Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập tự do cho nước nhà. Một chính quyền vừa thành lập, với rất nhiều khó khăn, thách thức, phải đối mặt thù trong, giặc ngoài, vì vậy, ngày 3-9-1945, Người đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm: khắc phục nạn đói; nạn dốt; giáo dục lại nhân dân với việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết và đặc biệt là phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Ngày 8-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 14/SL của Chính phủ lâm thời về cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 26-9-1945, ký Sắc lệnh số 39/SL của Chính phủ lâm thời về lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; ngày 17-10-1945, ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử và ấn định ngày 23-12-1945 sẽ là ngày Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 18-12-1945, ký Sắc lệnh số 76/SL về việc hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.
Đồng thời, với việc triển khai những công việc hành chính, Người viết nhiều bài báo kêu gọi những người có tài có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước. Trong bài viết Nhân tài và kiến quốc đăng Báo Cứu Quốc ngày 14-11-1945, Người viết: Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những lĩnh vực như kiến thiết ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục, sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì gửi kế hoạch tới Chính phủ, để Chính phủ nghiên cứu và nếu có thể sẽ thực hành ngay. Người cũng viết nhiều bài đăng Báo Cứu Quốc kêu gọi các bậc tài đức hãy mau mau ra giúp nước… Việc xây dựng một Chính phủ thật sự là công bộc của dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 19-9-1945, Người viết: “…Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Cùng với việc xây dựng Chính phủ Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải lựa chọn những người tài – đức xứng đáng để bầu vào Ủy ban nhân dân các cấp. Người viết: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”.
Đặc biệt, trong bài Ý nghĩa tổng tuyển cử đăng trên Báo Cứu Quốc số 130 ngày 31-12-1945, Bác nêu rõ, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền ứng cử và bầu cử “cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết” và Quốc hội do Tổng tuyển cử bầu ra sẽ cử ra Chính phủ, “Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Dù không dài nhưng bài viết đã nêu được ý nghĩa cốt lõi nhất của Tổng tuyển cử và mong rằng “toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này”.
Đến sát ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu (đăng Báo Cứu Quốc ngày 5-1-1946). Người khẳng định: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn” và kêu gọi “… mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời cũng như cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6-1-1946, trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó Hồ Chí Minh là ứng cử viên trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Về việc ứng cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Hà Nội, không thể không nhắc tới sự việc đồng bào khu vực ngoại thành Hà Nội ra nghị quyết ngày 11-12-1945 (đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 13-12-1945) yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới và suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này thể hiện rõ sự tín nhiệm cũng như tình cảm vô bờ bến mà nhân dân ta dành cho vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Đáp lại lời quyết nghị này, trên Báo Cứu Quốc ngày 15-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm tạ tấm lòng của đồng bào khu vực ngoại thành Hà Nội, nhưng Người khẳng định: “Tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định…” và vẫn thực hiện quyền ứng cử của mình.
Sáng 6-1-1946, thực hiện quyền bầu cử của mình Người đi bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu ở số nhà 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đống Mác.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình không chỉ là tấm gương cho toàn thể nhân dân mà còn thể hiện sự công bằng, liêm chính của Chính phủ lâm thời mà Người là đại diện. Với đồng bào cả nước, hành động của Người càng mang lại niềm tin vững chắc vào một tương lai mới cho dân tộc. Với các thế lực thù địch, Người không cho chúng có cơ hội xuyên tạc tính minh bạch của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam.
Tư tưởng chỉ đạo, lời nói và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Ngày hôm đó là ngày mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Đó là ngày Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu ra thông qua Tổng tuyển cử theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Thực hiện tư tưởng của Người về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trong những ngày tháng 5 này, toàn thể nhân dân Việt Nam náo nức tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, để bầu ra những đại biểu đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, trách nhiệm xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân… Hòa chung vào không khí vui tươi, phấn khởi và tin tưởng của toàn dân; ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thật sự là ngày hội đại đoàn kết của toàn dân. Quốc hội mới sẽ tạo nên một sức mạnh mới, sức mạnh của cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với quyết tâm mới trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, từ đó lựa chọn thành lập được một Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp thật sự là “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.