Một trong những âm mưu, thủ đoạn chống phá dai dẳng của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành quả của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho công dân.


Ý đồ này không ngoài mục đích hạ thấp sứ mệnh của báo chí cách mạng, phủ nhận khuynh hướng tính chính trị của báo chí cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và sâu xa hơn, hòng làm thay đổi thể chế chính trị-xã hội ở Việt Nam.

Những luận điệu “nhai đi nhai lại” rất xảo trá, thâm độc

Thời gian qua, các thế lực thù địch và một số cơ quan báo chí truyền thông phương Tây, các phần tử thiếu thiện chí, bất mãn chính trị đã lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.

Những luận điểm được “nhai đi nhai lại” nhiều lần là quy kết, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí thông qua cái gọi là “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên”, xếp báo chí Việt Nam luôn ở vị trí áp chót bảng. Bên cạnh đó, họ xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “quản” báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “hà khắc”... Từ việc xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí, nhiều tổ chức và trang mạng xã hội phản động kêu gọi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chính sách với những luận điệu xảo trá như: “Thể chế hiện nay không tạo môi trường để thay đổi báo chí được, mà phải thay đổi thể chế sâu rộng”; “Nhà nước phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động”. Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như: BBC, RFI, RFA, VOA... và các hội nhóm, các cá nhân phản động trên YouTube, Facebook mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. Với sự cổ xúy, giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể khẳng định, thông tin sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí như những mũi kim tiêm tẩm độc xuyên vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của nhiều người. Một bộ phận người dân hoài nghi, bi quan về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể làm chia rẽ, ly gián lòng người, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...

Nguy hại hơn, các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo ra cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam.


Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Một Việt Nam với quyền tự do báo chí rộng mở

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là hiện thực sinh động cho báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội.

Về phương diện chính trị, pháp lý, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo Luật Báo chí 2016, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp. Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25).

Tất nhiên, cũng như ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật. Luật Báo chí 2016 quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13). Trách nhiệm của nhà báo và công dân trong thực hành tự do báo chí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh (Điều 9).

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quyền tự do báo chí được bảo đảm. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương có báo hoặc tạp chí; mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp... đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho họ. Nhiều tờ báo đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo... xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe-nhìn-đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: Vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực xã hội...

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí phát triển. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Với cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Điều này có ý nghĩa bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Nhà báo và cơ quan báo chí trong cuộc chiến đẩy lùi thông tin xấu độc, thù địch

Những năm qua, nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo thuộc hệ thống báo Đảng, các cơ quan báo chí lớn như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều báo Đảng địa phương, nhiều tạp chí khoa học đã đăng tải những bài viết phản ánh, phân tích, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chế độ cũng như chống phá nền báo chí cách mạng của các thế lực thù địch. Nhiều báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, “Nhận diện sự thật”... lồng ghép đăng tải các bài viết khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Nhiều bài báo đã mở chuyên mục kiểm chứng thông tin để đăng tải sự thật về các sự việc, sự kiện, vấn đề bị các thế lực thù địch xuyên tạc để người dân không hoang mang, dao động.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước sẽ gia tăng thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, việc nhận diện, phản bác, đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc về tự do báo chí đòi hỏi nhà báo-với tư cách chủ thể thực thi trách nhiệm đưa tin, khởi tạo, định hướng dư luận tại cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân-phải nhập cuộc tích cực hơn để nhận diện sự thật, lẽ phải, kịp thời và kiên quyết phản bác mạnh mẽ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị.

Tự do báo chí ở Việt Nam là thực tiễn không thể phủ nhận, xuyên tạc. Việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng là một trong những mục tiêu xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam; là đường lối lãnh đạo nhất quán của Đảng ở mọi kỳ, được bảo đảm bằng hệ thống Hiến pháp, pháp luật và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Với thực tế đó, nhà báo có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để đấu tranh hiệu quả chống luận điệu xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí trên không gian mạng. Vì vậy, nhà báo phải mài sắc ngòi bút thành “vũ khí” sắc bén để đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Muốn phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, nhà báo cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn thể hiện khát khao bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa bằng một tinh thần nhiệt huyết, một trí tuệ, tài năng được hun đúc, rèn giũa bền bỉ. Theo lời Bác Hồ dạy, nhà báo cần “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”; “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “đi sâu vào quần chúng”. Nhà báo cần nắm vững chủ trương, chính sách để tuyên truyền trúng và có sức thuyết phục, để vững vàng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Đối với mỗi nhà báo, văn hóa tốt đem lại đạo đức tốt, tri thức rộng, sâu; nghiệp vụ vững để sáng tạo tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn.

Có thể khẳng định rằng, việc các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch về tự do báo chí ở Việt Nam vừa là trách nhiệm chính trị vừa là đạo đức, văn hóa nghề nghiệp nhằm góp phần cùng cả hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời bảo vệ những giá trị, thành quả tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được vun đắp, xây dựng gần một thế kỷ qua./.

PGS, TS TRƯƠNG THỊ KIÊN, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Nguồn: QĐND

 Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Tuy nhiên, sau 48 năm đất nước thống nhất, vẫn còn một bộ phận cố chấp ôm hận, hằn học, khơi sâu thêm vết thương của quá khứ với mưu đồ chống phá chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.



Ảnh minh họa: VTV Go

Cố chấp ôm hận, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc

Mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 hằng năm là lúc mỗi người mang trong mình dòng máu Việt ở khắp nơi vui mừng trong độc lập, tự do; phấn khởi với những thành tựu phát triển của đất nước. Và càng vui hơn khi mỗi năm lại có thêm những kết quả tốt đẹp trong tiến trình hòa hợp dân tộc. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để các thế lực thù địch tung các chiêu bài, thủ đoạn chống phá chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Dễ nhận thấy nhất là việc kêu gọi tổ chức tưởng niệm “ngày quốc hận”, “tháng Tư đen”, tán phát trên mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh với nội dung kích động, nuôi dưỡng hận thù, chống phá Đảng, Nhà nước. Chưa dừng lại ở đó, dưới sự tài trợ, giật dây của các tổ chức phản động hải ngoại, nhất là tổ chức khủng bố Việt Tân, một số người, hội, nhóm tổ chức rải truyền đơn, tụ tập biểu tình, phá hoại ở một số nơi trên đất nước ta nhân dịp Lễ 30/4 và đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn.

Thủ đoạn khác thường thấy là xuyên tạc, bóp méo lịch sử, như: đổ lỗi cho chúng ta không chấp hành nghiêm điều khoản về hòa hợp, hòa giải dân tộc trong Hiệp định Paris 1973; bôi nhọ ý nghĩa lịch sử của ngày toàn thắng 30/4/1975; phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, v.v. Họ cố tình ngụy biện cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với đất nước ta là một cuộc nội chiến rồi so sánh vấn đề hòa hợp dân tộc của nước ta với việc xử lý vấn đề hòa hợp dân tộc của nước Mỹ sau nội chiến, hay người Đức hàn gắn vấn đề dân tộc sau khi bức tường Berlin sụp đổ,... từ đó ra sức chê bai, phê phán tiến trình hòa hợp dân tộc của đất nước. Họ bất chấp sự thật lịch sử rằng nguyên nhân chia cắt đất nước, lòng người ly tán bắt nguồn từ chính sách chia để trị của thực dân Pháp và trực tiếp là chính sách thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ với việc xây dựng chính quyền tay sai, bù nhìn thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta. Họ cố tình lờ đi một thực tế là chính quyền Việt Nam cộng hòa chỉ là con rối trong vở kịch về “lý tưởng dân chủ, tự do” do “ông chủ” Mỹ đạo diễn; là con tốt thí trong bàn cờ chính trị của chính quyền Mỹ. Họ không dám đối diện với sự thật rằng mình là người ngộ nhận chiến đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho “lý tưởng dân chủ, tự do” kiểu Mỹ mà đã phản bội lại Tổ quốc. Càng nguy hiểm hơn khi những việc làm ấy của họ khiến đồng bào ta ở hải ngoại, nhất là thế hệ Việt kiều trẻ, du học sinh nhìn nhận lệch lạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, nhận thức sai lầm về tình hình đất nước, tiêm nhiễm tư tưởng hận thù, kích động chia rẽ, khoét sâu những bất đồng, dẫn đến kỳ thị, định kiến với Đảng, Nhà nước ta.

Chiến tranh đã lùi xa, lịch sử đã được khép lại, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được quốc tế đánh giá cao, nhưng vì sao một số người vẫn giữ định kiến, cố chấp ôm hận? Lý giải cho sự cố chấp ôm hận ấy không đơn thuần chỉ là do tính bảo thủ của cá nhân, hay dấu ấn lịch sử để lại mà đằng sau đó còn để thực hiện mưu đồ phản động, cơ hội chính trị, chống phá chế độ, phá hoại đất nước, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Bằng chứng là họ cố tình “bẻ lái” vấn đề hòa hợp dân tộc thành chống phá Đảng, Nhà nước, đích đến của mọi luận điệu, thủ đoạn chống phá đều là đòi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế độ. Họ cố tình đánh tráo bản chất, lập luận vòng vo rằng hòa hợp dân tộc là hòa hợp giữa những người “bất đồng chính kiến”, những “nhà dân chủ” với chính quyền nước ta hiện nay; họ tự huyễn hoặc cho mình là đại diện cho lợi ích của đồng bào ta ở hải ngoại để đưa ra yêu sách phi lý. Họ phê phán chính sách hòa hợp dân tộc chỉ là “đãi bôi”, “con đường nửa vời” nếu còn chế độ cộng sản; từ đó, họ kêu gọi phải coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của dân tộc”, v.v. Từ những đòi hỏi phi lý, như: không kỷ niệm chiến thắng 30/4, không dùng các cụm từ “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, “giải phóng miền Nam”, “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền”,… họ còn ảo tưởng đòi phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Thực tế là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, nhân dân ta từ vũng bùn nô lệ đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; đất nước ta đang tiến những bước vững chắc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vậy thì hỏi rằng, nếu vì dân, vì nước, thì hà cớ gì đòi đất nước phải bỏ Đảng, học đòi nền dân chủ kiểu phương Tây mới chịu hòa hợp dân tộc? Bài học mất chủ quyền, quyền tự quyết, bất ổn kéo dài của các nước Ả Rập, Afghanistan, Iraq,… khi “ngả” theo phương Tây và Mỹ chưa rõ ràng hay sao? Bản chất cơ hội chính trị của những kẻ cố chấp ôm hận đã lộ rõ với mưu đồ phản động ấy.

Đất nước đã “chủ động chìa tay” để hòa hợp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “… nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”1, “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”2, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”3. Đó chính là những điều thiêng liêng, vấn đề có tính nguyên tắc, bất khả xâm phạm, khẳng định chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Trong các văn kiện từ khi thành lập Đảng đến nay đều nhất quán điều thiêng liêng đó, được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và thực thi hiệu quả. Đồng thời, kế thừa truyền thống hòa hiếu, nhân ái, đoàn kết, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” của dân tộc, với tinh thần “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, Tổ quốc đã “chủ động chìa tay”, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về hòa hợp dân tộc, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị  (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW, v.v. Trong đó, khẳng định rõ: người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội; lấy tình thân ái để cảm hóa những đồng bào lầm đường lạc lối. Nhà nước tích cực rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ vướng mắc về việc sở hữu các tài sản tại Việt Nam, cấp lại quốc tịch cho những người có đủ điều kiện; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, đầu tư, chuyển, nhận và sử dụng kiều hối,… tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam sinh sống, làm ăn, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Cùng với đó là những hành động thiết thực để chủ động mở rộng tiếp xúc với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về Tổ quốc; hỗ trợ dạy và học tiếng Việt hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con theo truyền thống dân tộc và phù hợp với đặc thù, pháp luật của nước sở tại. Những năm gần đây, đã có thêm nhiều việc làm thiết thực, nhiều chương trình mang tính thực tế, như: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển, đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu,… giúp nối vòng tay lớn với kiều bào, nhiều người trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước. Do khách quan, chủ quan mang tính lịch sử mà có thời điểm tiến trình hòa hợp dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có mặt còn hạn chế; nhưng xuyên suốt là hành trình không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước Việt Nam chăm lo giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc; kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên đất nước ta kéo dài hơn 20 năm với biết bao đau thương, mất mát, khổ đau trong nhiều gia đình Việt Nam; có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Lấy lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập cho dân tộc, đất nước phát triển hùng cường làm mẫu số chung, Tổ quốc đã “chủ động chìa tay” để thúc đẩy hòa hợp, giang tay sẵn sàng đón nhận và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người Việt Nam khắp nơi về thăm, đầu tư, đóng góp xây dựng đất nước. Hòa hợp dân tộc là ước vọng chính đáng của đại đa số người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài; là dòng chảy chủ đạo cuốn trôi những hận thù của quá khứ. Những ai còn cố chấp ôm hận, cản trở tiến trình hòa hợp dân tộc sẽ có tội với tương lai của chính con cháu mình./.

ThS. PHAN NGỌC PHÚC, Cục Chính trị, Quân khu 5 - Nguồn: Tạp chí QPTD
--------------------------------

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11,  Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.

2 - Sđd, Tập 4, tr. 249.

3 - Sđd, Tập 11, tr. 280.

 Ngày 15-4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam” tại đường sách TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì buổi giới thiệu.


Tham gia chương trình có các đại biểu: Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại khu vực phía Nam; Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại TP Hồ Chí Minh.


Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại buổi lễ. 

Cuốn sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam” do cựu chiến binh Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, giới thiệu 200 lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, lực lượng tham gia cách mạng... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hầu hết tác giả của các lá thư đến nay đã không còn nhưng những lá thư tay đã trở thành chứng nhân lịch sử sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, sự hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Cùng với đó, những lá thư còn thể hiện sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc.


Bìa cuốn sách sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam”.

Cuốn sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam” càng có giá trị và ý nghĩa to lớn khi được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời giới thiệu, đồng thời được ra mắt bạn đọc trong dịp chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) và kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2023).

Để phổ biến, lan tỏa nội dung giá trị của cuốn sách đến đông đảo bạn đọc, cùng với việc xuất bản sách giấy truyền thống, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản phiên bản điện tử, phục vụ bạn đọc miễn phí trên trang Stbook.vn và Thuviencoso.vn.


Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các đại biểu giao lưu về cuốn sách.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: 200 lá thư trong cuốn sách là 200 câu chuyện kể vô cùng đa dạng và phong phú, sinh động và cảm động về những người chiến sĩ nơi chiến trường trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt, hào hùng. Mỗi lá thư thời chiến khẳng định lòng tin tuyệt đối vào Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương, ghi tạc và hiển hiện chân thực một thế hệ thanh niên luôn sẵn sàng xung phong, hy sinh quên mình vì tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình.


Các cựu chiến binh phát biểu bày tỏ cảm nghĩ về cuốn sách.

Theo đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tin tưởng cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam, của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng đất nước. Cuốn sách thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các thế hệ cha anh đã vì mảnh đất Việt Nam linh thiêng mà hy sinh.


Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng ký tặng sách cho bạn đọc.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ rằng, ông bắt đầu sưu tầm các lá thư thời chiến từ năm 2004. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những lá thư, những trang nhật ký viết tay đã trở thành “người bạn tri kỷ” của mỗi người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Có thể nói, những bức thư thời chiến là các kỷ vật lịch sử vô giá lưu giữ những ký ức của các chàng trai, cô gái đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Những bức thư ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực và lý tưởng sống cao cả để “truyền lửa” cho thế hệ hôm nay không ngừng cống hiến cho đất nước.

Tại buổi giới thiệu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã trao tặng sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam” cho một số đại biểu./.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA - Nguồn: QĐND

 

Một trong những trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng và Nhà nước ta, đó là lấy “những góc khuất” trong thực hiện chủ trương an sinh xã hội làm chiêu bài kích động, gieo tư tưởng xấu độc, chia rẽ niềm tin. Hiểu thấu âm mưu, thủ đoạn của chúng, có nhận thức đúng đắn về hiệu quả thực hiện chủ trương này đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Điều 34, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Thấu triệt mục đích, ý nghĩa của an sinh xã hội, ngày 10-6-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 15).

Mới đây, sau cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, các trang web tiếng Việt ở nước ngoài đã “chĩa mũi dùi”, phủ nhận thành quả bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam. Trên VOA, người có tên Trân Văn viết bài “Chỉ mới có tượng đài, cổng chào,... là hiện đại, bao trùm, bền vững”. Bài viết phủ nhận kết quả 10 năm trong lĩnh vực này của Việt Nam và đưa ra một vài kết quả xây dựng công trình văn hóa công cộng ở nước ngoài để đối sánh. Người viết cho rằng, an sinh xã hội chỉ là một con bài ru ngủ nhân dân để các quan chức của Đảng rảnh tay, dễ dàng vơ vét.

Cũng tại thời điểm này, khi mà cơ quan điều tra của Bộ Công an công bố kết quả điều tra liên quan đến các “chuyến bay giải cứu” dịch Covid-19 và đề nghị truy tố 54 bị can có hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn thực thi công vụ”, “hối lộ”, “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “lừa đảo”… thì trang web baotiengdan.com đăng nhiều bài phân tích, bình luận với luận điệu xấu. Dù lập luận rời rạc, thiếu chứng cứ khoa học, trang web này vẫn đi đến khẳng định, cứ “thi hành công vụ” là viên chức thuộc đủ mọi cấp của tất cả các ngành thản nhiên “chặt đầu, lột da” đối tượng được họ... “phục vụ”.

Đặc biệt, khi lực lượng chức năng xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán…, chúng đồng thanh vu cáo Việt Nam chặn đường sinh sống của dân. Hay như sau khi có hiện tượng thiếu sinh phẩm y tế và việc một số cán bộ ngành Y tế bị bắt, chúng nhanh chóng loan báo Việt Nam thất bại trong chăm sóc y tế nhân dân.

Nếu theo dõi sát hoạt động của các thế lực thù địch thì thấy, chúng thường áp dụng phương pháp phân tích thông tin, sự việc đơn lẻ rồi quy chụp, đưa ra đánh giá, kết luận, khẳng định Việt Nam đang bị “lỗi hệ thống”. Trong việc đề cập vấn đề bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam, chúng cũng dùng thủ đoạn này. Đây được xem là “món ăn” ưa thích của những kẻ bất đồng chính kiến. Trước thủ đoạn này, chúng ta phải làm gì?

Trước hết, để thấu triệt quan điểm của Đảng trong bảo đảm an sinh xã hội thì chúng ta cần hiểu rõ khái niệm. Theo các chuyên gia, an sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện, nhằm bảo đảm cho mọi công dân có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin… đặc biệt là các đối tượng như trẻ em, người già, người bệnh, người yếu thế và người thất nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 15, Chính phủ đã triển khai nhiều nội dung, chương trình. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, gồm: Nhà ở cho người có công; trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; tỷ lệ đi học đúng tuổi; bảo hiểm y tế; tiêm chủng mở rộng. Có 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020, gồm: Mức sống gia đình người có công; mức trợ cấp người có công; thất nghiệp chung; thất nghiệp thành thị; giảm nghèo chung; giảm nghèo tại các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo; trợ giúp xã hội đột xuất; trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi; người biết chữ từ 15 tuổi; lao động qua đào tạo; tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi; phòng chống lao; phủ sóng phát thanh truyền hình; đài truyền thanh xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.  

Đặc biệt, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020. Báo VietnamPlus đã dẫn lời đánh giá của bà Gulmira Asanbaeva, Quyền đại diện Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam khẳng định, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15 đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội.

Những dẫn chứng trên khẳng định, việc các thế lực thù địch, những kẻ bất đồng chính kiến và thiếu thiện chí với Việt Nam, cố tình biến chính sách an sinh xã hội thành công cụ nhằm đạt mưu đồ chống phá là rõ ràng.  

Nhận thức được âm mưu của chúng, mỗi cán bộ, đảng viên và từng công dân trong xã hội cần nêu cao nhận thức, trân quý giá trị hòa bình, độc lập, tự do; tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tự xây dựng cho mình sức đề kháng vững vàng, không mắc mưu kẻ xấu và các thế lực phản động. Các cấp ủy, chính quyền và hệ thống truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau, để mọi công dân được biết và thêm tin tưởng.

V.I.Lênin từng khẳng định: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Giá trị tự bảo vệ ấy phải được dựa trên chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ, nhằm bảo đảm quyền sống, mức sống, quyền làm chủ của công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Đảng ta đang xây dựng. Cần phải xây dựng niềm tin chính trị vững chắc vào mục tiêu của Đảng, vào các chương trình của Nhà nước để có thái độ đúng đắn, không mắc mưu các thế lực thù địch./.

Phúc Lợi - Nguồn: Hà Nội Mới

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trong tháng 5 tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… để thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.


Mặc dù việc thanh, kiểm tra chưa diễn ra và cơ quan chức năng chưa đưa ra biện pháp cụ thể về quản lý TikTok thời gian tới nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến “lo bị siết”. Những ý kiến này cho rằng, TikTok là ứng dụng mới, đem lại nhiều tính năng hiệu quả trên không gian mạng, nhất là tạo thành trào lưu, xu thế mới cho giới trẻ thì cần phải xem TikTok là lợi thế, khuyến khích phát triển chứ không nên cấm đoán hay hạn chế. Viện dẫn không gian mạng “phát huy tiếng nói mở”, “thể hiện tính dân chủ”, số ủng hộ TikTok cũng như các trào lưu trên mạng xã hội đòi hỏi được “mở biên độ” để tạo không gian, phương thức tương tác mới cho giới trẻ.


Ảnh minh họa.

Trong khi đó, một số cá nhân lấy cớ này để lèo lái thông tin, cho rằng Nhà nước Việt Nam không muốn mạng xã hội nào phát triển, luôn tìm cách cấm đoán để “bịt miệng” người dân. Từ việc nói đến kiểm tra TikTok, số này lại lấy cớ phê phán Luật An ninh mạng, phê phán việc quản lý Internet, mạng xã hội ở Việt Nam là “độc tài, mất dân chủ”!

Thực tế, việc các phương thức mạng xã hội mới ra đời thường gây sự chú ý ở nhiều mặt, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội nào, sử dụng như thế nào còn phải tuỳ thuộc tính năng của mạng xã hội đó, nhất là phải xem xét cả những tác hại nếu buông lỏng quản lý.

Các quốc gia tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể để có hình thức áp dụng, trong trường hợp xét thấy tính nguy hại lớn thì hoàn toàn có thể cấm hoặc hạn chế ở các mức độ khác nhau. Tháng 11/2022, trong cuộc điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Hoa Kỳ liên quan các mối đe doạ toàn cầu, Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng: “Chúng tôi có các quan ngại về an ninh quốc gia đối vớiTikTok. Điều này bao gồm khả năng ứng dụng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng cũng như các thuật toán có khả năng được sử dụng trong những hoạt động gây ảnh hưởng hoặc cơ hội xâm nhập thiết bị cá nhân”. Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Dreyfus ngày 4/4/2023 cho biết, nước này sẽ xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu vì lo ngại về bảo mật. Trong tuyên bố, Bộ trưởng Dreyfus nói lệnh cấm sẽ có hiệu lực “ngay khi có thể”, đồng thời cho biết thêm rằng quyền miễn trừ sẽ chỉ được cấp sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể và có các biện pháp an ninh thích hợp. 

Trước đó, chính phủ nhiều nước châu Âu đã cấm người làm việc trong các cơ quan chính phủ không được phép cài ứng dụng TikTok trên điện thoại làm việc của họ. Hà Lan, Bỉ và Anh quyết định cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ. Mới đây, ngày 24/3, Slovakia đã tham gia vào danh sách các quốc gia cấm TikTok. Người đứng đầu Văn phòng Quốc hội Slovakia Daniel Guspancho biết, hiện những nhân viên của cơ quan này đã bị cấm sử dụng ứng dụng TikTok và lệnh cấm này cũng được đề xuất áp dụng cho các nghị sĩ và trợ lý của họ. Bộ Dịch vụ công Pháp cũng nhấn mạnh, nước này đã cấm nhân viên khu vực công tải “các ứng dụng giải trí” trong điện thoại làm việc của họ… Như vậy, việc kiểm tra để áp dụng biện pháp cấm hay hạn chế ở các mức độ khác nhau đối với TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác là việc làm bình thường của các nước.

TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo. Cùng những tính năng mới của TikTok thì những sai phạm của nó để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Đó là việc các clip ngắn trên TikTok khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; cổ suý hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nội dung vi phạm bản quyền tràn lan. Không chỉ TikTok mà YouTube, Facebook cũng đang lan truyền những nội dung tương tự.

Cùng với sự tăng trưởng như vũ bão, TikTok liên tục khiến dư luận bức xúc về những nội dung xấu, độc hại được lan truyền một cách chóng mặt. Có một thực tế là các video nội dung nhảm nhí câu view, nội dung khiêu dâm, truyền bá mê tín dị đoan, tin giả tràn lan hay cả những thông tin sai lệch về chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước đều đã xuất hiện trên TikTok tại Việt Nam.

Gần đây, xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật từ ứng dụng TikTok, gây hậu quả xấu. Không ít người dùng TikTok cung cấp nội dung xấu, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Cùng với đó, vô số nội dung độc hại núp bóng review phim ngắn vẫn đang tràn lan trên nền tảng mạng xã hội. Đã có tài khoản TikTok tung ra clip cắt ghép có nội dung kỳ thị dân tộc, vùng miền, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người xem. Có cả những nội dung bình luận sai trái về vấn đề chính trị, nội bộ, dân chủ, nhân quyền, gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. 

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Tuy nhiên, động thái này của TikTok vẫn bộc lộ thiếu sót khi không thể ngăn chặn hoàn toàn các video xấu, độc hại. Bởi khác với Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok do thuật toán phân phối nội dung nên bất kể thông tin tốt hay độc hại sẽ tạo thành xu hướng trên nền tảng mạng xã hội này.

Trên Wired, Johannes Eichstaedt - chuyên gia về AI tại Viện Stanford cho rằng, sở dĩ tình trạng nội dung bẩn trên TikTok không được xử lý triệt để là động lực thực sự của TikTok không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán AI của nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm hoặc phản cảm ra sao. Còn theo Catherine Wang - chuyên gia AI tại Google, các lỗ hổng trong hệ thống đánh giá khiến nội dung độc hại dễ dàng vượt qua vòng sàng lọc, trong khi việc duyệt thủ công từng video là không thể với lượng người dùng khổng lồ của TikTok. Sau khi lọt qua vòng kiểm duyệt, video bắt đầu được TikTok phân bổ khắp thế giới bằng thuật toán. Đây cũng là lý do vì sao những nội dung bẩn trên TikTok lại có tốc độ lan truyền chóng mặt như vậy.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam.

Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; ngăn tin giả, nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em.

Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.

Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục…

Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền.

Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh.

Thứ sáu, không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ.

Hiện chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định quản lý các mạng xã hội. Điều 4 về nguyên tắc bảo đảm an ninh mạng quy định: Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng…

Do đó, việc kiểm tra, đánh giá toàn diện để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp với các mạng xã hội, trong đó có TikTok là việc làm bình thường của cơ quan quản lý nhà nước, hoàn toàn không phải “bất ngờ” hay “chỉ dấu bịt miệng, mất dân chủ” như một số luận điệu.

Như ở phần đầu bài đã nêu, theo kế hoạch, trong tháng 5 tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… để thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Phối hợp với Bộ Công Thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok với cộng đồng, giới trẻ, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động công cụ rà, quét hình ảnh, video. Triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải hoạt động tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng sẽ tổ chức hội nghị với mạng lưới đa kênh của YouTube, TikTok, Facebook để tăng cường quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, xây dựng kế hoạch truyền thông thúc đẩy hình ảnh, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh./.

Khánh Ngân - Nguồn: CAND

 Những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đó là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời là những bằng chứng để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bóp méo của những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí hoặc phản động.



Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 (11-2022). Ảnh: Internet.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là một quyền luôn được thực thi, không thể chối bỏ. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục rêu rao luận điệu cho rằng: Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, biểu hiện ở việc chúng cho rằng Nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo; xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng cố tình nêu ra những luận điểm vu cáo này nhằm chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động quần chúng tín đồ nổi dậy chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị - xã hội, đồng thời tạo cớ can thiệp vào nội bộ nước ta.

Chúng ta có thể bác bỏ sự phi lý, xuyên tạc của những quan điểm sai trái, phản động bằng những luận cứ sau đây:

Luật pháp quốc tế và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự điều chỉnh của Nhà nước. Cụ thể: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966, tại Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm việc tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do thể hiện tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. Không một ai có thể bị ép buộc phải làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”[1]. Tuy nhiên, các quyền này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”[2]

Tương tự như vậy, Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản (ECHR) tại Điều 9 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của mình thông qua hành vi thờ phụng, thuyết giảng, thực hành và tuân thủ giáo luật một mình hoặc với một nhóm, ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng” và cũng khẳng định “bị luật pháp giới hạn nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, phục vụ an ninh công cộng, bảo vệ trật tự trị an, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức chung hoặc các quyền và sự tự do của người khác”[3]. Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Ngay từ trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”[4]. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc và thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.


Sách trắng về tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn, giúp độc giả hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Ảnh: Internet.

Cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo; người chưa thành niên... phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác”. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định, phát triển xã hội, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: “Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”. Những quy định về hạn chế quyền tự do tôn giáo trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam nêu trên hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Sau hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó lĩnh vực tôn giáo, hoạt động của các tôn giáo về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Nhà nước ta thực hiện chính sách tiến bộ xem tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Các tôn giáo đều có những đóng góp nhất định trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; tín đồ các tôn giáo tồn tại đan xen với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đã nỗ lực bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự, trở thành ngày lễ chung của cộng đồng như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành;… Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo; các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết.

Những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đó là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời là những bằng chứng để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bóp méo của những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí hoặc phản động./.

Linh Ngọc - Nguồn: Việt Nam thịnh vượng
------------------------

[1][2]Văn kiện quốc tế về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, tr. 212.

[3]https://accgroup.vn/cong-uoc-chau-au-ve-quyen-con-nguoi/.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo.

 Mặc dù cách nhau xa nhau về mặt địa lý song trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba.



Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 18/4. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba (Chủ tịch Quốc hội) Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 18/4. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm Cuba thành lập Ủy ban đoàn kết với miền Nam Việt Nam, 50 năm Lãnh tụ Fidel Castro Ruz lần đầu thăm Việt Nam và tới Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (7/1973) trong thời điểm chiến tranh cam go, ác liệt.

Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hiếm có trong quan hệ quốc tế

Trong những năm qua, Cuba kiên trì sự nghiệp cách mạng và chính sách cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội. Cuba đã tổ chức thành công Hội nghị Trung ương V và dự kiến sẽ hoàn tất Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa mới và các chức danh quan trọng của Nhà nước theo Hiến định trung tuần tháng 4/2023. Cuba vẫn đang trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế thận trọng. Gần đây, Cuba tiếp tục ban hành một số đạo luật về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, liên doanh công - tư, cải cách thuế thu nhập, cho phép doanh nghiệp tham gia thị trường buôn bán, nới lỏng tỷ giá… nhằm cải thiện tình hình kinh tế.

Cuba là nước Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/12/1960), là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chấp thuận Phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962), thành lập Ủy ban Đoàn kết với Miền Nam Việt Nam (25/9/1963), công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965); cử Đại sứ bên cạnh Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (3/1969)…

Mặc dù cách nhau xa nhau về mặt địa lý song trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba. Mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước đã được anh hùng dân tộc Cuba José Martí, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Fidel Castro gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo Cuba, Việt Nam dày công vun đắp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lòng dân hai nước gần gũi như anh em một nhà”. Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định: “Đoàn kết, ủng hộ Cuba là lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam!”.

Nhiều người dân Việt Nam ghi nhớ câu nói của cố lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” và hình ảnh Fidel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất, bất chấp hiểm nguy đã dũng cảm thăm vùng giải phóng “đất lửa” Quảng Trị ngày 16/9/1973. Điều đó thể hiện tình cảm ruột thịt, sự sẵn sàng hy sinh, sẻ chia của Cuba đối với người đồng chí, anh em Việt Nam. Trong những thời khắc kháng chiến vô cùng cam go của nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Fidel đã có nhiều hoạt động quốc tế vận động chính phủ, nhân dân các nước đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.

Trong khó khăn, Cuba đã cử hàng nghìn kỹ sư, công nhân, bác sĩ và chuyên gia sang giúp Việt Nam, trong đó đã có người hy sinh; giúp đào tạo hàng nghìn sinh viên Việt Nam; viện trợ cho Việt Nam nhiều trang thiết bị, vật tư máy móc, lương thực thực phẩm, viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng 5 công trình kinh tế - xã hội mà phần lớn các công trình đó đến nay vẫn đang phát huy giá trị...

Trong suốt hơn 60 năm qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hai dân tộc Việt Nam-Cuba đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều thách thức, thăng trầm, song quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba tiếp tục được thúc đẩy và tăng cường trên tất cả các kênh một cách thiết thực và thực chất hơn.

Trong đó, quan hệ đảng giữ vai trò định hướng, củng cố sự tin cậy và nền tảng chính trị cho phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau và các hình thức trao đổi trực tuyến, đặc biệt ở cấp cao. Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020 với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa song phương.

Thúc đẩy hợp tác Quốc hội ngày càng thực chất, hiệu quả

Trong tổng thể quan hệ giữa hai nước, mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Cuba luôn được quan tâm thúc đẩy, đã và đang góp phần quan trọng củng cố và phát triển quan hệ, tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Đáng chú ý trong những năm gần đây có một số đoàn thăm Cuba như:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (9/2010); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2011); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam dự Lễ tang đồng chí Fidel Castro (28/11/2016); Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (2/2017); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (4/2019) và một số Đoàn công tác chuyên môn của Quốc hội thăm làm việc tại Cuba (3/2017).

Việt Nam đánh giá cao kết quả chuyến thăm và nội dung bài phát biểu quan trọng của đồng chí Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Cuba trước Quốc hội Việt Nam ngày 12/6/2017. Ngày 25/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến rất thành công cùng Chủ tịch Quốc hội Cuba về tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội và thúc đẩy hợp tác hai nước ngày càng hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh quốc tế mới, thời đại số…

Quốc hội Việt Nam đã tặng Quốc hội Cuba 30.000 khẩu trang nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (5/2020) và trao tặng các thiết bị tin học nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Cuba.

Hai Quốc hội đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị. Trong đó, Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cuba do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Vũ Hải Hà làm Chủ tịch (2021 - 2026). Về phía Quốc hội Cuba, Quốc hội Cuba cũng đã thành lập nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam do ông Joaquin Bernal Rodrique làm Chủ tịch Nhóm.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là chuyến thăm của một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới Cuba. Chuyến thăm có "tầm quan trọng lịch sử", cùng với sự tham gia của đông đảo đại diện nhiều lĩnh vực tháp tùng trong chuyến đi, sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Đại sứ Orlando Nicolás Hernández Guillén cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Cuba đúng vào ngày 19/4, ngày Chiến thắng Girón (19/4/1961 - 19/4/2023) và cũng là ngày Quốc hội Cuba khóa X sẽ tổ chức kỳ họp đầu tiên sau cuộc Tổng tuyển cử diễn ra ngày 26/3 vừa qua. Đại sứ cho rằng đây là một "sự kiện lịch sử" và "vô cùng đặc biệt" vì điều này chỉ có thể xảy ra bởi đó là quan hệ Cuba - Việt Nam và bởi mối quan hệ "vô cùng đặc biệt" giữa hai nước.

Chia sẻ thông tin với phóng viên báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết dự kiến trong chuyến thăm Cuba, lãnh đạo Quốc hội hai nước sẽ ký Thỏa thuận về thành lập cơ chế hợp tác liên nghị viện giữa hai Quốc hội. Việc ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động cũng như hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế; cùng phối hợp thúc đẩy giám sát các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, qua đó đưa hợp tác giữa Việt Nam và Cuba ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Về thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến sẽ phát biểu tại Quốc hội Cuba, ông Vũ Hải Hà cho biết, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội sẽ tái khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Cuba; ủng hộ quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba và chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam; khẳng định hai nước sẽ cùng sát cánh bên nhau vì độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của mỗi nước...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Cuba là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam đến Cuba cũng như khu vực Mỹ Latinh trong năm 2023, nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến Cuba sau khi Cuba tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa mới và các chức danh quan trọng của Nhà nước theo Hiến định. Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm đoàn kết đặc biệt và sự hỗ trợ của Cuba dành cho trong những năm tháng khó khăn nhất. Chuyến thăm tái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, mẫu mực thủy chung Việt Nam - Cuba; thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước và hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu...

Việt Đức - Nguồn: TTXVN

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.