” phi pháp. Cảnh phim nằm ở phút thứ 29, bản đồ Trung Quốc hiện rõ đường chín đoạn bằng các dấu gạch trắng trong đoạn nam cảnh sát Hình Khắc Lũy (Bạch Kính Đình đóng) và nữ bác sĩ Mễ Kha (Mã Tư Thuần) gặp nhau tại khu chỉ huy.
Tháng 3/2018, phim Trung Quốc Điệp vụ biển đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt do tranh cãi về hai phút cuối phim. Đó là cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và phát loa thông báo: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”. Hai phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được gài cắm một cách vô lý.
Thẳng thắn nhận định thì đây là sự vô lý một cách cố ý. Bởi Trung Quốc hiểu rằng nhận thức là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông. Họ kiên trì lặp đi lặp lại quan điểm về “đường lưỡi bò” thông qua sản phẩm công nghệ, phim ảnh, đồ lưu niệm, hộ chiếu… nhằm mục đích biến một thứ không tồn tại trở thành tồn tại.
Đây là một phương thức rất phổ biến mà Trung Quốc đã dùng để đồng hóa rất nhiều nước. Vì thế, nhận rõ âm mưu của Trung Quốc mà chương trình dự báo thời tiết hàng ngày của Việt Nam luôn phải dự báo về tình hình thời tiết quần đảo Hoàng sa, Trường sa để khẳng định chủ quyền. Bất cứ một sự kiện ngoại giao nào, một hội nghị nào nếu có cơ hội thì lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định chủ quyền với biển Đông.
Tuy nhiên, điều đang nói là những bộ phim xuyên tạc sự thật lịch sử, tuyên truyền bịa đặt đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xúc phạm đến anh linh các liệt sĩ… song chỉ cần bộ phim ấy có thần tượng của mình đóng vai chính, nhiều bạn trẻ sẵn sàng tung hô, đón xem. Thậm chí, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đứng chờ hàng đêm để được gặp mặt thần tượng tại sân bay, chi cả tháng lương để tham dự một sự kiện có thần tượng tham gia.
Đó là tình trạng đáng báo động về việc nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức lệch lạc, có dấu hiện suy đồi, tôn sùng thần tượng và văn hóa nước ngoài mà quay lưng lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp và lịch sử dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, khi các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội nở rộ, khó kiểm soát, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã đẩy mạnh việc tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội, lợi dụng các giá trị văn hóa trong nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá các sản phẩm độc hại, làm băng hoại những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập, văn hóa phẩm phong phú đến từ nhiều nguồn khác nhau khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh việc giáo dục về chủ quyền quốc gia, sự nhạy cảm chính trị đến giới trẻ – lực lượng lớn sử dụng Internet, mạng xã hội.