Nói xấu lãnh tụ, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Trong thời gian qua, nhằm bôi nhọ, hạ uy tín chủ tịch Hồ Chí Minh, trên một số phương tiện thông tin, trang mạng xuất hiện luận điệu cho rằng, Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là sai lầm, có tội với lịch sử? Thực tế lịch sử đã bác bỏ luận điệu trên.
Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với sự xâm nhập ngày càng sâu của chủ nghĩa tư bản, cục diện xã hội có nhiều biến chuyển sâu sắc. Điều đó đã kích thích những người yêu nước Việt Nam từ bỏ con đường cứu nước theo kiểu phong kiến – “phò vua cứu nước”, để đi tìm một đường lối mới giải phóng dân tộc khỏi kiếp nô lệ. Những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước đã hình thành tư tưởng quân chủ lập hiến và tư tưởng cải lương tư sản. Tuy mức độ khác nhau, nhưng cả hai khuynh hướng đó đều chưa đoạn tuyệt với hệ ý thức phong kiến – thứ tư tưởng mang màu sắc dung hoà đó không thể đáp ứng được mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc đó là độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển tiến lên phù hợp với điều kiện mới. Song sự thất bại của khuynh hướng đấu tranh giành độc lập dân tộc theo ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,… đã nói lên điều đó.
Trong bối cảnh ấy, nhiều người Việt Nam yêu nước, trong đó có Nguyễn Aí Quốc, tiếp tục nung nấu tìm đường cứu nước. Sau bao năm bôn ba hải ngoại, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, mở ra một khuynh hướng hoàn toàn mới – khuynh giải quyết vấn đề dân tộc theo ngọn cờ của giai cấp vô sản. Như vậy, ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là kết quả tất yếu quá trình vận động khách quan của lịch sử dân tộc và nhân loại. Việc đi tìm đường cứu nước và những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin của Nguyễn Ái Quốc là sự khởi đầu tạo nên hợp lưu của dòng chảy ấy. Chúng ta biết rằng, ở thời kỳ đầu thế kỷ XX, nếu Nguyễn Ái Quốc chưa tiếp nhận được chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá nó vào Việt Nam, thì tất yếu ánh sáng cách mạng đó cũng sẽ đến với dân tộc ta thông qua nhiều con đường khác ở thời điểm cận kề. Bởi từ những năm 20 của thế XX, sự chấn động của cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự phát triển của chính chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, thì kẻ thù dù muốn “bưng bít” nhưng cũng không thể lấy tay “che nổi mặt trời”. Ngọn cờ cách mạng vô sản theo thời gian đã phấp phới tung bay gần như hầu khắp hành tinh của chúng ta. Vì vậy, chưa cần bàn đến học thuyết cách mạng Mác – Lênin có thích hợp với các mạng Việt Nam lúc đó hay không thì cũng không ai có quyền phỉ báng vào hiện thực lịch sử, quy cho Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là có tội với lịch sử dân tộc, khi Ông là người đầu tiên tiếp nhận và phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam tự nó chưa nói lên sự trường tồn của hệ tư tưởng đó đối với cách mạng nước ta. Vấn đề cốt tử là ở khả năng toả sáng, chỉ đường, tính hấp dẫn lôi cuốn của lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin với cả một dân tộc đang vươn lên để giành lại sự sống trong độc lập, tự do. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ được khẳng định bằng sự thắng lợi thuộc về giai cấp công nhân trong cuộc chạy đua giành bá quyền lãnh đạo cách mạng mà chủ yếu được thể hiện ở kết quả của sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tròn 15 tuổi, Đảng ta đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám, khai sinh Nhà nước Dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thành quả cách mạng vĩ đại mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc được. Điều mà hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức bóp méo lịch sử là gán ghép cho Hồ Chí Minh và Đảng ta “tội” vận dụng học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác – Lênin đưa tới cảnh “nồi da nấu thịt” trong suốt 30 năm (1945-1975)! Thực ra đây là sự nhắm mắt làm ngơ hoặc có mắt như mù của những kẻ cố tình vu cáo. Bởi hầu hết trong số những người lên tiếng ở chủ đề này đều sinh ra, lớn lên và đã chứng kiến, có người vốn cũng từng tham gia một hoặc cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, họ thừa hiểu rằng đâu là nguồn gốc và ai là kẻ thủ phạm gây ra các cuộc chiến tranh đó. Không lẽ Hồ Chí Minh và Đảng ta, sau bao cơn chèo chống để cố giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán như đã từng ngồi vào Hội nghị ở Đà Lạt (1946), ở Phôngtenơblô (1946), ở Zơnevơ (1954), ở Pari (1968-1973) và không ít lần trong 2 cuộc chiến tranh đã để ngỏ cơ hội thương lượng hoà bình với những sự nhân nhượng nhất định, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới, buộc Đảng ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động toàn dân tộc ta đứng lên kháng chiến để bảo vệ, giành lại nền độc lập, tự do của dân tộc, lại bị cho là “có tội”? Còn những kẻ mang hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, chất độc hoá học, phương tiện chiến tranh tối tân nhất từ một số quốc gia Âu, Mỹ và chư hầu của chúng ở các châu lục khác giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội là chủ nhân của Tổ quốc Việt Nam thì được coi là hiệp sĩ của hoà bình? Như thế có công bằng sao được !
Có thể khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là người có công lao to lớn trong việc du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc lịch sử, gán cho Hồ Chí Minh tạo ra cảnh “nồi da nấu thịt”, không chỉ xúc phạm đến Người mà còn phỉ báng đến linh hồn của hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, và chúng ta cần phải bác bỏ những luận điệu ấy.