Đừng lợi dụng một hoạt động nhân văn làm cái cớ xuyên tạc

 Ngày 19/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM đã phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Đây là nén tâm hương cho những người nằm xuống, trong những ngày đau thương chung của toàn dân tộc. Nhưng đối tượng chống phá Phạm Minh Vũ lại lấy cớ xuyên tạc, cho rằng chính quyền “phải chịu trách nhiệm”.



Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 mới tạm lắng nhưng đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, chiến sỹ cả nước và hàng triệu người trên khắp thế giới. Đây là dịch bệnh hàng trăm năm có một, với sức tàn phá khủng khiếp và làm điêu đứng mọi quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia giàu có nhất. Nếu muốn đổ lỗi cho chính quyền, Phạm Minh Vũ có lẽ nên tìm hiểu các số liệu rồi đổ lỗi luôn cho toàn thế giới mới đúng.


Luận điệu bịa đặt, xuyên tạc của Phạm Minh Vũ.

Hậu quả của một đại dịch chưa từng có, vượt xa năng lực ứng phó của bất kỳ chính quyền nào

Dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, một trong hai quốc gia giàu có nhất thế giới. Chính quyền hoàn toàn bị động, số ca nhiễm tăng cao liên tục kéo theo số tử vong lớn. Không thể hình dung một nước lớn với những nguồn lực khổng lồ như Trung Quốc mà khi đó cũng phải rơi vào tình cảnh thiếu thốn nghiêm trọng các trang thiết bị bảo hộ cho y tế như khẩu trang, nước kháng khuẩn. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tận tình gửi hàng viện trợ giúp đỡ cho Trung Quốc nhưng tốc độ dịch bệnh vượt xa tốc độ ứng phó của con người.

Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia châu Âu có tới vài tháng để quan sát tình hình ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia tại quốc gia này khi đó còn tỏ ra chê bai các biện pháp cứng rắn mà chính quyền Trung Quốc áp dụng như phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt. Và khi đến lượt mình, Mỹ cùng châu Âu đã phải vật lộn với tình hình còn nghiêm trọng hơn. Chính quyền các nước này lúc đầu đề xuất cái gọi là “miễn dịch cộng đồng”, tức là chấp nhận cho 1 một số lượng lớn dân chúng nhiễm bệnh (và nhiều người sẽ tử vong) có kiểm soát để mong sau khi nhiều người lây nhiễm có kháng thể thì cộng đồng sẽ chống chọi được dịch bệnh. Kết quả là số ca nhiễm tăng nhanh, số ca nặng và tử vong diễn biến phức tạp. Những lúc cao điểm, mỗi ngày có 1.000 người Ý tử vong, tại Tây Ban Nha có hơn 900 người và tại Mỹ có thời điểm lên tới hơn 4.000 người tử vong mỗi ngày. Một cường quốc khoa học hàng đầu như Mỹ mà cũng xảy ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trang thiết bị y tế thiếu thốn liên tục.

Chính quyền các nước này hốt hoảng và mắc sai lầm liên tục, họ loay hoay chuyển sang giãn cách xã hội nhưng làm không chặt, và tình hình không được cải thiện. Truyền thông Mỹ hồi tháng 4/2020 đưa tin hàng ngày về cuộc tranh cãi dữ dội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thống đốc bang New York Andrew Mark Cuomo. Thành phố New York lúc đó là tâm dịch của cả nước Mỹ. Thống đốc Cuomo ngày 17/4 lập luận rằng chính quyền liên bang cần tăng cường hỗ trợ, còn Tổng thống Trump nói ông Cuomo đừng phàn nàn nữa và hãy làm việc. Ngay cả Tổ chức y tế thế giới WHO cũng bị chỉ trích là “không làm được gì” trong dịch bệnh. Đã có những tình huống đau lòng xảy ra khi giữa tình cảnh khủng hoảng, thiếu thốn, người ta đã buộc phải lựa chọn những giải pháp tồi tệ để tránh những thứ còn tồi tệ hơn. Tại nhiều bệnh viện ở Mỹ, Anh và các nước châu Âu, khi thiếu máy thở, các bác sĩ buộc phải dành nó cho những bệnh nhân có triển vọng sống sót hơn, đồng nghĩa với bỏ mặc những người nặng hơn cho số phận định đoạt.


Thống đốc New York Cuomo (phải) đã có những tranh cãi với Tổng thống Trump về biện pháp chống dịch.

Chính phủ Việt Nam đã rất cầu thị trên tinh thần bảo vệ tối đa sức khỏe tính mạng người dân

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước với chính sách nhất quán là bảo vệ tối đa sức khỏe và tính mạng của người dân, nên ngay từ đầu đã chọn biện pháp giãn cách xã hội. Giải pháp này giúp hạn chế tối đa ca nhiễm, đồng nghĩa với giảm thiểu số ca bệnh nặng và tử vong, bảo vệ cộng đồng. Ngoài ra, nó cũng là giải pháp tối ưu nhất khi Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống y tế còn nhiều thiếu thốn và không thể so sánh với các cường quốc như Mỹ, châu Âu vốn cũng vật lộn với đại dịch. Thực tế, nước ta đã trải qua cả năm 2020 và đầu năm 2021 chống dịch hết sức thành công, trở thành hình mẫu về quốc chống dịch trên toàn thế giới qua cả 3 làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư do chủng virus Delta mới xuất hiện có khả năng lây nhiễm quá mạnh cùng các yếu tố khách quan khác khiến số ca nhiễm và tử vong cao, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì các giải pháp giãn cách xã hội vẫn phát huy tác dụng, làm chậm lại tốc độ tàn phá của dịch bệnh trong khi chờ vaccine.

Điều đáng nói là trong suốt quá trình chống dịch của Việt Nam, các thế lực chống phá luôn luôn tìm cách xuyên tạc, kích động gây chia rẽ khiến cho các biện pháp của Nhà nước bị mất hiệu quả một phần. Hồi cuối tháng 7/2021, khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu về “nỗi đau khi có nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được” và ông nhận lỗi trên tư cách người đứng đầu thành phố. Chính đối tượng Phạm Minh Vũ đã đăng bài trên RFA đòi “xem xét giải tán khu cách ly bỏ phong tỏa để Nhân dân được duy trì cuộc sống”. Bỏ khu cách ly đồng nghĩa với việc để các F0, F1 tự do ngoài cộng đồng, và chắc chắn kéo theo vô số người nhiễm bệnh cũng như tử vong. Liệu Vũ có khi nào nhớ lại và ân hận vì những gì mình đã nói?


Bí thư Nên: “Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ”.

Bí thư Nên cũng từng phát biểu kể lại quãng thời gian khi dịch bệnh bùng phát quá mạnh, các khu cách ly quá tải “Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn” và thành phố bị cạn kiệt nguồn lực, lúng túng chưa biết làm gì cho đến khi được Trung ương chi viện với hàng trăm nghìn cán bộ chiến sỹ, hàng chục nghìn nhân viên y tế để để áp dụng giới nghiêm. Nhưng thay vì nhìn nhận các khó khăn của chính quyền thành phố, các đối tượng lại xuyên tạc lời của Bí thư Nên, cho rằng như thế đồng nghĩa với thừa nhận việc cách ly là “sai lầm”.

Thực tế, sự tàn phá của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam cũng khá tương đồng với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính quyền đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, và kết quả là như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải trình trước Quốc hội mới đây, chúng ta đã đề ra được nhiều giải pháp sáng tạo như tăng cường trạm y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và các tầng điều trị. Nỗ lực ngoại giao vaccine được Chính phủ đẩy mạnh, tới nay đã mang về được hơn 100 triệu liều vaccine trong bối cảnh nhu cầu cả thế giới đang cao, nhiều hợp đồng mua vaccine của Việt Nam được giao quá chậm.

Rõ ràng, dù đã có những “việc chưa làm được” như Bí thư Nguyễn Văn Nên thừa nhận, những nỗ lực của Đảng và Nhà nước để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Cần nhớ, ngay cả một giải pháp chống dịch được cho là tốt nhất hiện nay như vaccine cũng chỉ đạt hiệu quả khoảng 90% với những người được tiêm chủng, nghĩa là vẫn có rủi ro cho ít nhất 10% còn lại.

Cầu siêu vì nghĩa đồng bào, vì nỗi đau chung của dân tộc, không thể là thứ để xuyên tạc

Nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào lúc 20 giờ ngày 19-11. Buổi lễ này cũng là để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân, và cũng để tri ân những hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch, biết bao ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh Covid-19.

Có lẽ cách tưởng niệm tốt nhất cho những người đã khuất là hành động vì những người đang sống. Chúng ta đã có các gói an sinh xã hội để trợ cấp cho người nghèo, người yếu thế, những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch bênh. Chúng ta đã nỗ lực mang về hơn 100 triệu liều vaccine để đáp ứng tiêm chủng và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Chúng ta cũng đã có những chính sách để trợ cấp phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.

Trong khi đó, Phạm Minh Vũ và những kẻ chống phá lại rêu rao về “trách nhiệm” và “sai lầm”. Thế giới hiện nay vẫn chìm trong dịch bệnh. Nước Mỹ, nơi được tiêm chủng nhiều với những loại vaccine tốt nhất thế giới mà mỗi ngày vẫn đang có gần 1.000 người tử vong. Nước Anh, nơi sản xuất loại vaccine phổ biến nhất thế giới là Astra Zeneca hiện nay mỗi ngày cũng có trên dưới 100 ca tử vong do dịch bệnh bùng phát, tương đương Việt Nam dù dân số của họ chỉ bằng 2/3 và tỷ lệ dân số tiêm đủ liều vaccine đã gấp hơn 3 lần Việt Nam. Vậy thì Phạm Minh Vũ liệu có dám nói về “sai lầm” và “trách nhiệm” tại các quốc gia đó không, hay là chỉ dám “cõng rắn cắn gà nhà” và chống phá Tổ quốc.

Việc xuyên tạc, lợi dụng các nạn nhân Covid-19 để vu khống và làm giảm uy tín của Việt Nam là một hành vi vô trách nhiệm. Rõ ràng Phạm Minh Vũ và đồng bọn không lên tiếng vì các nạn nhân do Covid-19, họ chỉ lên tiếng vì sự ích kỷ và thiển cận của chính bản thân mình mà thôi.

An Diễm
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.