Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, tiêu ngữ "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" gắn liền quốc hiệu Việt Nam suốt 75 năm qua.
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, VnExpress phỏng vấn PGS.TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về tư tưởng "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" được nêu trong bản Tuyên ngôn độc lập vang lên tại quảng trường Ba Đình mùa thu năm 1945.
PGS. TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Thuỳ
- Theo ông, đâu là ngọn nguồn của tư tưởng về quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc được nêu trong bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam?
- Ngọn nguồn của tư tưởng về quyền tự do, độc lập trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm - mạch nguồn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước làm cho dân tộc luôn đứng vững trước những khó khăn, thách thức, không cam chịu khuất phục trước bất cứ thế lực cường quyền nào.
Cùng với mạch nguồn đó, trong quá trình tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc được nhiều giá trị tinh hoa của nhân loại. Từ tư tưởng của các nhà dân chủ tư sản, như trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1791), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc không phải của riêng chủ nghĩa tư bản hay riêng dân tộc nào, mà là giá trị chung của toàn thể nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng tiếp cận và đánh giá cao chủ nghĩa Tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của nhà cách mạng Trung Quốc thời kỳ cận đại Tôn Trung Sơn; cho rằng chủ nghĩa Tam dân có nhiều điểm phù hợp với cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp cận với học thuyết về sự giải phóng triệt để con người. Lý tưởng lớn nhất của con người là sự giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công, thực hiện sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Bên cạnh những mạch nguồn lý luận trên, cội nguồn của tư tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập còn xuất phát từ khát vọng của dân tộc Việt Nam trong gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân và phát xít. Đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, người dân kiệt quệ, lầm than. Thông qua Hồ Chí Minh, yêu cầu của lịch sử, của dân tộc Việt Nam đã được đáp ứng, đó là tìm con đường để giải phóng triệt để dân tộc, làm cho dân tộc được hồi sinh trở lại.
- Sáu chữ "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" đã đi liền cùng quốc hiệu Việt Nam trong 75 năm qua. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Đây là sáu chữ dành cho tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, tôn giáo, trở thành giá trị chung của dân tộc Việt Nam trong suốt 75 năm qua.
Độc lập, tự do, hạnh phúc là lý tưởng, để đi đến được là cả một hành trình. Việt Nam đã đi được những bước rất dài. Từ đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, trở thành quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Non sông thống nhất, liền một dải từ Bắc vào Nam.
Quyền tự do của người dân đã được khẳng định và thể chế hoá bằng Hiến pháp, pháp luật. Những giá trị hạnh phúc thực sự cũng đã được mang lại cho người dân trên mọi miền Tổ quốc. Hạnh phúc trước hết là cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng nền tảng cho hạnh phúc cá nhân là đất nước hòa bình, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều phát triển; GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020; công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu... Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam được xếp hạng vào nhóm cao trên thế giới.
Lý tưởng là bất biến, nhưng chỉ số để đo thì cần được nâng lên theo tầm thời đại. Hạnh phúc trước đây với nhiều người chỉ là được ăn những bữa cơm không độn khoai, sắn, nhưng hạnh phúc bây giờ không còn đơn giản như vậy. Vì thế, chúng ta đang trong hành trình nỗ lực không ngừng để đạt đến lý tưởng của độc lập, tự do, hạnh phúc, với mục tiêu được cụ thể hóa là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu
- Theo ông, cần làm những gì để tiếp tục thực hiện và phát triển lý tưởng này?
- Độc lập, tự do, hạnh phúc là giá trị chung của nhân loại, cũng là giá trị mà Việt Nam hướng đến từ khi nước Việt Nam mới ra đời. Để tiếp nối giá trị đó có nhiều công việc cần làm, trong đó theo tôi cần tập trung vào ba việc cơ bản.
Trước hết, chúng ta phải khẳng định và kiên định con đường đã đi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã được minh chứng bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thắng lợi vẻ vang của 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới 35 năm qua. Con đường này cũng hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của dân tộc, cũng như với xu hướng phát triển của thời đại.
Thứ hai, để có được thắng lợi của cách mạng Việt Nam thì người lãnh đạo phải đủ tâm, đủ tầm, vừa là đạo đức, vừa là văn minh để quy tụ, thuyết phục, đủ sức tổ chức, lãnh đạo nhân dân. Người lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của cách mạng, bởi lãnh đạo mà sai thì đất nước sẽ đi sai đường, nên người lãnh đạo phải là tinh hoa, tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, phẩm giá của dân tộc.
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng đất nước, Đảng cũng phải chú trọng nhận diện và phòng chống hữu hiệu nguy cơ suy thoái, bởi vì bất kỳ đảng nào nắm chính quyền cũng có nguy cơ bị quyền lực làm cho tha hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc, phải chú ý căn bệnh chủ nghĩa cá nhân mà thời kỳ hiện đại có rất nhiều biến tướng. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII), Đảng cũng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, trong đó 9 biểu hiện về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về đạo đức lối sống và 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Đặc biệt, Đảng phải chống căn bệnh chủ nghĩa cá nhân vì nó ẩn nấp trong mỗi con người, chờ khi người ta hoặc là thắng lợi, hoặc là sai lầm, thì mới xuất đầu lộ diện. Thắng lợi thì chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo, còn sai lầm thì bi quan, chán nản. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, chủ nghĩa cá nhân bịt mắt những nạn nhân của nó. Vậy nên mới có những người được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao giữ những cương vị cấp cao, có công lao, cống hiến, nhưng trên cương vị đó lại mắc những sai lầm, khuyết điểm để bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở, một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được quần chúng yêu mến và ca ngợi nếu như lòng dạ không trong sáng nữa, nếu như sa vào chủ nghĩa cá nhân. Đó là sự cảnh tỉnh rất sâu sắc, là chân lý của mọi thời đại mà Đảng cầm quyền phải luôn nhớ.
Thứ ba, một việc quan trọng nữa là nếu chỉ có Đảng, đường lối, con người đi tiên phong thôi thì không đủ, mà cần phải có phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Vì vậy, Đảng phải tổ chức được lực lượng của quần chúng, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công lúc chỉ có khoảng gần 5.000 Đảng viên, đó là nhờ sự ủng hộ của nhân dân. Đồng thời, trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải mở rộng ra thế giới, thực hiện đoàn kết quốc tế rộng rãi, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, vì trong bối cảnh toàn cầu hoá, khu vực hoá, không một quốc gia nào có thể đứng ra ngoài sự phát triển chung của nhân loại.
- Cảm xúc của ông mỗi lần đọc lại Tuyên ngôn độc lập vào dịp mùa thu đến?
- Mỗi dịp 2/9, đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy tự hào là người Việt Nam, một dân tộc trong 75 năm qua đã quyết "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập".
Tôi cũng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người đi trước để có cuộc sống hoà bình, hạnh phúc của đất nước ngày hôm nay.
Trước đây cha ông giành được độc lập thì bây giờ thế hệ chúng ta phải làm cho nền độc lập, tự do đó được phát triển. Trước đây chỉ cần đánh thắng đế quốc, thực dân, nhưng bây giờ phải đánh thắng đói nghèo, lạc hậu để Tổ quốc giàu mạnh, có được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, đời sống của người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Tôi tin rằng đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người thế hệ ngày nay.
Hoàng Thùy (Vnexpress)