Phải dựa vào dân mới chống được tham nhũng

Muốn chống tham nhũng, giữ được tiền của cho nhân dân, phải nhìn kỹ, hiểu thấu bản chất, nguồn gốc và tác hại của tham ô, lãng phí; phải hiểu kỹ lời dạy của Bác Hồ: chống tham ô, lãng phí là cách mạng, là dân chủ vì “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ”, tham ô là đặc trưng, gắn liền với thực dân, phong kiến. Đấu tranh chống thực dân, phong kiến, xây dựng xã hội mới phải bao hàm cả đấu tranh chống tham ô, lãng phí. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực thuộc về nhân dân, tất cả tài sản là của nhân dân. Nhân dân đóng góp mồ hôi, xương máu, tiền của cho công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước.
Vì vậy, hiện nay bảo vệ tài sản công, chống tham nhũng, lãng phí là bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Dân chủ tức là nhân dân làm chủ, cán bộ là người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, phê bình cán bộ, đấu tranh chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí. Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí. Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao.
Khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Người cũng chỉ ra những giải pháp để chống tham ô, lãng phí, quan liêu: muốn đánh thắng nó, phải có chuẩn bị thật chu đáo, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và điều quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt để chống. Người cực lực phản đối việc bố trí những người đã “nhúng chàm” làm nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì làm như vậy, thực chất là “nối giáo cho giặc”.
Qua hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt vài ba năm gần đây, chúng ta đã đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và đã giành được những kết quả rất quan trong, 12 đại án đã và đang được xét xử, đưa ra ánh sáng; làm nức lòng nhân dân. Tuy nhiên, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật và nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đã chỉ rõ tham nhũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn phải kiên quyết, kiên định, kiên trì; phải thực hiện đúng quan điểm của Đảng: Bọn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là những kẻ có tội với Tổ quốc, với Nhân dân, phải trừng trị đích đáng./.
[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.