Lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, trong đó xuyên tạc vấn đề bình đẳng giới là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, các luận điệu này lại được dịp “bung nở” trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội của các tổ chức, đối tượng chống phá.



Đằng sau luận điệu sai trái, xuyên tạc

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động sống lưu vong ở nước ngoài, các hãng truyền thông định kiến với Việt Nam đã đăng, phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về bình đẳng giới. Họ phủ nhận những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới, vu cáo Việt Nam không có bình đẳng giới, Việt Nam phân biệt đối xử với phụ nữ, quyền của phụ nữ Việt Nam “bị đối xử nghiêm trọng, bị bỏ rơi”. Họ rêu rao, dưới chế độ “đảng trị”, phụ nữ bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế và “Đảng chỉ đưa ra những con số mị dân, lừa bịp chị em”, cho rằng, bị phân biệt đối xử là “nỗi thống khổ của phụ nữ dưới chế độ đảng trị”! Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc của những kẻ đội lốt dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam. 

Tung ra những luận điệu xảo trá như vậy, mục đích của các thế lực thù địch nhằm gây ra sự phân tâm, hoài nghi của nhân dân, trong đó có một bộ phận phụ nữ về các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề bình đẳng giới, công tác phụ nữ. Từ đó, họ cố gắng gieo rắc tâm lý mặc cảm, tự ti đối với phụ nữ, làm cho phụ nữ thiếu tin tưởng về vị trí, vai trò của mình đối với gia đình, cộng đồng xã hội. Tìm cách gieo rắc tư tưởng bị phân biệt, kỳ thị, làm giảm sự chung tay, cống hiến đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thậm chí gây tư tưởng chia rẽ giữa phụ nữ các vùng miền, phụ nữ giữa các thành phần, dân tộc.

Không những vậy, các thế lực thù địch còn ra sức cổ xúy, thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, hội, nhóm đối lập do các đối tượng chống đối là phụ nữ cầm đầu hoặc có sự tham gia của phụ nữ như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội dân oan” … Những hội nhóm lấy danh nghĩa giúp đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào đóng góp xây dựng đất nước, kêu gọi quyền lợi cho phụ nữ nhưng thực chất đây là số hội nhóm có thái độ, hành động chống phá đất nước quyết liệt, được sự hậu thuẫn, hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân phản động sống lưu vong ở nước ngoài. Số này núp dưới danh nghĩa, vỏ bọc “phản biện xã hội” để phản bội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội, có những việc làm đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Quyền lợi của phụ nữ luôn được bảo đảm

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ nam - nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta.

Về pháp lý, Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới được khẳng định trong Điều 26, Hiến pháp 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật từng bước cụ thể hóa Hiến pháp được hoàn thiện theo hướng bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và các chương trình nghị sự lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.

Về chính trị, Việt Nam chủ trương khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy cơ quan công quyền. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đề cao, phát huy vai trò của phụ nữ như: Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Về kinh tế, từ nhiều năm trước, Chính phủ ban hành nhiều nghị định ưu tiên hỗ trợ đối với phụ nữ như Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 về tiền lương, khẳng định quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong việc trả lương; Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và cả với lao động nam đang phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định về những chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng là lao động nữ… Mặt khác, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề để thực thi bình đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn, các chính sách liên quan đến vai trò, vị trí của nam và nữ đều được thực hiện bình đẳng như nhau.

Về xã hội, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”; Đề án thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập cũng như kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cho phụ nữ và Quyết định số 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027, được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2017… Các đề án này nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, đề án hướng tới mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những con số biết nói

Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trên phương diện kinh tế, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình, có cơ hội để mang lại thu nhập cao hơn. Điều đó góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thập kỷ qua. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành, quản lý thành công ngày càng tăng cho thấy sự phấn đấu, trưởng thành, tiến bộ của phụ nữ, mặt khác khẳng định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2021, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) năm 2021 cho thấy, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Trong lĩnh vực chính trị, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới, chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ nữ cũng như vai trò của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện bình đẳng giới.

Sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nữ ủy viên BCH Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu nữ nhiệm kỳ khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với khoá XIV (26,72%). Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của các nữ đại biểu, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước).

Đối với văn hóa, giáo dục, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò không thể thiếu trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam, văn hóa gia đình, nếp sống khu dân cư, tích cực tham gia bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, có những cống hiến to lớn trong đánh thức tiềm năng văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đặc biệt, trong giáo dục phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò có đầy đủ phẩm chất, năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, nhà giáo dục có trình độ học vấn cao.

Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp”.

Mặt khác, trong triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là một trong những ưu tiên. Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ vương quốc Anh, Gareth Ward trong năm đầu tiên làm đại sứ Anh tại Việt Nam (năm 2019) chia sẻ: “Tôi đã được gặp nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau… Tôi cũng đã gặp một nhóm nữ chiến sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những người sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia một trong những phái bộ gìn giữ hòa bình nguy hiểm nhất của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, góp phần vào hòa bình, ổn định và an ninh toàn cầu”.

Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho thành tựu nổi bật của việc bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề này./.

Đại Thắng – Quang Thành, Nguồn: CAND

 Lợi dụng việc toàn dân đang đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực xấu từ bên ngoài đã tăng cường chống phá.


Họ đưa ra các quan điểm phủ nhận sạch trơn giá trị của việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và xuyên tạc rằng quy định như vậy để tạo điều kiện cho "chính quyền cướp đất của dân", là trở lực cho phát triển kinh tế. Họ cho rằng để chống tham nhũng, tiêu cực, để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai. Có thể thấy, việc đồng nhất vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai với thực trạng tham nhũng, tiêu cực có liên quan tới đất đai là sự đánh tráo giá trị, không đúng bản chất của vấn đề, chỉ lừa phỉnh được những người thiếu hiểu biết về vấn đề này.

Tại sao phải thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai?

Trước hết cần khẳng định rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân không phải là một thuật ngữ lý thuyết, trừu tượng, không có giá trị thực thi, không phải là sự giáo điều được du nhập từ Liên Xô vào Việt Nam như một số ý kiến trên các trang mạng, các diễn đàn đã cố ý bóp méo, gây hiểu lầm. Quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân thể hiện đúng bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 dựa trên cơ sở lý luận về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai. Từ đó tới nay, qua một số lần sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Luật Đất đai, Đảng ta luôn kiên định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật qua nhiều thời kỳ. Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 đều quy định rõ vấn đề này. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về quản lý sử dụng đất và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến toàn dân cũng một lần nữa khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã góp phần quan trọng duy trì ổn định chính trị-xã hội (CT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân. Thực tế đã cho thấy, quan điểm trên là đúng đắn, phù hợp với chế độ CT-XH, đặc điểm văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên của nước ta. Đó là vì:

Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của Nhà nước ta là "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân", thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Ðất đai là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài của cả dân tộc, là thành quả từ công sức, xương máu của bao thế hệ, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Ðất đai của quốc gia dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.

Thứ hai, sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để những người lao động tiếp cận đất đai tự do. Phải tạo cơ chế công bằng ngay từ gốc, tức là người lao động phải có tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, để lao động mưu sinh.

Thứ ba, trong điều kiện nước ta, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Bởi vì, trong chế độ sở hữu tư nhân đất đai, không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, chỉ bảo vệ lợi ích của chủ đất mà không quan tâm tới lợi ích sinh tồn của phần lớn dân cư, khi cần xây dựng những công trình công cộng thì sở hữu tư nhân về đất đai sẽ gây ra những trở lực lớn. Sở hữu tư nhân đất đai còn dẫn đến kết quả không mong muốn là tập trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, hệ quả là có người sở hữu quá nhiều đất, người lại không có tấc đất cắm dùi. Điều này sẽ gây bất ổn xã hội. Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp, khi phần lớn công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, thì Nhà nước có thể sửa Luật Ðất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Nếu Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép phần lớn còn lại thay đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.


Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ tư, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai hoặc đa sở hữu về đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh chấp đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ mà không cần tính đến các yếu tố lịch sử và hiện trạng, như vậy xã hội dễ lâm vào tình trạng bất ổn.

Thứ năm, nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân thì nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực. Đã có nhiều bài học nhãn tiền của một số nước trên thế giới về vấn đề này...

Quyền của người dân đối với đất đai được tôn trọng

Cũng có những ý kiến sai trái cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai khiến đất đai trở thành vô chủ, không được sử dụng hiệu quả và không thể trở thành vốn. Thực tế thì Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người sử dụng đất khá nhiều quyền: Sử dụng (theo quy hoạch của Nhà nước), chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn... Về cơ bản, người sử dụng đất ở Việt Nam đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế của quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: Không được tùy ý chuyển mục đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, mục đích công cộng. Tương ứng với mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý đất đai trong cả nước được quy định trên các mặt sau: Quy định mục đích sử dụng cho từng thửa đất (bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Người sử dụng đất giữ lại cho mình hầu hết quyền của người sở hữu như chiếm giữ, sử dụng, giao dịch trên thị trường đất đai, thế chấp và thừa kế. Người dân chỉ giao lại cho Nhà nước một số quyền như: Quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất đai để cho hoạt động sử dụng đất đai của từng cá nhân và tổ chức không làm giảm hiệu quả sử dụng đất đai chung của quốc gia. Nhà nước phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch và giám sát tuân thủ quy hoạch, kế hoạch cho tốt. Quyền bảo vệ đất đai và môi trường để ngăn cản những hành vi vụ lợi cá nhân của người dân làm tổn hại lợi ích chung. Quyền bảo hộ quyền chính đáng của dân cư đối với đất đai đã được quy định theo luật. Quyền bảo toàn lãnh thổ quốc gia trước các hành vi xâm phạm của nước ngoài. Người dân phải cung cấp tài chính qua thuế sử dụng đất cho Nhà nước để duy trì các hoạt động của mình.

So sánh với luật đất đai của một số nước duy trì tư hữu về đất đai, quyền của người sử dụng đất của Việt Nam cũng không có chênh lệch đáng kể. Như vậy, không có sự khác biệt lớn về phương diện tạo quyền tự chủ cho người sản xuất, kinh doanh sử dụng đất hiệu quả giữa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của nước ta và chế độ tư hữu đất đai ở một số nước.

Sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực

Về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của nạn tham nhũng, tiêu cực và thực tế phức tạp hiện nay về đất đai. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; bắt nguồn từ hệ lụy yếu kém trong quản lý đất đai.

Luật Đất đai năm 2013 và phương thức Nhà nước thực hiện luật nói trên có nhiều điểm chưa hợp lý cần phải khắc phục. Vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay ở nước ta là ở chất lượng, thái độ thực thi Luật Đất đai của cơ quan và công chức nhà nước chưa tốt, tồn tại quá nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực công phục vụ cho mục tiêu riêng của cá nhân, của gia đình, của nhóm lợi ích. Một số trường hợp cơ quan nhà nước thu hồi đất của dân không đúng quy định của pháp luật. Sự giàu có bất thường của không ít đại gia kinh doanh bất động sản ở nước ta thời gian qua có tác động từ mức chênh lệch giá quá lớn trong các dự án chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị và giá đất đền bù cho người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch treo, tình trạng đất thu hồi bị bỏ hoang còn người mất đất lâm vào tình trạng thất nghiệp, khó khăn... cho thấy quản lý của Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu cần phải có trong chế độ sở hữu toàn dân.

Những vấn đề này không thể giải quyết bằng cách chuyển toàn bộ quyền quản lý đó cho khu vực tư nhân thông qua tư hữu hóa hoặc đa dạng hóa sở hữu đất đai. Vì làm như vậy thì chỉ khiến tình hình thêm phức tạp, những rủi ro khó lường hết hậu quả. Ngược lại, chỉ có thể giải quyết tốt các vấn đề này bằng việc đẩy mạnh cải cách trong các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; siết chặt kỷ luật và trách nhiệm giải trình của công chức và chuyển giao cho người dân những quyền mà người sử dụng đất thực thi có lợi hơn cơ quan nhà nước.

Để hạn chế tình trạng thu hồi đất một cách tùy tiện ảnh hưởng tới lợi ích của người sử dụng đất, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã định hướng quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đồng thời, có lẽ cần nghiên cứu phân chia địa tô chênh lệch giữa xã hội (mà Nhà nước là đại diện), người có đất bị thu hồi và người nhận đất sử dụng cho mục đích mới trong giá đất thu hồi. Nhà nước cũng phải nâng cao năng lực sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tư cách công cụ quản lý vì lợi ích quốc gia. Thực hiện được tốt những định hướng trên sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích vào lĩnh vực đất đai.

Sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để Nhà nước XHCN bảo vệ lợi ích của người dân tốt nhất. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực đất đai không phải là bản chất của Nhà nước XHCN và có thể sửa chữa được. Vì thế, cần tỉnh táo nhận thức rõ mưu đồ của kẻ xấu xuyên tạc chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước ta hòng kích động, gây bất ổn môi trường CT-XH của nước ta. Từ đó, các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần vận động nhân dân tích cực đóng góp ý kiến chất lượng, hiệu quả cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), kịp thời nhận diện, đấu tranh với các luồng ý kiến sai trái./.

MINH NGỌC - Nguồn: QĐND

 Sáng 24-2, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tuyên dương lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.


Phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ

Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci. Dự buổi lễ còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, thủ trưởng Tổng cục Chính trị, đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam...

Thảm họa động đất ngày 6-2 đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định cử 76 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cùng một số chó nghiệp vụ và nhiều trang thiết bị sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất.


Đại tướng Lương Cường và Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các cá nhân. Ảnh: VIỆT TRUNG

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh đây là lần đầu tiên QĐND Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất ở nước ngoài. Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, phải đối mặt với nhiều điều kiện vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, những hiểm nguy từ các rung chấn còn tiếp diễn, những khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và làm việc, song được sự quan tâm động viên, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, thủ trưởng Tổng cục Chính trị, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trình độ và ý chí quyết tâm cao, đoàn công tác đã phát huy tốt tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, QĐND Việt Nam anh hùng và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, bình tĩnh, tự tin, không quản khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giờ, từng phút để phối hợp tìm kiếm cứu nạn, kịp thời xác định nhiều điểm có người bị mắc nạn, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại xử lý. “Việc làm đó rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm, năng lực, uy tín của Quân đội ta trước những vấn đề an ninh phi truyền thống, được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận và đánh giá cao; được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và đông đảo nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài quan tâm theo dõi, động viên”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhiệt liệt biểu dương thành tích của đoàn công tác, biểu dương các cơ quan chức năng, lãnh đạo và chỉ huy các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phối hợp tổ chức bảo đảm cho lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế cho Quân đội và Tổ quốc. Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương gửi lời chia buồn sâu sắc đến Đại sứ Haldun Tekneci, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là đến các gia đình có người tử nạn và bị thương, những em nhỏ mồ côi, những người bị mất mát nhà cửa đang phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. “Bằng tình cảm chân thành của mình, QĐND Việt Nam coi những mất mát, thiệt hại to lớn của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu trong thảm họa động đất vừa qua cũng là những mất mát, đau thương của chính mình. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm vượt qua nỗi đau thương, mất mát này”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Qua kết quả đợt tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị đánh giá rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức cơ động, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghĩa cử cao đẹp

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Đại sứ Haldun Tekneci cho biết mặc dù đã có kinh nghiệm đối phó với động đất, nhưng quy mô và mức độ tàn phá nghiêm trọng của các trận động đất vừa qua đã vượt ra ngoài khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia đã nhanh chóng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ dưới mọi hình thức nhằm thúc đẩy tối đa các nỗ lực cứu hộ, cứu nạn. Việt Nam chính là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Haldun Tekneci đánh giá cao tinh thần dũng cảm, những nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp quên mình cùng những hành động vô cùng cao đẹp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam. “Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu. Điều này đã phản ánh mối quan hệ hữu nghị song phương hết sức tốt đẹp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã đóng góp to lớn cho những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ; cảm ơn các đội tham gia cứu hộ, cứu nạn đã quên mình phục vụ và không ngại hiểm nguy tại đất nước chúng tôi; cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì tình đoàn kết, tương thân tương ái mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong thời khắc vô cùng khó khăn vừa qua”, Đại sứ Haldun Tekneci bày tỏ.

Là một trong số 76 thành viên đoàn QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tá Lê Đức Tài, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh cho biết, việc tận mắt chứng kiến những mất mát đau thương cùng cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn của người dân địa phương sau thảm họa đã thôi thúc đoàn khẩn trương, nỗ lực hết sức mình triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Các thành viên trong đoàn đều xác định đây chính là mệnh lệnh trái tim, là bản chất, truyền thống QĐND Việt Nam, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. “Chúng tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh người dân và lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đặt tay lên ngực trái mỗi khi chúng tôi và lực lượng cứu hộ quốc tế đi qua, như muốn nói lời cảm ơn bằng cả trái tim mình”, Thiếu tá Lê Đức Tài chia sẻ.
Tại lễ tuyên dương, Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cho biết, căn cứ thành tích của các tập thể, cá nhân đạt được trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng đã xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 4 tập thể và 7 cá nhân. Thiếu tướng Lê Xuân Sang cũng công bố các quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 76 cá nhân, tặng bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho 22 cá nhân, tặng bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho 8 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, tham gia khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân dịp này, Đại tướng Lương Cường, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thượng tướng Võ Minh Lương và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 76 cá nhân; đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trao bằng khen tặng các tập thể và cá nhân.
HOÀNG VŨ - Nguồn: QĐND

 Ngày 24/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.



Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu. (Ảnh: VOV)

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Cùng dự Hội thảo, có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề trọng tâm, trong đó, làm rõ nhận thức về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc; đánh giá vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay; nghiên cứu, thảo luận kết quả thực hiện các mục tiêu, quan điểm Nghị quyết số 23.

Nhiều đại biểu đi sâu phân tích hạn chế, rào cản trong công tác phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23. Các tham luận, ý kiến cũng đưa ra dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, đặc biệt là những hạn chế, những nội dung mà Nghị quyết đã chỉ ra nhưng chưa thực hiện được. Cùng đó là những yêu cầu mới, những nội dung mới, đề xuất những giải pháp mới để làm tốt hơn nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra.

Đồng chí Võ Văn Thưởng thống nhất với quan điểm của hội thảo, trong giai đoạn tới cần chú trọng hơn tư tưởng của Đảng về vai trò của nhân dân. Quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó phải lấy nhân dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm của mọi quyết sách. Cần tập trung xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng để giữ vai trò quan trọng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị, xã hội của Đảng ngày càng vững mạnh.

Đồng chí nhấn mạnh, để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng cũng như trong xã hội, không ngừng nâng tầm trí tuệ của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến lên. Phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.

VĂN TOÁN - Nguồn: nhandan.vn

 Cùng với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đội cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam đang chạy đua với thời gian, hy vọng cứu thêm được người mắc kẹt dưới những đống đổ nát sau thảm hoạ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. 



Lực lượng công binh tìm kiếm nạn nhân trên khu vực đổ nát tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hải Linh - PV TTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ

Bốn ngày sau thảm hoạ động đất khiến hàng chục triệu người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 10/2, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam gồm 76 cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân và 24 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, góp phần khắc phục hậu quả động đất. Cùng với sự hỗ trợ về người, quân đội đã vận chuyển 35 tấn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại đây.

Ngay khi tới nơi, đoàn cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Hatay là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất hôm 6/2. Tại đây, đoàn của Việt Nam đã phối hợp cùng các đoàn cứu hộ cứu nạn của các quốc gia khác để thực hiện nhiệm vụ. Tới chiều tối ngày 17/2 (giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 12 vị trí có nạn nhân, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.


Lực lượng công binh và chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân trên khu vực đổ nát tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hải Linh - PV TTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, ở một vị trí khác, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam cũng chạy đua với thời gian và tử thần, với mục tiêu là cứu được những người còn sống trong các đống đổ nát. Đoàn đã hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Adiyaman, một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất. Sau bốn ngày làm việc nỗ lực, đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã góp phần cứu sống được một thanh niên 17 tuổi và đưa được thi thể của 9 nạn nhân từ khu vực sụp đổ ra bên ngoài.

Sau những ngày bị chôn vùi trong đống đổ nát, việc phát hiện hay tìm thấy, dù ít ỏi người còn sống sót hay chỉ là “dấu hiệu của sự sống” đều là nguồn động lực để những người làm công tác cứu hộ thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng trên hết, điều đó đã làm vơi đi phần nào những mát mát mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua; mang đến cho họ niềm tin, thắp lên hy vọng có thể gặp lại hay tìm được người thân yêu đang bị vùi lấp. Và chừng nào còn hy vọng, thì mọi nỗ lực tìm kiếm người sống sót sẽ không thể từ bỏ!


Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm kích vì sự giúp đỡ của đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam. Ảnh: Hải Linh - PVTTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ

Với những cố gắng và hoạt động tích cực đó, đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đội cứu hộ quốc tế. Hãng thông tấn Anadolu đã tường thuật lại trường hợp với sự giúp đỡ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam và việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng, Abuzer Baran Bakır, 17 tuổi đã được phát hiện và cứu sống sau nhiều ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Điều đó đã khiến người dân nơi đây cảm động. Khi gặp các thành viên của đoàn Việt Nam, những người dân địa phương Thổ Nhĩ Kỳ đã để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn đối với lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến từ đất nước Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng quân đội và công an Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Trong những năm gần đây, lực lượng này có thêm nhiều kinh nghiệm sau khi tham gia các hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 

Nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai ở một nơi xa như vậy. Với mục tiêu cao nhất là càng nhanh càng tốt để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; các cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khoảng cách về không gian, rào cản ngôn ngữ và cả những thiếu thốn, khó khăn hay giá rét khắc nghiệt có lúc dưới 0 độ C khi về đêm trong mùa đông nơi tâm chấn để thực hiện nhiệm vụ của mình. 

Việc tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. 

Và trên hết, đó là“mệnh lệnh” từ trái tim, là tình yêu thương nhân loại, là tấm lòng“thương người như thể thương thân”, trong hoạn nạn có nhau. Từ đó khẳng định, Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn tích cực đóng góp một phần nhỏ bé vào nỗ lực chung của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, hỗ trợ người dân của bất cứ quốc gia nào khi gặp phải thảm họa thiên tai. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp mà chính là truyền thống văn hoá tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam./.

Xuân Phong - Nguồn: Tin tức TTXVN

 Những kết quả đạt được trong chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của Đoàn công tác cứu hộ quốc tế Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, chuyên nghiệp cao, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng CAND Việt Nam.


Sau 10 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ CNCH thảm hỏa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đúng 15h10 ngày 19/2, chuyến bay chở Đoàn công tác cứu hộ quốc tế gồm 24 CBCS của Bộ Công an Việt Nam đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức lễ đón, chủ trì tổ chức khen thưởng, động viên Đoàn công tác ngay tại sân bay.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng đại diện Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế… có mặt tại sân bay từ sớm, đón và động viên Đoàn công tác.


Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các thành viên Đoàn công tác.

Báo cáo kết quả của đoàn Công tác, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an, Trưởng Đoàn công tác cho biết, đến thời điểm này hoạt động của Đoàn công tác tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công tốt đẹp. Với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất, mọi thành viên trong Đoàn đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, áp dụng các chiến thuật linh hoạt, sử dụng các phương tiện CNCH, hoàn thành nhiệm vụ tại 3 địa điểm theo phân công của phía bạn.

Đoàn đã phối hợp với các lực lượng CNCH quốc tế cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn được ghi nhận, đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, sự tâm huyết với công việc. Đoàn được phân công tìm kiếm cứu nạn ở những địa điểm khó khăn và có khả năng còn dấu hiệu của sự sống…

Bên cạnh đó, trong quá trình công tác, Đoàn đã trao tặng gần 2 tấn thiết bị y tế do Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Cơ quan ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) và cho Sở Y tế TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, trong đó có một số gia đình người Việt; đồng thời hỗ trợ phía bạn trong chế tạo các vật dụng để sử dụng sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn như chế tạo bếp lửa dã chiến để sưởi ấm… Những kết quả trên đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, chuyên nghiệp cao, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng Công an Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Long trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các thành viên.

Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng cho biết thêm, đã có nhiều gia đình, nhiều người dân, một số tổ chức đến nơi Đoàn đóng quân để cảm ơn, các tình nguyện viên khi có yêu cầu di chuyển đến thành phố khác đều rất quyến luyến với Đoàn... Đoàn đã góp một phần nhỏ bé giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt khó khăn trong hoạn nạn và đồng thời góp phần vào xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ bền chặt giữa 2 quốc gia Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, giữa nhân dân hai nước nói riêng. Trong thời gian làm nhiệm vụ, Đoàn đã nhận được sự quan tâm, phối hợp nhịp nhàng của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số cơ quan liên quan; sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, các cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ và các đoàn quốc tế khác.


Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm trao Bằng khen của Trung ương Đoàn tặng các thành viên Đoàn công tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng ghi nhận, mặc dù gặp không ít khó khăn về điều kiện vật chất, khí hậu khắc nghiệt nhưng với quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn công tác Bộ Công an thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phân nâng cao hình ảnh, thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.


Phó Đại sứ Devletsah Yayan tặng hoa cảm ơn Đoàn công tác.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng biểu dương tinh thần trách nhiệm, tính sẵn sàng chiến đấu và sự dũng cảm của lực lượng CNCH của Bộ Công an, nhất là Đoàn công tác gồm 24 CBCS đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Đồng chí Thứ trưởng mong muốn các CBCS phát huy kết quả đạt được, tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thay mặt Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, Phó Đại sứ Devletsah Yayan bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam không quản ngại khó khăn, vất vả, rất dũng cảm tham gia cứu nạn, cứu hộ tại những vùng bị nạn. Bà nhấn mạnh: “Ngay từ ngày 6/2, khi trận động đất xảy ra, chúng tôi đã nhận được thông tin từ Chính phủ, Bộ Công an Việt Nam muốn trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ. Dù tình trạng khu vực xảy ra động đất đang rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an đã cử những CBCS tinh nhuệ sang hỗ trợ”.


Lãnh đạo Bộ Công an cùng các đại biểu và thành viên Đoàn công tác.

Nhân dịp này, Bộ Công an đã trao Bằng khen tặng các thành viên của Đoàn công tác. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Bằng khen tặng 14 CBCS là đoàn viên. Đoàn công tác cũng được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Chia sẻ với các phóng viên tại sân bay, Trung tá Nguyễn Chí Thành và Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, thành viên Đoàn công tác cho biết: “Khi được điều động bản thân rất tự hào vì mình đại diện cho công an Việt Nam. Mỗi CBCS luôn nỗ lực hơn 200% tinh thần, ý chí, quyết tâm cao để giúp nước bạn. Đặc biệt kỷ niệm không quên là đội đã phát hiện sự sống sau 6 ngày bị vùi lấp. Bản thân tôi đã tiếp cận và trao đổi với nạn nhân. Khi đưa được nạn nhân ra ngoài thì không cảm xúc nào diễn tả nổi, rất xúc động”.

“Khi làm việc với các lực lượng cứu trợ, bạn bè quốc tế đánh giá vai trò của Việt Nam là rất lớn, bởi chúng ta đã mang những thiết bị hiện đại và phục vụ hiệu quả cho công tác mở đường, tìm kiếm người bị nạn và đưa người bị nạn ra ngoài. Trong con mắt bạn bè quốc tế lực lượng CNCH Việt Nam thể hiện được sự chuyên nghiệp và sự quyết tâm và năng lực trong công tác CNCH”, anh Thành và anh Cần cho biết thêm.

Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh: “Sau công việc của Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định được tất cả những việc mà liên quan công tác CNCH mà thế giới đã và đang làm thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Việc này đã được minh chứng thực tế bởi sự ghi nhận cũng như những sự đánh giá cao của nước chủ nhà, đơn vị điều phối nước chủ nhà, lực lượng vũ trang của nước chủ nhà và một số đơn vị phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ như Mỹ, Pakistan. Tôi khẳng định rằng, CBCS của lực lượng CAND Việt Nam tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ không nề hà bất cứ công việc nào, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong bất kỳ thời điểm và thời tiết nào”./.
Hiền - Hà - Thắng, Nguồn: CAND

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.