10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật thế giới năm 2019

Năm 2019 là năm đánh dấu thời kỳ quá độ chuyển dịch cục diện trật tự thế giới từ “đơn cực” sang “đa cực, nhiều trung tâm”, đặt ra cơ hội và thách thức đan xen đối với các nước vừa và nhỏ trong việc giữ vững nền độc lập, tự chủ. Diễn biến đó, thể hiện rõ nét qua 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật thế giới theo nhận định của Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

1. Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đổ vỡ, đẩy thế giới vào vòng xoáy chạy đua vũ trang

Mỹ thử tên lửa hành trình tại đảo San Nicolas, bang California ngày 18-8. Ảnh: TTXVN



Ngày 02-8-2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ký với Liên Xô năm 1989 và không đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược giai đoạn 3 (START-3) hết hiệu lực vào năm 2021. Đây là một bước đi nguy hiểm, tạo ra khoảng trống trong hệ thống kiểm soát vũ khí tầm ngắn và tầm trung (từ 500 km đến 5.500 km), nhất là vũ khí hạt nhân, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, cùng với việc rút khỏi INF, thời gian tới, nếu Mỹ và Nga không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) sẽ tạo ra nguy cơ đẩy hai cường quốc hạt nhân tới đối đầu quân sự như những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Mát-xcơ-va cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ để tiếp tục duy trì INF, nhưng Oa-sinh-tơn đã từ chối. Do đó, Nga cũng chấm dứt việc tuân thủ INF. Những động thái này đang đẩy thế giới vào vòng xoáy một cuộc chạy đua vũ trang mới.
2. Bước ngoặt trong cuộc nội chiến tại Xy-ri

Tổng thống Nga V.I. Pu-tin bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-gan trong cuộc họp báo tại Sochi hôm 22-10. Ảnh: Reuters.

Gần 09 năm sau khi làn sóng “Mùa xuân Ả-rập” thổi bùng cuộc nội chiến đẫm máu tại Xy-ri, “thế cờ” mới ở quốc gia này đã được thiết lập trong năm 2019. Với sự hỗ trợ tích cực của quân đội Nga, quân đội chính phủ Xy-ri đã từng bước đẩy lùi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các nhóm vũ trang đối lập, giành lại phần lớn lãnh thổ. Thực tế này đã giúp Tổng thống Ba-xa An-at-xat từng bước củng cố quyền lực, tiến tới chấm dứt nội chiến. Nhưng mọi việc không diễn ra suôn sẻ như vậy. Ngày 07-10-2019, Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Đông Bắc Xy-ri, tạo điều kiện có một không hai để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”, tấn công lực lượng dân quân người Cuốc ở khu vực này. Chiến dịch này được Nga ủng hộ bằng việc Mát-xcơ-va ký với An-ka-ra thỏa thuận nhằm thiết lập một vùng an toàn ở Xy-ri. Đây là một thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Nga V.I. Pu-tin, đảm bảo cho Nga vừa đóng vai trò trung gian hòa giải, vừa khẳng định vị thế ở Trung Đông.
3. Mỹ – I-ran bên miệng hố chiến tranh

Loại máy ly tâm thế hệ mới IR-6 làm giàu urani vừa được Iran đưa vào sử dụng đầu tháng 11. Ảnh: TTXVN 


Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân I-ran, từng được coi là bước ngoặt lịch sử, chìa khóa tháo “ngòi nổ” Trung Đông sau nhiều năm căng thẳng, nhưng hiện giờ vẫn như “chỉ mành treo chuông”. Sau hơn 01 năm Mỹ rút khỏi JCPOA, Trung Đông rơi vào căng thẳng, bên miệng hố chiến tranh. Mỹ vừa áp đặt cấm vận, vừa gia tăng sức ép quân sự với I-ran, còn I-ran đổ lỗi cho các nước còn lại không thực hiện JCPOA. Do đó, cuối năm 2019, I-ran nối lại hoạt động làm giàu u-ra-ni, tăng dự trữ lên trên 500 kg. Các chuyên gia vũ khí nhận định, để sở hữu một đơn vị vũ khí hạt nhân có đột phá, Tê-hê-ran cần thêm từ vài tháng đến một năm. Nếu các bên liên quan không nỗ lực ngăn chặn JCPOA đổ vỡ, thì khó ràng buộc I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân và cuộc đối đầu quân sự giữa I-ran và Mỹ ngày càng hiện hữu. Ngay sau khi cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út bị tấn công (14-9-2019), Oa-sinh-tơn cáo buộc I-ran đứng đằng sau và điều thêm hàng nghìn quân đến eo biển Hô-mut; đồng thời tuyên bố Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên nòng”. Phản ứng lại, I-ran tuyên bố không liên quan tới vụ tấn công và đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực.

4. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai ngày 27-02. Ảnh: TTXVN


Sau 08 tháng Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Xinh-ga-po, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục có cuộc gặp lịch sử trong 02 ngày (27 và 28-02-2019) tại Hà Nội để bàn về vấn đề hạt nhân. Dù được kỳ vọng sẽ hóa giải những bế tắc mà cuộc gặp lần trước chưa được giải quyết, song những tranh cãi về các chi tiết liên quan đến cách thức giải giáp hạt nhân của Triều Tiên và gỡ bỏ trừng phạt của Mỹ cùng những nghi kỵ còn tồn tại, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Tiếp đó, ngày 05-10-2019, Mỹ và Triều Tiên nối lại cuộc đàm phán cấp chuyên viên để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được ở Xinh-ga-po, nhưng cuộc đàm phán này không được như mong đợi, khiến tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa bị đình trệ, rơi vào bế tắc.
5. Hồng Kông chao đảo vì làn sóng biểu tình

Hàng trăm nghìn người Hồng Kông hôm 09-6 biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về Đại lục. Ảnh: Wochit

Ngày 09-6-2019, xứ Cảng Thơm lại chao đảo bởi làn sóng biểu tình, ước tính có hơn 01 triệu người tham gia phản đối dự luật dẫn độ về Đại Lục. Dưới sức ép của dư luận, chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông đã rút lại dự luật dẫn độ, song làn sóng biểu tình không dừng lại mà vẫn kéo dài, gây bất ổn xã hội, khiến tăng trưởng kinh tế của đặc khu sụt giảm nghiêm trọng, lần đầu tiên nền kinh tế Hồng Kông rơi vào suy thoái trong 10 năm qua. Ngày 20-11-2019, với tỷ lệ áp đảo 417/1, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua “Đạo luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông”. Theo đó, hằng năm, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phải cấp giấy chứng nhận về quyền tự chủ của Hồng Kông thì mới được hưởng quy chế thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ. Dự luật quy định rõ sẽ trừng phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm quyền tự do theo Luật cơ bản Hồng Kông và chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ không từ chối cấp visa cho những người bị bắt hoặc bị giam giữ vì động cơ phản kháng bất bạo động. Sở dĩ Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua đạo luật này là do Oa-sinh-tơn luôn đồng hành và ủng hộ những người yêu tự do, đấu tranh vì tự do ở Hồng Kông.
6. Mỹ La-tinh chìm trong khủng hoảng

Ông E-vô Mô-ra-let (áo xanh) tới Mê-hi-cô tị nạn chính trị hôm 12-11. Ảnh: Getty Images


Có thể thấy, tại khu vực Mỹ La-tinh, bất ổn và nguy cơ hỗn loạn xuất hiện từ các nước nhỏ và nghèo như: Ha-i-ti, Ni-ca-ra-goa, Goa-tê-ma-la, Hôn-đu-rat, cho tới các nước lớn như Vê-nê-zu-ê-la, E-cu-a-đo, Pê-ru, Chi-lê và Bô-li-vi-a. Còn Ác-gen-ti-na và Bra-zin là hai trong các nước phát triển, ổn định thì nay tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Điển hình là cuộc đảo chính bất thành ở Vê-nê-zu-ê-la do phe đối lập tiến hành. Nghiêm trọng hơn là cuộc chính biến vừa qua (tháng 11-2019) ở Bô-li-vi-a đã buộc ông E-vô Mô-ra-let – vị tổng thống tại vị suốt 14 năm phải từ chức và chạy sang tị nạn ở Mê-hi-cô. Là quốc gia Nam Mỹ có chỉ số phát triển con người cao và là một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất khu vực, Chi-lê cũng đang phải đối mặt với làn sóng hỗn loạn lớn nhất kể từ năm 1990. Nguyên nhân trực tiếp của sự bất ổn này là sự tăng giá giao thông công cộng và tiền điện vào đầu tháng 10-2019 đã kích động các cuộc biểu tình, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Chính phủ Chi-lê đã phải thông báo trưng cầu ý dân về hiến pháp mới. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn, thậm chí khủng hoảng ở khu vực này, một mặt xuất phát từ những khó khăn về kinh tế - xã hội mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang lâm vào; mặt khác, do tác động từ sự cạnh tranh giữa các nước lớn nhằm giành quyền kiểm soát một khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ.
7. Tiến trình hòa bình Trung Đông lâm vào bế tắc

Người dân Pa-le-xtin biểu tình phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25-6. Ảnh: TTXVN


Năm 2019, Nhà Trắng đã chính thức bắt tay triển khai kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”. Theo Mỹ, thỏa thuận này sẽ được ba bên ký kết, gồm: I-xra-en, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) và Phong trào Hồi giáo Ha-mat. Một số nội dung chính của thỏa thuận trên là: Nhà nước Pa-le-xtin sẽ gọi là “Pa-le-xtin mới”, lãnh thổ là vùng đất Bờ Tây và Dải Ga-za hiện bị I-xra-en chiếm đóng, không gồm các khu định cư của người Do Thái; chỉ có cảnh sát - lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí hạng nhẹ, không có quân đội; Giê-ru-xa-lem trở thành thủ đô chung của cả I-xra-en và “Pa-le-xtin mới”, do I-xra-en quản lý hành chính và đất đai; I-xra-en có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho “Pa-le-xtin mới”. Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang toan tính vẽ lại bản đồ Trung Đông, đi ngược lại quan điểm của Liên hợp quốc và Sáng kiến hòa bình Ả-rập năm 2002 hướng tới giải pháp thành lập hai nhà nước, đưa đường biên giới giữa I-xra-en và Pa-le-xtin về đúng thực trạng trước năm 1967. Vì thế, “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ không những không tạo đột phá mà còn đẩy Trung Đông lâm vào bế tắc.
8. NATO và những rạn nứt nội khối

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London (Anh) ngày 04-12. Ảnh: TTXVN

Cùng với sự tồn tại và phát triển suốt 70 năm qua, năm 2019, NATO không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Đặc biệt, sau cuộc họp thường niên của khối vào cuối năm 2018, Tổng thống Đô-nan Trăm cho rằng NATO là một tổ chức đã lỗi thời và còn không ít lần tuyên bố sẽ rút khỏi liên minh quân sự này nếu các nước thành viên không nâng mức đóng góp ngân sách. Trong khi đó, Pháp và Đức nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về vai trò của NATO trong một số vấn đề, như: triển khai quân ở Trung Đông, quan hệ với các quốc gia Ả-rập, đối đầu quân sự với Nga ở Xy-ri, thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, v.v. Trước tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các thành viên, đầu tháng 11-2019, Tổng thống Pháp Ê-ma-nu-en Mac-rôn đã không ngần ngại đưa ra nhận định rằng liên minh quân sự này đang bị “chết não” và mong muốn châu Âu xây dựng lực lượng quân sự để tự phòng vệ hơn là phụ thuộc vào “ô an ninh” của Mỹ cũng như NATO. Thực tế “chết não” khiến vai trò và năng lực của NATO không còn như trước, buộc liên minh quân sự này phải nhìn nhận lại vị thế trong một thế giới đang biến động không ngừng.

9. Nga triển khai hệ thống phòng thủ S-400 ở Bắc cực

Tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT


Đầu tháng 12-2019, Phó Đô đốc A.Môi-xe-ep , Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc của Nga cho biết, các lực lượng tên lửa phòng không của Nga hoạt động ở vùng Bắc Cực đang trải qua đợt tái trang bị vũ khí toàn diện. Trong đó, hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến nhất của Nga sẽ được chuyển giao cho các lực lượng ở Bắc Cực, nhằm thiết lập một “mái vòm phòng không”, ngăn chặn sự xâm nhập của bất cứ vũ khí nào mà đối phương sử dụng, như: máy bay, tên lửa hành trình và thậm chí cả tên lửa đạn đạo. Đây là bước đi mới nhất của Nga nhằm phản ứng trước việc các nước phương Tây tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực có vị trí địa lý chiến lược và giàu tài nguyên này. Trước đó, Nga đã trang bị hơn 1.000 đơn vị vũ khí hiện đại, trong đó có 05 tàu chiến, 07 tàu hậu cần, 09 máy bay và 10 tổ hợp ra-đa cảnh giới cho Hạm đội Phương Bắc. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định việc xây dựng lực lượng ở Bắc Cực là một phần của chiến lược tổng thể, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trên hướng chiến lược phía Tây và Tây Bắc Nga. Việc làm này của Nga có thể khiến cho cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực này nóng lên trong thời gian tới.
10. IS vẫn là mối đe dọa an ninh toàn cầu

Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) A-bu Bac An-bac-đa-hi bị tiêu diệt vào tháng 10-2019. Ảnh: CBS News


Cuối năm 2019, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hứng chịu một đòn mạnh khi thủ lĩnh A-bu Bac An-bac-đa-hi bị tiêu diệt. Đây là bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung của Mỹ và các quốc gia đồng minh. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cho dù thủ lĩnh của IS đã bị tiêu diệt thì cũng không có nghĩa là đã triệt tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố hay những tư tưởng cực đoan. Nói cách khác, thủ lĩnh IS có thể bị tiêu diệt, nhưng IS thì chưa và “bóng ma” của nó vẫn là nỗi ám ảnh ở nhiều quốc gia. Bởi lẽ, tân thủ lĩnh của tổ chức này – Ap-đu-la Qua-đat - được đánh giá là kẻ mang tư tưởng tàn độc hơn cả A-bu Bac An-bac-đa-hi (kẻ có biệt danh “giáo sư”), vì hắn là chuyên gia nghiên cứu và hoạch định chính sách tàn nhẫn của IS. Thực tế, Ap-đu-la Qua-đat đã được A-bu Bac An-bac-đa-hi đề cử vào vị trí thay thế mình từ hồi tháng 8-2019 với nhiệm vụ đặc trách các vấn đề Hồi giáo. Vì thế, IS vẫn là mối đe dọa an ninh toàn cầu trong thời gian tới.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Chuyên mục:
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.