Trong bối cảnh hiện nay, báo chí, xuất bản đã và đang là lực lượng chủ lực, tiên phong đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò này của báo chí, xuất bản, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.


Báo chí, xuất bản là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông,... góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là tư duy mới, định hướng quan trọng để các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông quán triệt và phát huy vai trò của mình trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.


Báo chí cách mạng Việt Nam xung kích trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh minh họa

1. Vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trước hết, báo chí, xuất bản đã tích cực thông tin, tuyên truyền, có nhiều xuất bản phẩm có chất lượng về mảng nội dung nghiên cứu lý luận, chính trị; khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng; tăng cường, củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Các cơ quan báo chí, trước hết là các báo chủ lực1; một số nhà xuất bản chuyên về sách lý luận, chính trị, pháp luật2,... đã đầu tư về nhân lực, điều kiện vật chất - kỹ thuật, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chủ đề xây dựng Đảng, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt, một số ấn phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, nhất là việc xuất bản cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (tháng 02/2022) đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của độc giả, học giả trong nước và bạn bè quốc tế; góp phần nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, các cơ quan báo chí, xuất bản đã tập trung thông tin, tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, kế hoạch phát triển đất nước của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành; phân tích, làm rõ tính đúng đắn của đường lối, chính sách để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nắm vững và triển khai có hiệu quả. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện, làm rõ những vấn đề còn băn khoăn liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; kịp thời biểu dương, cổ vũ những mô hình, điển hình, kinh nghiệm, cách làm tốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sức lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước.

Báo chí, xuất bản cũng tích cực phản ánh, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn tuyên truyền nội dung này với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, không chỉ cung cấp thông tin đến người dân, mà còn phản bác các thông tin xuyên tạc về quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; tăng cường niềm tin của người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, các cơ quan báo chí, xuất bản có nhiều chương trình, bài viết, xuất bản phẩm phân tích, làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, báo chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền góp phần quan trọng xây dựng và phát triển, truyền bá hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, nhất là sau khi có các nghị quyết, chỉ thị, hội nghị của Đảng về văn hóa. Trong đó, khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt nhiều thành quả quan trọng, phát triển toàn diện, hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Thứ năm, các cơ quan báo chí, xuất bản dành nhiều tác phẩm đấu tranh trực diện với luận điệu sai trái, xuyên tạc về vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” tại Việt Nam; tập trung phân tích, khẳng định, chứng minh cơ sở pháp luật đúng đắn của Việt Nam - quốc gia có chủ quyền, có các quy định, chính sách cụ thể, rõ ràng đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Một số cơ quan báo chí chủ lực mở và duy trì chuyên mục; liên tục tăng cường, nâng cao chất lượng thông tin về nội dung này, không chỉ thực hiện bằng tiếng Việt, mà còn bằng các tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ để giúp thông tin lan tỏa tới đồng bào dân tộc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo chí, xuất bản nước ta còn bộc lộ một số hạn chế về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chấp hành định hướng tuyên truyền của cơ quan chức năng. Sức thuyết phục, tính lý luận, “bút chiến” trong nội dung thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác chưa cao. Phương thức thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác có lúc, có cơ quan báo chí, xuất bản còn khô cứng, thiếu hấp dẫn, chưa phù hợp với đối tượng bạn đọc và xu thế phát triển thông tin của truyền thông mạng xã hội, v.v.

2. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Những năm tới, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động; lợi dụng triệt để các thành tựu khoa học - kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là internet, mạng xã hội để chống phá; cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ ngày càng cam go, quyết liệt. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò các cơ quan báo chí, xuất bản cùng với các cơ quan của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, xuất bản. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cần kịp thời, nhạy bén, bảo đảm tính khoa học, thuyết phục, có lý, có tình, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Tập trung chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ và báo chí, xuất bản; nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của công tác báo chí, xuất bản đối với việc nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần xây dựng cơ chế cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, xuất bản để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là về những vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm; nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không tạo ra “khoảng trống thông tin” để các thế lực thù địch lợi dụng, tán phát thông tin sai sự thật.

Hai là, nâng cao nhận thức, xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan báo chí, xuất bản cần thấu triệt tầm quan trọng đặc biệt, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là trình độ lý luận và phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận; ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Trước mắt, cần quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 154-KH/BTGTW, ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng cơ chế để khen thưởng kịp thời, nhằm động viên, cổ vũ, tôn vinh các nhà báo, người làm xuất bản có thành tích trong thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo động lực thôi thúc họ đi sâu tìm tòi, nghiên cứu, có những bài viết, xuất bản phẩm sâu sắc, chất lượng, đạt hiệu quả cao.

Ba là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, ban biên tập các cơ quan báo chí, xuất bản. Để thực hiện tốt giải pháp này, người đứng đầu cơ quan báo chí, xuất bản cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là trách nhiệm trong việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tính Đảng, tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Thực hiện “nói đi đôi với làm”, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tận tụy, tâm huyết với công việc. Có hiểu biết sâu sắc về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận diện rõ đối tượng đấu tranh, đối tượng tác động, âm mưu, nội dung chống phá, chiêu thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong từng giai đoạn, thời điểm, để lãnh đạo, chỉ đạo, có phương thức đấu tranh, chặt chẽ, hiệu quả, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Bốn là, coi trọng hơn nữa công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục. Các cơ quan báo chí, xuất bản cần đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, mở các chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, để tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng, có tính chất sống còn này. Đồng thời, tập trung xây dựng lực lượng, đơn vị chuyên trách để xác định rõ trách nhiệm, chỉ tiêu cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Những phóng viên, biên tập viên chuyên trách phải là những người “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có nhiệt tình, quyết tâm và trách nhiệm cao trong công việc; có hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của công tác này; có trình độ lý luận chính trị cao; nghiệp vụ công tác báo chí giỏi, có phương pháp đấu tranh khoa học. Chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà lý luận, nhà khoa học có uy tín; có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, linh hoạt theo hướng lâu dài, hiệu quả.

Tăng cường thời lượng, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục (từ bình luận, chuyên luận tới phỏng vấn, ghi nhanh, phiếm chỉ,...); tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học để thu hút các nhà khoa học, nhà lý luận có uy tín đưa ra các luận cứ có sức thuyết phục để nâng cao hiệu quả công tác này. Qua đó, quyết liệt đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, làm cho báo chí cách mạng thực sự là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, bảo vệ chính nghĩa, đồng hành với lẽ phải, lên án cái xấu, cái ác, chống lại những nhận thức, hành động sai trái, phi nghĩa; một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Năm là, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, xuất bản phải quán triệt nguyên tắc gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thông tin tích cực, chính thống theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo hiệu ứng truyền thông nâng cao nhận thức về những giá trị tốt đẹp của con người, cộng đồng, chế độ xã hội ở nước ta, bảo đảm mỗi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm thực sự là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đất nước và có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với bạn đọc.

Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; huy động sự tham gia thống nhất, hiệp đồng tác chiến của các loại hình báo chí, xuất bản; các “binh chủng” khác, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Coi trọng xây dựng báo chí truyền thông - xuất bản hiện đại, đa phương tiện, bắt kịp xu hướng trong thời đại công nghệ số. Đây vừa là một thách thức, vừa là một yêu cầu, nhiệm vụ rất cao đối với ngành, từng cơ quan và đội ngũ người làm báo chí, xuất bản nước ta hiện nay.

Tranh thủ các kênh để đưa báo chí, xuất bản phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, nhất là đối với kênh thông tin đối ngoại lý luận nhằm đưa hệ tư tưởng tiến bộ, khoa học, cách mạng và lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, góp phần thu hẹp sự khác biệt, thiếu thiện chí; gia tăng sự hiểu biết, đồng thuận, tạo dựng sự ủng hộ đối với Đảng, đất nước ta. Đây là một phương cách đấu tranh chủ động với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, từ sớm, từ xa, nhằm tạo nên một mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận rộng khắp, khoa học và cách mạng, đẩy lùi những luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

TRẦN THANH LÂM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguồn: Tạp chí QPTD
------------------------------------

1 - Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử Chính phủ, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân; hệ thống báo Đảng, đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố, v.v.

2 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Lao động, v.v.

 Tết Quý Mão, năm 1963 Bác Hồ đã đề nghị Bộ Chính trị và Bộ Công an bố trí để Bác đi thăm chợ Đồng Xuân - một trung tâm buôn bán sầm uất nhất thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ.



Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân - nguồn internet

Sáng sớm ngày 24 tháng 1 năm 1963, tức là ngày 30 Tết Quý Mão trời mưa lất phất thêm vào là cái lạnh của những ngày cuối đông như cắt da, cắt thịt, Bác và hai đồng chí cảnh vệ đi chợ Tết theo kế hoạch đã định.

Bác hoá trang thành một cụ già, đầu đội chiếc mũ cát đã cũ, đeo kính lão, mặc bộ quần áo nâu đã bạc màu và chiếc áo bông giữ ấm; bên ngoài khoác chiếc áo mưa bằng vải bạt; cổ quàng khăn len quấn mấy vòng để che kín bộ râu; chân đi đôi dép cao su. Là Chủ tịch Nước, thế mà khi hoá thân thành người dân lao động giống đến từng chi tiết, khó mà phát hiện ra. Chỉ vậy thôi, cũng đã nói lên cuộc sống của Bác giản dị, gần gũi nhân dân đến giường nào.

Với cuộc sống đời thường, cũng vậy, nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói. Trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10 m2 .Vậy mà, Bác vẫn đề nghị để đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Đôi dép cao su mà Bác thường dùng được cắt ra từ lốp một chiếc xe của Pháp bị ta phục kích từ những ngày ở Việt Bắc. Mặc dù, đôi dép đã quá cũ, quai đã mòn phải đóng đinh đi, đóng đinh lại nhưng Bác vẫn sử dụng, kể cả khi tiếp khách quốc tế. Hay như chiếc ô tô hiệu Pa-bê-ta” sản xuất tại Liên Xô cũng không còn mới nhưng Bác bảo “vẫn dùng được” thì chưa nên thay. Chúng ta đã từng nghe chuyện Bác dùng đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần; có quả chuối hơi nẫu, có ngươì muốn vứt, nhưng Bác đã lấy dao gọt phần nẫu đi sau đó bóc ăn ngon lành. Trong cuộc sống, sinh hoạt, Bác chi tiêu rất dè xẻn, cân nhắc từng xu: Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chi có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quân, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người năm 1939, Bác cũng chỉ khao: Một món canh và hai đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc. Những ngày trong tù, khi nghe tin Hồng quân Liên Xô bắt sống 33 vạn quân HítLe, ở Xtalingrat, Bác đã nhờ người lính gác mua dùm ít kẹo và dầu chả quẫy rồi ngồi một mình “chén tạc, chén thù”, rất đàng hoàng vui vẻ… Những câu chuyện cảm động về tính tiết kiệm của Người còn nhiều, nhiều nữa, làm sao kể hết. Bởi, Bác của chúng ta là người không và không bao giờ tự cho phép mình có mức sống xa lạ với những người xung quanh, mức hưởng thụ cao hơn chiến sĩ, đồng bào, dù Người có quyền được như vậy.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Mỗi năm Tết đến xuân về, Bác dạy: "Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ”. Trong bao nhiêu việc phải lo, điều Bác luôn dặn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể và cả cộng đồng dân cư là phải quan tâm đến người nghèo, người cô đơn, không nơi nương tựa... Đối với các nơi có cán bộ công nhân, nhất là các bạn chuyên gia nước ngoài phải làm việc trong những ngày Tết, Người không quên căn dặn "Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý chăm sóc".

Tết đến, Bác thường đi thắp hương các Nghĩa trang Liệt sĩ, thăm các gia đình chính sách, các cụ bô lão, các cơ quan đơn vị có nhiều thành tích trong năm và cả những đơn vị còn khó khăn truyền thêm niềm tin để họ phấn đấu trong năm mới. Có năm Bác đến thăm một gia đình mà trong đêm giao thừa phải đi gánh nước thuê lấy tiền mua gạo.

Lần này, là cũng một lần như thế, khi đến chợ Đồng Xuân, chỗ nào Bác cũng quan sát rất kỹ, tìm hiểu thái độ, mối quan hệ giữa người mua với người bán và giá cả từng mặt hàng. Người mua sắm hàng Tết đông như nêm, vài ngươì sơ ý chạm vào Bác, họ quay lại lễ độ xin lỗi, Bác gật đầu đáp lại và cười độ lượng.

Bác của chúng ta là thế đó. Chính những nghĩa cử, cuộc sống thanh bạch và những chăm chút cho nhân dân từ những việc tưởng như nhỏ ấy của Người đã làm nên điều vĩ đại của một nhân cách lớn. Cũng chính vì lẽ ấy, không chỉ nhân dân ta một mực tôn kính Người, mà bạn bè trên thế giới cũng hết sức ngưỡng mộ.

Tết Quý Mão-2023 đã đến gần, vậy là 54 năm Bác không còn đi chợ Tết, nhưng có lẽ chuyến đi chợ Tết 60 năm trước của Bác vẫn là bài học lớn cho tất cả chúng ta, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người./.

Nguyễn Trí Ánh - Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương

 Những tháng đầu năm 2022, quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động tham mưu và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm. Đặc biệt đã tập trung đấu tranh mạnh với hoạt động tín dụng đen...

    Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm tín dụng đen được tập trung làm quyết liệt trong thời gian qua nên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh về cơ bản được kiểm soát, không xảy ra vụ án có tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó đã điều tra, khởi tố 05 vụ, bắt 8 đối tượng phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đáng chú ý, còn phát hiện các vụ liên quan đến "tín dụng đen" về hành vi cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản.
     

    Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vũ Thư, Thái Bình xây dựng kế hoạch đấu tranh tội phạm tín dụng đen.


    Điển hình: Tháng 02/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đinh Văn Thảo (sinh năm 1956), trú tại thôn Vị Thủy, xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự. Trước đó, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình nhận được tin trình báo của bị hại về việc liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của Đinh Văn Thảo với các công nhân tại công ty TNHH Lam Vũ có trụ sở tại xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy. Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành điều tra, xác minh trong thời gian từ tháng 01/2021 đến ngày 15/01/2022, Đinh Văn Thảo đã liên tục cho 07 người vay tiền và thu lời bất chính tổng số tiền 53.013.000 đồng.
     

    Lực lượng Công an trong tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền phương thức thủ đoạn hoạt động của tín dụng đen đến với nhân dân trong tỉnh.


    Trước đó, qua đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân, ngày 11/01/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã triệu tập Nguyễn Thị Nhật và một số đối tượng có liên quan để điều tra. Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra xác định, từ khoảng tháng 10/2017 đến tháng 5/2018, Nguyễn Thị Nhật đã cho vay tiền nhiều lần, với tổng số tiền là 550 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương với 180%/năm). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nhật về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự. Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố bị can đối với Lý Trung Vương (sinh năm 1978, trú tại thôn Đại Hữu, xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải) là đồng phạm với Nguyễn Thị Nhật. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Long (sinh năm 1994, trú tại Thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
     

    Đối tượng Nguyễn Thị Nhật trước Cơ quan Cảnh sát điều tra.


    Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, lực lượng Công an trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự. Thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và phối hợp với lực lượng chức năng trong đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; tiến hành tẩy xóa, tháo gỡ tờ rơi quảng cáo về hoạt động cho vay trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư...

    Thực tế, tội phạm tín dụng đen còn diễn biến phức tạp, chính vì thế, quan trọng nhất vẫn là người dân phải chủ động, khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức, thành viên hoạt động tín dụng đen cần báo cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý; tránh việc rơi vào bẫy tín dụng đen.

     Ngày Lễ Giáng sinh không có nguồn gốc từ Việt Nam, đó là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như Công giáo, Tin lành. Từ khi được truyền vào Việt Nam đến nay, đạo Công giáo, Tin lành đã có những ảnh hưởng tới đời sống xã hội của người dân Việt Nam.


    Các ngày lễ Công giáo như Giáng sinh, Phục sinh đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người dân. Thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn.

    Ngày Lễ Giáng sinh và bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam -0
    Ảnh minh họa.

    Đây cũng là dịp để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí vẫn luôn tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điêu sai trái, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta hòng tạo sự hoài nghi, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.

    Những luận điệu sai trái

    Trong 5 năm qua (2017-2022), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Họ cho mình quyền nhận xét, đánh giá phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác. Họ sử dụng thông tin tài liệu cũ hoặc không chính thống từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin sai lệch, đưa vào báo cáo đánh giá.

    Một số tổ chức tìm cách khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Giáo hội và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền. Họ kích động với luận điệu đây là quyền con người “quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo”; xuyên tạc Luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, coi đó là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo” không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người… Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC), “gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và nhấn mạnh tiến bộ về tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ song phương”…

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12 thông báo “đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.

    Thực tiễn trả lời cho những cáo buộc

    Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Ở Việt Nam có những tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hoà Hảo, Cao đài…) song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài (Công giáo, Phật giáo, Tin lành…). Các tôn giáo luôn luôn giữ mối đoàn kết và tôn trọng niềm tin tôn giáo lẫn nhau, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề.

    Đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).

    Thực tế đã chứng minh, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, ngày 3/9/1945, tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”.

    Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước nhưng chức sắc các tôn giáo, đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.

    Ngày nay, ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Hoạt động của các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận động quần chúng theo đạo - một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của nhiều tôn giáo đều trở thành lễ hội chung vui của toàn dân tộc như lễ Noel, lễ hội La Vang.

    Đặc biệt, lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005…

    Bên cạnh những giá trị đạo đức, các tôn giáo còn có hệ thống những lễ hội rất phong phú. Trước đây, việc tổ chức và tham gia lễ hội là công việc nội bộ giáo hội và tín đồ trong đạo. Ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo không còn là chuyện riêng của từng tôn giáo mà nó có sức lan toả, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…

    Lễ Giáng sinh chỉ là 1 trong số 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm ở Việt Nam. Thực tế không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia.

    Ðiều đó cho thấy Ðảng và Nhà nước đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Không chỉ đối với đồng bào theo đạo Công giáo, quy mô và hoạt động tôn giáo của đồng bào theo các tôn giáo khác cũng ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm.

    Những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà các tổ chức thiếu thiện chí đưa ra tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ là gì? Họ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tự do tôn giáo của Việt Nam, khi mà các phê phán của họ chỉ là sự lạc lõng, không được chức sắc tôn giáo đồng tình?

    Thực tiễn đời sống tôn giáo đã chứng minh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là củng cố niềm tin của chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

    Chiều 15/12, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.

    Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.

    Theo báo CAND

     Công an tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Kế hoạch số 240/KH-BCA-C02, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

     

    Hiện nay, có nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo với các tổ chức tín dụng đen, dẫn đến nợ nần, phá sản. Vậy tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào? - Minh Tài 


    Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào?

    Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)

    1. Tín dụng đen là gì?

    Theo khoản 13 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định 03 loại nghiệp vụ của hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

    Khoản 14 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

    Tuy nhiên, hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là tín dụng đen. Trên thực tế, tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay nặng lãi)

    2. Lãi suất cho vay hợp pháp là bao nhiêu?

    Hiện nay, các tổ chức, cá nhân cho vay áp dụng nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau. Mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 , cụ thể:

    - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

    + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. 

    + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

    - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

    Đồng thời Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định về lãi suất cho vay như sau: 

    - Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

    - Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

    - Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

    Như vậy, trong giao dịch dân sự, mức lãi suất cao nhất được quy định là 20%/năm. Tuy nhiên, trong quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng thì lãi suất giữa các bên là thỏa thuận, trừ trường hợp theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN , theo đó:

    Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN .

    3. Mức phạt tội cho vay nặng lãi

    Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) , người phạm tội cho vay nặng lãi bị xử lý như sau:

    - Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     Ngày 30/10/2022, một loạt YouTuber tự nhận là những người ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, hiện bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”) đã có những clip lives tream chia sẻ nội dung bà Hằng được tại ngoại.

    Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, hiện bà Nguyễn Phương Hằng vẫn đang bị tạm giam để tiếp tục điều tra. Vì thế, việc những YouTuber này tung tin thất thiệt đã gây rối loạn không gian mạng, rất cần được xử lý nghiêm.

    Drama vẫn chưa kết thúc

    Những tưởng, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt thì drama do chính bà tạo ra sẽ kết thúc, cư dân mạng sẽ được hưởng không khí “yên bình”,nhưng không, các YouTuber trước đó ủng hộ bà Hằng tiếp tục drama còn dang dở của bà ta. Trong các cuộc livestream của họ, bà Hằng vẫn là nhân vật chính được nhắc đến, như một cách để họ nuôi sự kiện, nhằm lôi kéo sự quan tâm của một bộ phận cư dân mạng ủng hộ bà Hằng. Đa số những YouTuber này đều hành nghề bán hàng online, thế nên việc câu kéo người theo dõi, câu view, câu like luôn được các đối tượng lợi dụng triệt để. Họ không từ thủ đoạn nào, từ việc lôi các YouTuber khác ra đấu đá, chửi bới, lăng mạ (dù trước đó chung một chiến tuyến), đến việc lợi dụng việc con trai bà Hằng mới đây có đơn gửi cơ quan tố tụng đề nghị được đặt 10 tỷ đồng nhằm đảm bảo, thay thế biện pháp tạm giam cho mẹ được tại ngoại, để tung tin thất thiệt rằng bà Hằng đã được trở về.

    Cần xử lý nghiêm những YouTuber tung tin sai sự thật vụ án liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng -0
    Các kênh YouTube đưa thông tin thất thiệt cho rằng bà Hằng được tại ngoại.

    Tính đến nay, bà Hằng đã bị tạm giam 7 tháng, nhưng cũng từ đó đến nay, không gian mạng vẫn tràn ngập các thông tin liên quan đến bà này, kéo theo hai luồng dư luận ồn ào đến từ hai phía, một bên bảo vệ bà Hằng hay còn gọi là “chính nghĩa” và một bên ở phía đối lập, còn được gọi là “lươn”.

    Trước đó, một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin con trai bà Hằng gửi đơn xin cho mẹ mình được tại ngoại. Bám theo sự kiện này, một loạt YouTuber như Long Vlog, Chinh Le và các YouTuber trong nước như Hùng râu (chủ kênh Vua Trầm), Ngô Thanh Long (chủ kênh Long Ngô)... đã có clip chia sẻ sự kiện bà Hằng được tại ngoại, kéo theo những bình luận của phe “chính nghĩa” gây rối loạn dư luận và ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan chức năng. Trong đó, nguy hiểm nhất là có luồng dư luận cho rằng, “bây giờ cứ có tiền là không bị tạm giam, cứ nộp tiền vào là được bảo lãnh tại ngoại” như trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng. Nhiều người thiếu hiểu biết cho rằng, bà Hằng đang thực hiện tuyên bố “lấy tiền che thân” mà trước khi bị bắt, trong một livestream, bà này đã cao giọng thách thức.

    Cũng liên quan đến drama của bà Nguyễn Phương Hằng, trước đó, vào cuối tháng 3/2022, bà P.T.L, chủ một tài khoản Tiktok cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử lý vì có hành vi đăng tải, chia sẻ nhiều video clip có nội dung, thông tin sai sự thật, xuyên tạc hoạt động điều tra của cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, xúc phạm uy tín của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Bà L thú nhận, vì là fan hâm mộ bà Hằng nên đã đăng tải các video lên mạng xã hội nhằm ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng và lôi kéo nhiều người đăng kí kênh. Sau khi được giáo dục, bà L nhận thức rất rõ hành vi của mình và cam kết không tái phạm. Cũng không nằm ngoài drama này, ngay sau khi bà Hằng bị bắt một thời gian ngắn, một số YouTuber và Tiktoker đã tung tin thất thiệt như bà Hằng được chồng bảo lãnh cho tại ngoại, chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng và đã được thả về.

    Một đối tượng được cho là rất tích cực trong việc xuyên tạc hoặc tham gia các buổi livestream có nội dung xuyên tạc, đó là Ngô Thanh Long (tức YouTuber “Long Ngô”). Ông Ngô Thanh Long từng xuất hiện trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và đã có hành vi “cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức”. Tại buổi livestream này, Ngô Thanh Long đã có lời lẽ xúc phạm báo chí. Kết cục cho hành vi này là ông Long đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.

    Đáng nói, mặc dù đã từng bị xử phạt về những phát ngôn sai sự thật, nhưng ông Long cũng như nhiều YouTuber khác không từ bỏ drama “chị đại” để lại. Đình đám nhất trong những YouTuber bám vào drama của bà Nguyễn Phương Hằng phải kể đến Long Vlog và Chinh Le. Cư dân mạng trong ngày 30/10/2022 đã xôn xao trước thông tin nhóm này chia sẻ trong livestream với nội dung bà Hằng được tại ngoại: “Chị Hằng về, anh em YouTuber hội ngộ ăn mừng”. Tham gia buổi livestream, ngoài Long Vlog, Chinh Le, còn có một số đối tượng khác cũng thuộc biệt đội “chính nghĩa” như Nhidtvlog và Saly Huynh. Một đối tượng khác cũng tung tin thất thiệt về bà Hằng, đó là chủ kênh YouTube “Cuộc sống bốn phương”. Vì là tin hot, thế nên chỉ trong thời gian ngắn, những kênh YouTube này đã thu hút một lượng lớn người xem trực tiếp, để lại hàng nghìn bình luận vẫn là đến từ hai phía: “Chính nghĩa” và “lươn”, mà nội dung chủ yếu là chửi bới, xúc phạm danh dự lẫn nhau, biến không gian mạng thành một bãi rác khổng lồ.

    Đánh đối thủ và… đánh nhau

    Luôn tự nhận ở phe “chính nghĩa”, tôn trọng sự thật, là những người sống nghĩa khí, nhưng rốt cuộc thì những đối tượng là chủ các kênh YouTube kể trên trong thời gian qua đã có lối hành xử trên không gian mạng rất phản cảm, thiếu văn hóa.

    Đầu tiên, phải kể đến YouTube Chinh Le. Người này trong thời gian bà Phương Hằng chưa bị bắt, đã thường xuyên có những buổi livestream chiến đấu với phe đối lập, mà đỉnh điểm là trong một buổi xuất hiện trên kênh của bà Phương Hằng, chủ nhân YouTube Chinh Le đã có những lời lẽ vu khống, xúc phạm ca sĩ Vy Oanh hết sức vô văn hóa và vô đạo đức. Cũng vì nội dung này mà ca sĩ Vy Oanh đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan công an, yêu cầu xử lý hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự cô của ông Lê Kim Chính, chủ nhân YouTube Chinh Le.

    Cần xử lý nghiêm những YouTuber tung tin sai sự thật vụ án liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng -0
    Ông Lê Kim Chính (kênh youTube “Chinh Le”) trong buổi livestream của bà Hằng với nội dung xúc phạm ca sỹ Vy Oanh.

    Một YouTuber khác khiến bà Hằng cũng phải e ngại vài phần là Nguyễn Công Long, chủ kênh YouTube Long Vlog. Ngoài việc chửi bới, lăng mạ các YouTuber ở phía đối lập, Nguyễn Công Long còn có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm một số YouTuber cùng “chiến tuyến” hết sức phản cảm, bậy bạ. Trong một thời gian dài, các buổi livestream của những người như ông Chính, ông Long thu hút sự theo dõi của đông đảo người tham gia các nền tảng xã hội, tạo thành một thứ rác tràn ngập trên không gian mạng. Những hành động đó bị lên án rất nhiều, đến từ chính những người đã từng ủng hộ kênh YouTube của ông Long. Nhưng, ngược lại, vẫn có những “khán giả” ủng hộ ra mặt, tung hô lối hành xử vô đạo đức của chủ kênh YouTube này.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hai chủ nhân kênh Long Vlog và Chinh Le đều sinh sống ở nước ngoài và thỉnh thoảng có về Việt Nam. Nhiều người cho rằng, cũng có thể những người này ở nước ngoài nên mới có thể mạnh miệng xúc phạm người khác như vậy. Ngồi một chỗ và cào bàn phím chửi bới, lăng mạ người khác khi nào cũng dễ hơn việc phải đối mặt. Rất nhiều YouTuber ngày nay chọn cách này để gây sự chú ý nhằm tạo tương tác cho kênh của mình. Đôi khi, họ cũng gặp trạng thái ảo tưởng về chính mình, ảo tưởng quyền lực khi thấy mình nói đến đâu, “khán giả” tung hô đến đấy.

    Cư dân mạng thì vốn hiếu kỳ và dân trí cũng không đồng đều, khi đã theo dõi kênh của ai và coi người đó là thần tượng, họ rất dễ bị dẫn dụ và bất cứ lời nào của thần tượng đối với họ cũng là chân lý. Thực tế đã xảy ra hiện tượng hâm mộ bà Nguyễn Phương Hằng. Hâm mộ đến mức mù quáng, sẵn sàng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật để chà đạp những người không cùng quan điểm với mình. Vì vậy, cơ quan pháp luật và cơ quan quản lý văn hóa cần có biện pháp mạnh để xử lý về các hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác của chủ nhân các kênh YouTube. Bởi chính những người này đã góp phần đổ thêm rác vào một núi rác trong không gian mạng vốn đã khổng lồ.

    Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

    Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật,xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,... thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)...

    Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

    Biểu mẫu liên hệ

    Tên

    Email *

    Thông báo *

    Được tạo bởi Blogger.